Tình hình kinh tế-xã hội 8 tháng cơ bản được duy trì ổn định
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 09:06, 07/09/2021
Toàn cảnh phiên họp - Ảnh: TTXVN
Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 tiếp tục cho thấy những khó khăn, thách thức không nhỏ. Hoạt động kinh tế, đời sống xã hội ở các địa bàn có dịch gặp nhiều khó khăn, làm ảnh hưởng đáng kể đến kết quả chung của toàn nền kinh tế. Việc hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu của năm 2021 phụ thuộc rất nhiều vào kết quả phòng, chống dịch.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, trong tháng 8, tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tiếp tục nỗ lực với ý chí và quyết tâm cao nhất, nêu cao tinh thần bảo vệ sức khỏe, chăm lo, ổn định đời sống cho người dân, người lao động; Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 được kiện toàn; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có nhiều chỉ đạo quyết liệt, bám sát thực tiễn, thể hiện quan điểm điều hành dứt khoát, thống nhất, xuyên suốt, phát huy cao nhất nguồn lực của cả hệ thống chính trị… Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh kéo dài nhưng nhìn chung tiếp tục đạt được một số kết quả tích cực.
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được đảm bảo; hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn được duy trì trong bối cảnh chịu tác động mạnh từ dịch bệnh. Sản xuất nông nghiệp cơ bản ổn định. Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là trong phòng, chống kiểm soát dịch bệnh được đẩy mạnh. Cải cách thể chế tiếp tục được quan tâm, quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý quy định pháp luật còn chồng chéo, không phù hợp với thực tiễn. Đẩy mạnh cải cách tư pháp; cải cách thủ tục hành chính, sắp xếp lại bộ máy cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp và cung ứng dịch vụ công. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm, tăng cường.
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế do diễn biến dịch bệnh kéo dài của dịch bệnh ảnh hưởng không nhỏ đến mọi mặt của nền kinh tế, khiến sản xuất, lưu thông hàng hóa, xuất khẩu bị đình trệ, đứt gãy, sức mua trong nước giảm sút. Đời sống của người dân, người lao động còn nhiều khó khăn, nhất là tại khu vực thành thị bị tác động nặng nề như hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, suy giảm; kinh tế vĩ mô đối mặt với một số rủi ro, thách thức; tình hình doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn; việc làm, sinh kế, đời sống Nhân dân, nhất là người lao động tại khu vực thành thị bị ảnh hưởng…
Hiện tại, nước ta vẫn đang đối diện với khó khăn, thách thức lớn, chủ yếu do các nguyên nhân như dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, có phạm vi rộng trên toàn quốc, tốc độ lây lan nhanh và nguy hiểm hơn, gây áp lực lớn lên hệ thống y tế và là nguyên nhân chủ yếu, ảnh hưởng đến hầu hết các ngành, lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, động lực tăng trưởng của cả nước. Các nhà máy, đơn vị sản xuất đóng tại các địa phương là một mắt xích của chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng nên khi bị gián đoạn tại một địa phương đã tác động dây chuyền, gây khó khăn, đứt gãy lên toàn bộ chuỗi.
Bên cạnh đó, kinh tế thế giới vẫn trong xu hướng phục hồi nhưng còn chậm và chưa đồng đều, thiếu ổn định; nhiều nước, bao gồm cả các nền kinh tế lớn chịu tác động nặng nề bởi dịch bệnh tái phát trở lại, thiên tai trên diện rộng; nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng, thiếu hụt nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, rủi ro về ổn định tài chính vẫn hiện hữu. Công tác triển khai phòng, chống dịch bệnh tại một số địa phương còn thiếu thống nhất, đồng bộ; ban hành quy định gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân trong sản xuất, lưu thông hàng hóa.
Nhiệm vụ từ nay đến cuối năm là hết sức nặng nề, yêu cầu phải triển khai quyết liệt, đồng bộ, thống nhất với tinh thần trách nhiệm cao nhất các giải pháp đã đề ra để sớm đẩy lùi dịch bệnh, ổn định sản xuất kinh doanh, đời sống của Nhân dân; tạo dư địa, sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi, giảm thiểu tác động của dịch bệnh đến nền kinh tế, đời sống của người dân, người lao đông trong những tháng cuối năm.
Cụ thể, khẩn trương triển khai Chương trình hành đồng của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Các bộ, cơ quan từ Trung ương đến địa phương hưởng ứng mạnh mẽ Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, quán triệt nghiêm, nhất quán chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng đồng lòng, chung sức, chủ động, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh; không chủ quan, lơ là, coi kiểm soát dịch bệnh là điều kiện tiên quyết, sống còn, để ổn định đời sống Nhân dân và phục hồi nền kinh tế, không lỡ nhịp phục hồi và tăng trưởng kinh tế với các quốc gia khác, nhất là các đối tác của Việt Nam; bảo đảm an sinh xã hội; tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu kép, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế.
Các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, thống nhất, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm những tháng cuối năm đã được nêu tại Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 12/8/2021 của Chính phủ, trong đó tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh với ưu tiên cao nhất là sớm kiểm soát dịch bệnh ngay trong tháng 9; tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp chống chịu, vượt qua khó khăn, ổn định và phục hồi sản xuất trong những tháng cuối năm; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá cả, thị trường, bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực cho phát triển, hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước; chăm lo sức khỏe, đời sống của người dân, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, phát triển văn hóa, giáo dục; bảo đảm quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền.