Chống dịch COVID-19: Đảm bảo sức khỏe, tính mạng người dân

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 14:22, 10/09/2021

(VLR) Mục tiêu ưu tiên cao nhất của Chính phủ hiện nay là nhanh chóng kiểm soát dịch COVID-19 tại những địa phương đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng; đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết; trước hết, không để xảy ra khủng hoảng y tế, kinh tế - xã hội và bảo đảm đời sống cho người dân.

Mục tiêu ưu tiên cao nhất của Chính phủ hiện nay là nhanh chóng kiểm soát dịch COVID-19 tại những địa phương đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết

Mục tiêu ưu tiên cao nhất của Chính phủ hiện nay là nhanh chóng kiểm soát dịch COVID-19 tại những địa phương đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết

Khó khăn, thách thức

Tại Nghị quyết số 88/NQ-CP Phiên họp Chính phủ trực tuyến toàn quốc với các địa phương được tổ chức vào trung tuần tháng 8 vừa rồi, Chính phủ thống nhất đánh giá, “mặc dù dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh tế - xã hội và sức khỏe, tính mạng của nhiều người dân, nhưng với quyết tâm, đồng lòng, quyết liệt vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các cấp, các ngành, địa phương và sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục phát triển và đạt những kết quả quan trọng”.

Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của Chính phủ, Việt Nam đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình lạm phát tiềm ẩn nguy cơ tăng. Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, đặc biệt là vốn ODA. Xuất hiện đứt gãy một số chuỗi cung ứng, nhất là ở giai đoạn đầu của đợt dịch bùng phát trong tháng 7; có nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất, xuất khẩu bị trì hoãn hoặc hủy đơn hàng. Xuất khẩu có xu hướng chậm lại; tình trạng nhập siêu có khả năng tiếp diễn. Một số mặt hàng nông sản tiêu thụ khó khăn, nhất là ở những địa bàn có dịch bùng phát. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm. Số lượng DN tạm ngừng hoạt động, chờ giải thể tăng so với cùng kỳ. Việc làm, sinh kế của nhiều người dân bị ảnh hưởng lớn, nhất là ở những địa bàn có dịch...

Hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt “bão”

Trước những ảnh hưởng của dịch COVID-19, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các biện pháp, giải pháp theo các nghị quyết, kết luận của Đảng, Nhà nước, nhất là Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06/8/2021 của Chính phủ với mục tiêu ưu tiên cao nhất là nhanh chóng kiểm soát dịch COVID-19 tại những địa phương đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cần đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, không để xảy ra khủng hoảng y tế, kinh tế - xã hội và bảo đảm đời sống cho người dân. Tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép”, duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh ở những nơi bảo đảm an toàn dịch bệnh; đồng thời tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế đi đôi với bảo đảm an sinh xã hội, đời sống của nhân dân.

Không để xảy ra khủng hoảng y tế, kinh tế - xã hội và bảo đảm đời sống cho người dân

Không để xảy ra khủng hoảng y tế, kinh tế - xã hội và bảo đảm đời sống cho người dân

Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tập trung rà soát, xác định cụ thể các khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động sản xuất kinh doanh sớm trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trong điều kiện hiện nay; hoàn thiện hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và Nghị định số 39/2019/ NĐ-CP theo hướng xem xét, mở rộng đối tượng hỗ trợ, giảm lãi suất, thúc đẩy hoạt động cho vay của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua hệ thống ngân hàng thương mại.

Yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19; nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ việc mở rộng đối tượng, quy mô và thời gian được hỗ trợ phù hợp tình hình, khả năng chi trả của ngân sách nhà nước; cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian để hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho nhân dân, người lao động. Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương chăm lo đời sống nhân dân, đặc biệt là người có công, gia đình chính sách, người nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn, người mất việc làm do dịch bệnh..., bảo đảm kịp thời, thực chất; khẩn trương tổ chức thực hiện đầy đủ các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng theo Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021.

Có giải pháp khôi phục lao động, việc làm ngay tại những địa phương có dịch; hỗ trợ, giải quyết việc làm đối với lao động bị mất việc do dịch bệnh phải trở về quê hương; kịp thời tháo gỡ vướng mắc, đơn giản hóa quy trình, thủ tục cấp Giấy phép lao động, tạo thuận lợi cho chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam làm việc, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch đồng thời hướng dẫn các địa phương thực hiện gói hàng an sinh xã hội phục vụ người dân gặp khó khăn khi phải thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Ngoài ra, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trước ngày 31/8/2021.

Bộ Công Thương chủ trì hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng, thực hiện kế hoạch phục hồi sản xuất kinh doanh phù hợp với diễn biến của dịch COVID-19 tại các địa phương; theo dõi sát thị trường trong nước và quốc tế; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động xuất nhập khẩu (kể cả tại các cửa khẩu biên giới) nhằm thúc đẩy xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu; hướng tới cán cân thương mại hài hòa, bền vững theo Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021; không để xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất. Thực hiện đồng bộ các giải pháp khai thông, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước; bảo đảm cung ứng đủ nguyên, nhiên, vật liệu sản xuất và hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân, nhất là tại các địa bàn đang thực hiện giãn cách xã hội; phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các địa phương xây dựng phương án, kế hoạch tổ chức tiêu thụ nông sản đến vụ thu hoạch, hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản tại các địa phương đang có dịch bệnh diễn biến phức tạp; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử để tạo kênh tiêu thụ thuận lợi, ổn định; tăng cường quản lý thị trường, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để găm hàng, tăng giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý; rà soát, đánh giá thực trạng tiêu thụ điện của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 để kịp thời có giải pháp hỗ trợ hiệu quả, nhất là đối với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản.

Trần Trình Lãm