Opera Việt Nam tiếp thu các giá trị nghệ thuật thế giới

Văn hóa - Ngày đăng : 08:40, 24/05/2023

Khi viết những tác phẩm opera Việt Nam, các nhạc sĩ người Việt đã tiếp thu những nguyên tắc chủ yếu của opera cổ điển châu Âu. Từ cấu trúc vở diễn đến cách xây dựng các hình thức âm nhạc, thanh nhạc, đều hướng theo những qui định, yêu cầu, kỹ thuật của opera cổ điển phương Tây như là những chuẩn mực, giá trị trong cấu trúc nghệ thuật.
artboard-1.png
artboard-1-copy-6.png
artboard-1-copy(1).png

Thông thường, opera có cấu trúc màn, cảnh, hồi... Đối với những vở opera sử dụng cấu trúc màn thì trong mỗi màn hay có nhiều cảnh (thường có 3 màn trong một vở diễn). Một số vở opera sử dụng cấu trúc cảnh, hồi. Đơn vị hoàn chỉnh nhỏ nhất trong vở opera là tiết mục. Trong 1 màn, 1 cảnh, hay 1 hồi có nhiều tiết mục (thanh nhạc hoặc khí nhạc), cụ thể như:

Opera Cô Sao, cấu trúc 3 màn gồm 29 tiết mục.

Opera Nguyễn Trãi ở Đông quan, cấu trúc 3 hồi, 3 cảnh gồm 27 tiết mục.

Opera Người giữ cồn, cấu trúc 5 cảnh gồm 19 tiết mục.

Opera Lá đỏ, cấu trúc 2 hồi, 6 cảnh gồm 36 tiết mục…

artboard-1-copy-8.png

Có thể nói, opera là loại hình âm nhạc lớn nhất, đỉnh cao nhất của thanh nhạc, là nguồn cảm hứng sáng tạo vô tận dành cho các loại giọng hát chuyên nghiệp. Chính vì vậy, luôn có nhiều loại giọng hát và nhiều hình thức thanh nhạc tham gia trong vở opera như: aria, arioso, recitative, ballade, romance, ca khúc, hợp ca (song ca, tam ca...), hợp xướng. Trong đó, Aria là hình thức đơn ca hoàn chỉnh về nghệ thuật, cấu trúc và không thể thiếu trong các vở opera. Hình thức này dành cho nghệ sĩ hát solo với dàn nhạc đệm. Tính chất của aria là sự thể hiện nhiều mặt của hành động nhân vật, khắc họa thế giới nội tâm của nhân vật, phản ảnh những hiện tượng xung quanh, những cao trào của cảm xúc, giúp xác định được “chân dung” của nhân vật.

Ví dụ như trong opera Cô Sao có các tiết mục thanh nhạc như: 1 romance, 6 recitative, 3 duo (song ca), 3 trio (tam ca), 6 hợp xướng... riêng nhân vật chính cô Sao có đến 5 tiết mục đơn ca gồm aria và ca khúc được trải đều qua các cảnh, màn, đi dọc theo cả vở diễn.

Ngoài các tiết mục thanh nhạc đóng vai trò chính, trong opera còn có những tiết mục khí nhạc như: ouverture (khúc mở màn), nhạc nối, nhạc chuyển, nhạc múa... tuy là không xuất hiện như vai chính trên sân khấu nhưng giữ nhiệm vụ dẫn dắt, bổ sung, đào sâu và phát triển nội dung của các lớp kịch, do dàn nhạc phụ trách.

Các nhạc sĩ Việt Nam đã xây dựng các tiết mục ouverture (mở màn) trong các vở opera Cô Sao, Người tạc tượng, Nguyễn Trãi ở Đông quan, Bên bờ K’rông Pa, Người giữ cồn, Lá đỏ... Hoặc, dàn nhạc đệm cho các màn múa, cụ thể như: Màn múa mặt nạ rất đặc sắc với nhiều tình huống kịch đan xen phức tạp cùng nhiều cung bậc cảm xúc của các nhân vật quây quanh bảy chiếc mặt nạ: hỉ, nộ, ái, ố, bi, lạc, dục (số 18b hồi 2 cảnh 2, opera Nguyễn Trãi ở Đông quan)... Ở một khía cạnh khác, dàn nhạc với chức năng dẫn dắt, phát triển nội dung kịch như tiết mục thần núi dẫn chuyện: “Hỡi Trường Sơn của ta, hỡi những chiếc lá đỏ của ta... cháy lên, nào cháy lên lá đỏ...” (số 18 hồi 1 cảnh 3, opera Lá đỏ).

artboard-1-copy-9.png

Nói đến hát opera là nói đến sự song hành của kỹ thuật thanh nhạc. Người nghệ sĩ hát opera phải được trau dồi các kiến thức về âm nhạc, biểu diễn sân khấu, những chuẩn mực về kỹ thuật giọng hát như:

- Kỹ thuật bel canto (hát đẹp): hát với giọng đầy đặn, âm vang, âm thanh tròn trịa... trong đó, hơi thở và “vị trí” của âm thanh là hai yêu cầu tạo nên chất lượng âm thanh. Đây là yêu cầu bắt buột cho những nghệ sĩ hát opera.

- Các kỹ thuật khác như: hát liền giọng (cantilena), hát lướt nhanh (passage), hát âm nảy (staccato), rung láy (trillo)...

artboard-1-copy-3(1).png

Để dàn dựng các vở opera Việt Nam đạt được hiệu quả, cần phải gắn liền với môi trường rèn luyện, đào tạo chuyên nghiệp cho các loại giọng hát, các nghệ sĩ biểu diễn đủ sức thể hiện những tác phẩm, thể loại thanh nhạc đỉnh cao trong opera. Điều đó càng cho thấy sự học hỏi, tiếp thu tinh hoa âm nhạc thế giới cũng cần sự đồng bộ trên các lĩnh vực sáng tác, biểu diễn, đào tạo.

Với sự học hỏi, tiếp thu tinh hoa âm nhạc thế giới, các nhạc sĩ đã vận dụng những nguyên tắc chủ yếu của opera cổ điển châu Âu từ cấu trúc vở diễn đến cách xây dựng các hình thức âm nhạc, thanh nhạc theo những qui định, yêu cầu, kỹ thuật, để sáng tạo nên những vở opera Việt Nam đặc sắc, vừa mang tính hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc, đồng thời làm thăng hoa các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Tất cả các yếu tố âm nhạc dân tộc đã được nâng lên mang tính bác học, hòa quyện với nhau tạo thành những vở diễn đạt hiệu quả sân khấu, thể hiện được phần nào diện mạo của nghệ thuật opera Việt Nam với những bước đầu khá vững chãi, tiếp thu được những giá trị văn hóa thế giới, phát huy được vốn quý trong âm nhạc dân tộc Việt Nam. Từ những thành quả này chúng ta có quyền kỳ vọng về một loại hình nghệ thuật opera Việt Nam tiến bộ, giàu bản sắc dân tộc trong kỷ nguyên hợp tác và giao lưu văn hóa toàn cầu.  

TS. NGUYỄN KHÁNH TRANG