Xu thế chuyển đổi số tại doanh nghiệp logistics

Thương hiệu - Giao thương - Ngày đăng : 20:20, 23/05/2023

Trước tình trạng bùng nổ kinh tế số, cùng với thương mại điện tử các doanh nghiệp logistics đã phần nào nhận thức, đẩy nhanh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động kinh doanh, tiến tới thực hiện logistics thông minh, logistics xanh.
tnd_iii.jpg
Từ năm 2006, Cảng Sài Gòn (Saigon Port) đã có những bước phát triển về lĩnh vực công nghệ thông tin, triển khai thành công phần mềm CATOS, đáp ứng nhu cầu quản lý khai thác container.

VLA và những doanh nghiệp đi đầu

Thời gian qua, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics lớn đã áp dụng nhiều giải pháp công nghệ tiên tiến

Đối với VLA, đã triển khai hàng loạt các hoạt động truyền thông, hội thảo, hội nghị, chương trình xúc tiến giới thiệu, liên kết trên nhiều lĩnh vực để thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ. VLA đang xúc tiến mạnh mẽ việc chuyển đổi số trong các doanh nghiệp, xây dựng nền tảng số cho ngành dịch vụ logistics nước ta; thực hiện dự án e-DO hàng nhập khẩu container chung chủ cho hàng hải và hàng không; nghiên cứu ứng dụng giải pháp e-B/L; tiến hành thảo luận với các bên liên quan để triển khai công tác khảo sát doanh nghiệp hình thành chỉ số LCI của tỉnh, thành trong cả nước,...

Ban Khoa học Công nghệ & Đổi mới, Sáng tạo (VLA) đã xây dựng chương trình hoạt động công nghệ phù hợp cho cả nhiệm kỳ (2021-2024), các ứng dụng công nghệ thông tin và xu hướng phát triển mà các doanh nghiệp đang hoặc dự kiến cung cấp cho khách hàng sử dụng dịch vụ logistics.

Đối với doanh nghiệp, đi đầu phải nhắc đến Tân cảng Sài Gòn với các giải pháp quản lý khai thác cảng biển, E-port, green Logistics, e-DO, chứng từ khai báo thủ tục làm hàng ở cảng biển, cảng hàng không. Hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ thông tin vào logsitics đã được chứng minh trong thực tế như trong lĩnh vực cảng biển, sau khi áp dụng công nghệ điều hành quản lý sản xuất tiên tiến đã giúp giảm trên 50% thời gian tàu nằm bến, giảm 3/4 thời gian giao nhận hàng hoá.

GEMADEPT cũng đã áp dụng Giải pháp quản lý Cảng biển Smart Port, đây là phần mềm đầu tiên hướng tới việc áp dụng công nghệ hiện đại trong việc đồng bộ hóa các tác vụ giữa các bộ phận trong cảng và kết nối giữa các Cảng, ICD, Depot, kết nối giữa hãng tàu, cảng và hải quan,... Qua đó giúp cho việc thực hiện các tác vụ của khách hàng được đồng bộ giữa các bộ phận, nhanh và chính xác hơn, hiệu quả kinh tế cao hơn một cách rõ rệt.

Với Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng, thời gian vừa qua, công ty đã đẩy mạnh việc phục vụ khách hàng thông qua các phần mềm điện tử như e-Port. Với việc áp dụng phần mềm điện tử này, quá trình giao nhận, thanh toán điện tử và giao nhận hàng hóa thuận tiện theo hướng đơn giản, nhanh chóng. Từ đó, giảm thời gian khách hàng trực tiếp đến giao dịch tại cảng; giảm thời gian xe dừng đỗ tại các cổng cảng làm thủ tục và giảm ách tắc giao thông tại cổng cảng. Cảng Hải Phòng hiện đang xây dựng kế hoạch để triển khai ePort rộng rãi trong toàn công ty.

Trước tình trạng bùng nổ kinh tế số, cùng với thương mại điện tử (TMĐT) các doanh nghiệp logistics đã phần nào nhận thức, đẩy nhanh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động kinh doanh, tiến tới thực hiện logistics thông minh, logistics xanh. Qua đó, tối ưu hoá trong các dây chuyền sản xuất, cung ứng sản phẩm.

