Logistics Đồng bằng sông Hồng và các nút thắt

Thương hiệu - Giao thương - Ngày đăng : 15:35, 24/05/2023

Hạn chế chung của khu vực này là xuất phát điểm sản xuất quy mô nhỏ, manh mún do “đất chật người đông”, các khu vực sản xuất lớn còn ít, gây khó khăn cho việc gom hàng và do đó chi phí logistics phục vụ việc gom hàng lẻ ở mức cao.

Nhận diện tình hình chung

So với các vùng kinh tế khác trong cả nước, các địa phương ở Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) có thuận lợi hơn khi kết nối giao thông với mạng lưới đường bộ, đường cao tốc về cơ bản đã hoàn thiện trong những năm gần đây, đường thủy, đường hàng không, cảng biển và đặc biệt là có hệ thống đường sắt kết nối nhiều địa phương trong vùng mặc dù đã lạc hậu so với thế giới.

hai_phong_2.jpg
Phần lớn các doanh nghiệp logistics tập trung ở Hà Nội và Hải Phòng

Hạn chế chung của khu vực này là xuất phát điểm sản xuất quy mô nhỏ, manh mún do “đất chật người đông”, các khu vực sản xuất lớn còn ít, gây khó khăn cho việc gom hàng và do đó chi phí logistics phục vụ việc gom hàng lẻ ở mức cao.

Những năm gần đây, với sự bứt lên của các KCN trong bán kính khoảng 100 km tính từ Hà Nội, Hải Phòng đã giúp nguồn hàng dồi dào hơn, nhưng khu vực vẫn thiếu nhà cung cấp dịch vụ logistics nội địa chuyên nghiệp với khả năng tích hợp xuyên suốt chuỗi cung ứng. Phần lớn các doanh nghiệp logistics tập trung ở Hà Nội và Hải Phòng trong khi nhiều địa phương khác chỉ có các chi nhánh, đại lý hoặc các doanh nghiệp nhỏ, thậm chí ở quy mô hộ gia đình (mỗi hộ có một vài ô tô chở hàng) hoặc dịch vụ bốc dỡ, bến bãi, kho hàng nhỏ.

Điểm nhấn và triển vọng lớn về logistics tại khu vực ĐBSH là xu hướng cải thiện rõ nét về hạ tầng giao thông với các tuyến đường cao tốc hỗ trợ những kết nối quan trọng giữa các trung tâm sản xuất công nghiệp với cảng biển và cửa khẩu phía Bắc, kèm theo đó là hạ tầng logistics như kho, bến, bãi cũng từng bước được bổ sung và nâng cấp để đáp ứng nhu cầu của sản xuất công nghiệp quy mô lớn tại khu vực.

Đặc biệt, nhờ thành công trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế, 4 địa phương Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương và Hưng Yên đã dần hình thành một cực tăng trưởng kinh tế và hành lang logistics quan trọng ở phía Bắc. Điểm mạnh của cả 4 các địa phương này là đều có vị trí địa lý thuận lợi, tốc độ phát triển công nghiệp cao và đã hình thành và phát triển trục hành lang giao thông, đường cao tốc nối giữa Hà Nội với Hải Phòng và Quảng Ninh, đi qua Hưng Yên và Hải Dương. Với sự có mặt của nhiều Tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới hoạt động ở nhiều lĩnh vực như Samsung, LG, General Electric, Mitsubishi, Panasonic..., vùng ĐBSH từng bước tham gia mạng giá trị và chuỗi sản xuất toàn cầu, thực hiện một số công đoạn sản xuất, lắp ráp sản phẩm công nghệ cao, tạo ra nguồn hàng lớn và ổn định cho dịch vụ logistics trong thời gian tới.

