Khống chế, kiểm soát dịch để phát triển sản xuất

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:37, 06/09/2021

(VLR) Với nhiều kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, một số tỉnh đã bước đầu khống chế, kiểm soát dịch bệnh và đang nỗ lực phát triển sản xuất để thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ.

Công ty TNHH Jahwa Vina (Khu công nghiệp Khai Quang, Vĩnh Phúc) bảo đảm việc làm cho hàng nghìn lao động

Công ty TNHH Jahwa Vina (Khu công nghiệp Khai Quang, Vĩnh Phúc) bảo đảm việc làm cho hàng nghìn lao động

Với phương châm mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình là một pháo đài, các tổ dân phố, xã, thôn, bản, phường, thị trấn, trên địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và nhiều địa phương khác đã phát huy hiệu quả việc rà soát, phát hiện và kịp thời bịt kín các "lỗ hổng" trong công tác kiểm soát người và phương tiện ra vào địa bàn, không để bị động, bất ngờ về mầm bệnh, ca bệnh, ổ dịch.

Ông Bùi Đức Thái, Khu trưởng khu 7, phường Phong Cốc, thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) cho biết: "Tổ tự quản phòng, chống COVID-19 đã tới từng hộ dân để vận động, tuyên truyền thực hiện nghiêm yêu cầu 5K, luôn chủ động cập nhật tình hình sức khỏe người dân, những trường hợp đi lao động ở tỉnh ngoài về để kịp thời phòng, chống dịch. Đồng thời, tổ tăng cường phối hợp các lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định phòng, chống dịch tại nơi công cộng để giữ vững địa bàn an toàn". Tỉnh Quảng Ninh đã sớm thành lập Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch và kiện toàn Ban Chỉ đạo các cấp theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tỉnh đã chủ động xây dựng phương án sẵn sàng cách ly tập trung cho 50.000 người, phương án điều trị cho 1.000 bệnh nhân; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch; đưa vào sử dụng bản đồ số diễn biến tình hình dịch COVID-19 và triển khai phần mềm khai báo y tế điện tử, lắp đặt hệ thống camera giám sát, quản lý tại các cơ sở cách ly tập trung; nâng cao năng lực xét nghiệm lên 50.000 mẫu gộp/ngày. Theo Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh Nguyễn Trọng Diện, tỉnh đã sớm nhận diện tình hình, chủ động xây dựng kịch bản và dự liệu tình huống xấu nhất có thể xảy ra để ứng phó dịch trong tầm kiểm soát chặt chẽ nhất.

Tỉnh Quảng Ninh đã kiên trì thực hiện chiến lược ngăn chặn dịch ngay từ cửa ngõ, vị trí xung yếu, bằng việc siết chặt quản lý người, phương tiện, hàng hóa lưu thông ra, vào tỉnh. Tỉnh yêu cầu người vào tỉnh, ngoài việc khai báo y tế điện tử, có đầy đủ các giấy tờ tùy thân, còn phải có giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính tối đa 48 tiếng kể từ khi lấy mẫu và phải có giấy xác nhận đã tiêm đủ hai mũi vắc xin COVID-19. Đối với các xe tải, xe container qua chốt kiểm soát đều được dán tem niêm phong ca-bin buồng lái và lái xe được yêu cầu không ra khỏi xe trong quá trình di chuyển đến nơi xuống hàng.

Với cách làm bài bản, từ tháng 4/2021, tỉnh Quảng Ninh bắt đầu triển khai tiêm vắc xin COVID-19 cho các đối tượng theo quy định. Tính đến thời điểm này, Quảng Ninh đã triển khai 8 đợt tiêm vắc xin cho hơn 172.000 người trong đó có 105.449 người tiêm đủ 2 mũi, 66.812 người tiêm 1 mũi.

Trong hai đợt dịch vào năm 2020 và 2021, tỉnh Vĩnh Phúc chủ động đề nghị Bộ Y tế cử chuyên gia giúp dập dịch. Các ý kiến của chuyên gia y tế ngay lập tức được đưa vào các văn bản chỉ đạo của tỉnh. Quan điểm chỉ đạo của tỉnh là cấp huyện phải chủ động cao nhất, sẵn sàng tổ chức cách ly tập trung, tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19, kể cả khi không có sự hỗ trợ của tỉnh và trung ương. Khi dịch xuất hiện tại Vĩnh Phúc đầu tháng 5/2021, tỉnh yêu cầu tất cả doanh nghiệp trong khu công nghiệp phải xét nghiệm COVID-19 cho chuyên gia, cán bộ quản lý và người lao động trong vòng 10 ngày. Đồng thời, yêu cầu các ngành chức năng, các địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện khai báo y tế thông qua quét mã QR.

TS. Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế Thái Nguyên cho biết: Đã hơn 14 ngày trên địa bàn tỉnh không có ca nhiễm mới COVID-19. Đạt được kết quả đó là do tỉnh luôn bám sát, quán triệt sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và của Bộ Y tế để vận dụng vào tình hình thực tế của tỉnh. Từ ngày 1/1 đến nay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đã ban hành hơn 400 văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch. Các cấp ủy, chính quyền đã lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, phản ánh để tháo gỡ khó khăn cho người dân…

Cùng với kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, tỉnh Thái Nguyên nỗ lực đẩy mạnh sản xuất, thu hút đầu tư để phát triển kinh tế. Là doanh nghiệp có số vốn đầu tư, sản xuất, giá trị hàng hóa xuất khẩu và số công nhân lớn nhất so với các doanh nghiệp trên địa bàn, từ đầu năm đến nay, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên không có ca F0 nào, sản xuất diễn ra bình thường, tăng trưởng 10% so với cùng kỳ. Ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam cho biết: "Chúng tôi yên tâm, tin tưởng vào biện pháp phòng, chống dịch mà Chính phủ và tỉnh Thái Nguyên đang thực hiện và thực tế là công ty đã có điều kiện để đẩy mạnh sản xuất".

Xét nghiệm Covid-19 cho công nhân trong Khu công nghiệp Điềm Thụy (Phú Bình, Thái Nguyên)

Xét nghiệm Covid-19 cho công nhân trong Khu công nghiệp Điềm Thụy (Phú Bình, Thái Nguyên)

Từ đầu năm đến nay, tỉnh thu hút và điều chỉnh 21 dự án FDI với tổng vốn hơn 100 triệu USD; thành lập mới 5 cụm công nghiệp với tổng vốn thu hút đầu tư 1.500 tỷ đồng; thành lập mới 560 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký hơn 5.000 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh đạt gần 18.000 tỷ đồng, tăng 5,8%. GRDP tăng 6,5%; trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp đạt gần 400.000 tỷ đồng, tăng 7,5%; giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt 18,6 tỷ USD, tăng 5,77% so cùng kỳ; tổng thu ngân sách nhà nước đạt 10.206 tỷ đồng. Làm việc với tỉnh Thái Nguyên chiều 3/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức, huy động cả hệ thống chính trị và toàn dân phòng, chống dịch COVID-19 đạt kết quả tốt, vẫn là vùng xanh để bảo vệ sức khỏe người dân và phát triển sản xuất.

Nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, tỉnh Vĩnh Phúc triển khai nhiều giải pháp để thu hút đầu tư và tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển sản xuất. Đến ngày 15/8, toàn tỉnh đã thu hút được 24 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 11.000 tỷ đồng, tăng gần 58%; 48 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đăng ký đạt 895,7 triệu USD, tăng xấp xỉ 196% so với cùng kỳ. Ông Han Jung Ho, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Vĩnh Phúc khẳng định: "Lãnh đạo, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc đã làm rất tốt việc khống chế và kiểm soát dịch bệnh, tạo ra vùng an toàn đối với các doanh nghiệp Hàn Quốc".

Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị không để nền kinh tế bị đứt gãy, các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ninh thời gian qua vẫn diễn ra mạnh mẽ. Tỉnh sớm nhận diện những khó khăn, tác động của dịch bệnh đến ngành dịch vụ, du lịch địa phương, từ đó xác định lại các trụ cột tăng trưởng trong ngành công nghiệp - xây dựng, nhằm bảo đảm chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách năm 2021.

Việc kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp đã giúp cho ngành than, một trong những ngành chủ lực của Quảng Ninh và cả nước nỗ lực vượt khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh trong 8 tháng qua, với sản lượng than sản xuất đạt hơn 25 triệu tấn, đạt gần 65% kế hoạch năm; than tiêu thụ gần 30 triệu tấn, đạt hơn 70% kế hoạch năm. Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam Đặng Thanh Hải cho biết: "Ngành than vẫn duy trì hiệu quả phương án "3 tại chỗ" nhằm tránh để dịch làm đứt gãy các chuỗi cung ứng than, điện, khoáng sản cho nền kinh tế quốc dân".

Trong 8 tháng của năm 2021, Quảng Ninh có mức tăng trưởng GRDP đạt 8,02%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ và trung bình cả nước; thu ngân sách 8 tháng ước đạt 30.800 tỷ đồng, bằng 60% dự toán, tăng 2% so cùng kỳ; kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 11,6% so cùng kỳ; số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 5%, hoạt động trở lại tăng 60% so cùng kỳ. Từ nay đến hết năm 2021, tỉnh tiếp tục tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch COVID-19; tiếp tục thực hiện tốt phương châm "3 trước", "4 tại chỗ", tích cực, chủ động từ xa, từ sớm, từ cơ sở, lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể chính, triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin trên diện rộng an toàn, hiệu quả, phấn đấu Quảng Ninh là một trong những địa phương đạt miễn dịch cộng đồng sớm nhất.

Báo Nhân dân