Ứng dụng CNTT và chuyển đổi số tại doanh nghiệp logistics

Phải khẳng định rằng việc ứng dụng CNTT và chuyển đổi số thành công trong logistics của doanh nghiệp là yếu tố quyết định đối với việc phát triển dịch vụ logistics để đáp ứng việc nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất nhập khẩu nước ta trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của TMĐT hiện nay, thích ứng với việc chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy nghiêm trọng do dịch COVID-19, xung đột quân sự giữa Nga - Ukraine cũng như biến đổi khí hậu gây ra.

cds.jpg
Chuyển đổi số trong doanh nghiệp là quá trình tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của một doanh nghiệp

Việt Nam hiện là một trong những thị trường TMĐT nhiều tiềm năng, phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á và logistics được dự báo sẽ tiếp tục là lĩnh vực xương sống của nền kinh tế kỹ thuật số. Đồng thời, xuất khẩu các mặt hàng dễ hư hỏng như hàng nông, thủy sản và thực phẩm cũng như vận chuyển thuốc và vắc-xin phục vụ chống dịch COVID-19 đã tạo ra nhu cầu tăng nhanh về chuỗi cung ứng lạnh, cần các công ty logistics có công nghệ kiểm soát nhiệt độ trong quá trình lưu kho và vận chuyển.

Việt Nam hiện có lực lượng công nghệ phát triển mạnh trong nhiều mảng, đã có các nhà cung cấp giải pháp trong nước cho các sản phẩm sau: Hệ thống quản lý giao nhận vận tải quốc tế (FMS); Hệ thống quản lý kho hàng (WMS); Hệ thống quản lý vận tải, quản lý đơn hàng (TMS/OMS); Hệ thống chia chọn/thực hiện đơn hàng (Sorting/Fulfillment); Kho tự động ASRS; Ứng dụng Gọi xe tải - Xe container - Hàng ghép; Hệ thống quản lý chuyển phát; Hệ thống tích hợp với các sàn thương mại điện tử; Sàn giao dịch vận tải; Công ty logistics công nghệ (kết hợp online và offline); Các giải pháp tối ưu hóa, hỗ trợ ra quyết định,…

Hiện nay, có nhiều công ty của Việt Nam cung cấp giải pháp đa dạng trong lĩnh vực công nghệ logistics như Phaata.com, SmartLog, Logivan, Abivin, NetLoading, DTK Logistics Solution,… nhưng hạn chế lớn nhất là hầu hết các công ty chỉ cung cấp các giải pháp đơn lẻ, chưa kết nối được thành một nền tảng số cho ngành dịch vụ logistics quốc gia.

Công tác ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động logistics tuy chưa đồng bộ, nhưng bước đầu mang lại hiệu quả. Các doanh nghiệp logistics Việt Nam đang cung cấp từ 1-17 loại hình dịch vụ logistics khác nhau theo quy định tại Nghị định số 163/2017/NĐ-CP. Trong đó chủ yếu là dịch vụ giao nhận, vận tải, kho vận và khai báo hải quan. Có khoảng 46% doanh nghiệp đang ứng dụng các loại hình công nghệ khác nhau, tuỳ theo quy mô và tính chất dịch vụ của từng doanh nghiệp, mang lại hiệu quả cao trong kinh doanh. Trong đó nổi bật là dịch vụ khai báo hải quan (gần như 100% điện tử), thanh toán thuế (100% hóa đơn điện tử), dịch vụ quản lý khai thác cảng biển, quản lý hành trình xe vận chuyển hàng hóa, quản lý kho bãi,...

Tuy nhiên, việc chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics hiện vẫn còn gặp không ít khó khăn như thiếu tính kết nối trong hệ thống, thiếu thông tin về công nghệ số, thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ số, thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số, khó khăn về chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ số, khó khăn về thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh, chất lượng dịch vụ không cao,... Ngoài ra, khoảng hơn 90% doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn trong việc lựa chọn công nghệ phù hợp với hoạt động dịch vụ của doanh nghiệp...

Nguồn: Bộ Công Thương

Trần Kim Thoa