Logistics Hải Phòng - Quảng Ninh

Tại khu vực phía Bắc, Hải Phòng là một địa phương tiêu biểu về logistics với hạ tầng đa dạng phục vụ các loại hình vận tải gồm đường biển, đường bộ (đường cao tốc), đường sắt, đường thủy nội địa và đường hàng không, kết nối thuận tiện với các địa phương thuộc ĐBSH cũng như phương tiện, hàng hóa tuyến Bắc-Nam. Hải Phòng cũng đã có hạ tầng cảng biển, cảng cạn và các kho hàng, bến bãi phục vụ sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu hàng hóa.

logisticsdbscl-16556683515291192321922.jpg
Giải quyết bài toán về hạ tầng sẽ chuyển đổi mô hình phát triển từ phân tán, nhỏ lẻ sang tập trung

Với lợi thế xuất phát điểm sớm hơn, thuận lợi trong phát triển cảng biển, xung quanh là các trung tâm sản xuất công nghiệp lớn và có các kết nối hạ tầng vượt trội trong khu vực, Hải Phòng có định hướng phát triển dịch vụ logistics theo hướng chuyên nghiệp, chuyên sâu, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn tiến tới xuất khẩu dịch vụ logistics ra nước ngoài.

Cụ thể: Theo báo cáo của Sở Công Thương TP. Hải Phòng, trên địa bàn thành phố một số trung tâm logistics đã hình thành và đi vào hoạt động, cùng khoảng 250 doanh nghiệp đăng ký cung cấp dịch vụ logistics, trong đó có nhiều đơn vị thuộc các tập đoàn logistics đa quốc gia. Để phát triển dịch vụ logistics trong bối cảnh xuất nhập khẩu của Việt Nam đang tăng mạnh, UBND TP. Hải Phòng cũng đã và đang chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển dịch vụ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có hoạt động logistics; Đề án thành lập khu thương mại tự do trên địa bàn TP. Hải Phòng; Đề án khuyến khích tiếp tục hình thành, hoàn thiện các chuỗi dịch vụ logistics chuyên sâu, có giá trị gia tăng cao gắn với chuỗi sản phẩm xuất nhập khẩu thế mạnh trên địa bàn thành phố và khu vực (ô tô, điện tử, dệt may, da giày…), thậm chí tiến tới xuất khẩu dịch vụ logistics ra nước ngoài.

Để phát triển logistics, UBND TP. Hải Phòng đã ban hành Quyết định số 549/QĐ-UBND ngày 14/3/3019 về phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống dịch vụ logistics thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 238/KH-UBND ngày 21/10/2021 về thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 02/8/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng về phát triển các hoạt động dịch vụ phục vụ hoạt động cảng biển, dịch vụ logistics đến năm 2025, 2020 và tầm nhìn đến năm 2045 và Quyết định số 221/QĐ-TTg.

Trên địa bàn thành phố hiện có 12 KCN đã được hình thành với tổng diện tích đất là 4.917 ha, một số KCN đã được xây dựng theo mẫu dựa trên nền tảng logistics, nhằm tăng tính kết nối, tương tác về logistics giữa các tác nhân trong chuỗi cung ứng. Ví dụ như KCN Đình Vũ có hệ thống cảng tổng hợp và cảng hàng lỏng dùng chung ngay trong KCN; KCN Nam Đình Vũ 1.329 ha đặc biệt gắn liền với hệ thống cảng biển - chuỗi logistics miền Bắc Việt Nam.

Trong giai đoạn tiếp theo đến năm 2025, Hải Phòng sẽ tập trung xây dựng các KCN, khu chế xuất mới thành lập theo hình mẫu KCN dựa trên nền tảng logistics. Điều này giúp tạo nguồn hàng dồi dào cho các doanh nghiệp dịch vụ logistics trên địa bàn; đồng thời tăng hiệu quả của chuỗi cung ứng hàng hóa cho cả khu vực Đông Bắc, cũng như đảm nhận vai trò cổng logistics cho nguồn hàng xuất nhập khẩu bằng đường biển của các địa phương phía Bắc dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Bên cạnh những lợi thế và kết quả tích cực đã đạt được, các hạn chế, “nút thắt” lớn cho việc cải thiện hiệu quả logistics tại Hải Phòng gồm có: Hạ tầng và công nghệ đang trở nên quá tải và chưa được mở rộng, nâng cấp kịp thời để đáp ứng được yêu cầu của một cửa ngõ về logistics tại khu vực phía Bắc; Tương tác, chia sẻ thông tin, lợi ích giữa các tác nhân trong chuỗi cung ứng hàng hóa còn hạn chế và chưa được chú trọng; Chất lượng dịch vụ chưa đồng đều do sự tham gia của số lượng lớn các doanh nghiệp dịch vụ logistics ở các quy mô khác nhau và chưa có cơ chế thanh tra, giám sát đủ mạnh, vẫn còn hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà cung cấp dịch vụ; Chi phí logistics vẫn ở mức cao, thời gian giải quyết thủ tục tại các cảng/bến dù đã được cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, dẫn đến ùn tắc cục bộ và ảnh hưởng đến tâm lý kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư; Việc thu phí cảng biển đối với các doanh nghiệp vận tải thủy nội địa qua địa bàn cũng cần được nghiên cứu để thực hiện hợp lý hơn, qua đó thúc đẩy vận tải đa phương thức, giảm ách tắc, nâng cao hiệu quả chung của hoạt động logistics Hải Phòng;

Đối với Quảng Ninh, đây là tỉnh rộng lớn ở phía Đông Bắc Việt Nam, Quảng Ninh được đánh giá có nhiều các điều kiện thuận lợi để phát triển, trở thành một trung tâm logistics mang tầm quốc tế ở phía Bắc của Việt Nam. Lợi thế nổi trội của Quảng Ninh là sự đa dạng về tự nhiên, kinh tế và giao thông vận tải với sự góp mặt của đầy đủ các loại hình từ đường bộ, đường sông, đường biển đường sắt và mới đây là cả đường hàng không khi sân bay Vân Đồn đi vào hoạt động. Quảng Ninh sở hữu 250 km đường biển, gần 800 km đường thủy nội địa, nhiều cảng nước sâu thuộc nhóm cảng loại I và là cửa ngõ đường biển của khu vực, nằm trên các tuyến vận tải biển quốc tế, đồng thời cũng có nhiều tiềm năng cho phát triển kinh tế cửa khẩu biên giới đất liền.

Điểm nhấn về hạ tầng logistics của Quảng Ninh trong năm 2022 là cao tốc Vân Đồn - Móng Cái chính thức đi vào khai thác, tạo điều kiện cho kết nối nguồn hàng giữa các địa phương và vận tải đa phương thức (đường bộ, đường biển, đường hàng không).

Từ những loại hình dịch vụ đơn giản và phân tán, môi trường kinh doanh hấp dẫn được vun đắp bởi tinh thần kiến tạo của Nhà nước, cộng với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư, đã giúp dịch vụ logistics tại Quảng Ninh dần được nâng cấp và có những khởi sắc trong năm 2022, đặc biệt với sự quan tâm và đầu tư của các doanh nghiệp dịch vụ logistics chuyên nghiệp (tỉnh đã thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn tới tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư dự án là các dự án hạ tầng cảng biển, logistics như: Tập đoàn Sun Group, Tập đoàn T&T, Tập đoàn Bến Thành, Vinacomex, Đông Dương Group).

Tỷ trọng của các loại hình dịch vụ 3PL dự báo sẽ tăng nhanh chóng thay cho các dịch vụ đơn giản, tiến tới cung cấp các dịch vụ logistics 4PL, 5PL tại khu vực TP. Hạ Long, khu vực Vân Đồn, thị xã Quảng Yên, cửa khẩu quốc tế Móng Cái, cửa khẩu Bắc Phong Sinh (huyện Hải Hà), cửa khẩu Hoành Mô (huyện Bình Liêu).

Với mục tiêu tập trung thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng logistics, xây dựng các trung tâm logistics vùng, liên vùng, nâng cao hiệu quả kết nối giữa tỉnh Quảng Ninh với các tỉnh/thành phố trong cả nước, phát huy vai trò là cửa ngõ của Việt Nam và ASEAN sang thị trường Trung Quốc, UBND tỉnh đã ban hành các Kế hoạch như: (1) Kế hoạch số 14/KH-UBND ngày 28/7/2017 về việc nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển logistics trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, theo đó định hướng đến năm 2025 toàn tỉnh Quảng Ninh sẽ hình thành 06 trung tâm logistics; đồng thời đã đưa ra 07 nhóm nhiệm vụ, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng Sở, ngành chủ trì thực hiện; (2) Kế hoạch số 174/KH-UBND ngày 20/9/2021 về việc triển khai thực hiện Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, đã đưa ra 06 nhóm nhiệm vụ, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng Sở, ngành chủ trì thực hiện.

Để thực hiện và cụ thể hóa từng nhiệm vụ tại các Kế hoạch trên, trong giai đoạn 2017-2021, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành 05 Quyết định dành dự án kêu gọi, thu hút đầu tư (hàng năm, giai đoạn), trong đó có các dự án mang tính động lực có liên quan đến các dự án cảng biển, dịch vụ logistics, hạ tầng logistics.

Cảng biển tại Quảng Ninh chưa thu hút được nguồn hàng so với tiềm năng của một cảng biển nước sâu và chưa “chia tải” được với cảng biển Hải Phòng. Hạn chế về tương tác giữa các tác nhân trong chuỗi cung ứng khiến hiệu quả hoạt động logistics chưa cao.

Tuy nhiên, với các cải tiến trong kết nối giao thông, công nghệ và định hướng phát triển dịch vụ logistics tích hợp (3PL, 4PL), Quảng Ninh có nhiều tiềm năng để giữ vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa và dịch vụ logistics.

5-1658997241.jpg
Theo Bộ Công Thương Đồng bằng sông Hồng phát triển nhanh và bền vững, cần nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch.

Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2030 trở thành một cực (cùng với Hà Nội và Hải Phòng) của trung tâm phân phối, trung chuyển hàng hóa, cửa ngõ xuất - nhập khẩu trọng yếu của vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; do đó hợp tác với Hà Nội và Hải Phòng trong phát triển các dịch vụ logistics đóng vai trò quan trọng trong thời gian tới.

Một số vấn đề cần tháo gỡ và các khuyến nghị

Đối với Hải Phòng, các bên liên quan cần phối hợp chặt chẽ, tiếp tục nghiên cứu báo cáo Thủ tướng Chính phủ một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển trung tâm logistics trên địa bàn TP. Hải Phòng, tiêu chí thí điểm cho Hải Phòng trở thành trung tâm dịch vụ logistics quốc gia, trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao để thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 16/11/2019 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đối với Quảng Ninh hiện nay khó khăn về nguồn nhân lực và khả năng kết nối trong chuỗi cung ứng đang là những “nút thắt” lớn cho hiệu quả logistics của Quảng Ninh.

Đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân có khả năng cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng còn ít; nguồn lao động có kỹ năng, tay nghề cao trong lĩnh vực logistics còn thiếu và yếu. Việc kết nối nguồn hàng từ các địa phương khác về Quảng Ninh cũng gặp khó khăn, đơn cử như việc hàng hóa vẫn tập trung nhiều ở Cảng Hải Phòng do số tuyến tàu quốc tế ở cảng nước sâu Cái Lân còn hạn chế.

Do đó, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới cần tập trung phát triển doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân và nguồn nhân lực cho lĩnh vực logistics, kinh tế biển. Đặc biệt, do Quảng Ninh sẽ hình thành các trung tâm logistics với các tiêu chuẩn cao hơn, nên có nhu cầu rất lớn về công nghệ và nguồn nhân lực.

Võ Thị Phương Thủy