Đà Nẵng "Không để doanh nghiệp đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng"
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 16:56, 24/09/2021
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh phát biểu khai mạc Hội nghị.
Tại diễn văn khai mạc Hội nghị, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố nêu rõ, những tháng vừa qua là khoảng thời gian đầy khó khăn và thách thức đối với chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp thành phố Đà Nẵng. Kể từ ngày 03/5/2021, Đà Nẵng đã ghi nhận hơn 4.800 ca nhiễm COVID-19. Tháng 7/2021, sự xuất hiện của biến thể Delta với tốc độ lây lan nhanh, nguy hiểm và phức tạp đòi hỏi phải áp dụng các biện pháp cấp bách và nghiêm ngặt để khống chế dịch bệnh.
Với quan điểm bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân là trên hết, từ ngày 16/8/2021, thành phố đã thực hiện đợt phong tỏa “chưa từng có trong tiền lệ” với hàng loạt yêu cầu đặt ra cao hơn Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Trong 20 ngày, toàn thành phố đã tạm dừng hầu hết mọi hoạt động, thực hiện triệt để biện pháp “ai ở đâu ở yên đó”; đồng thời áp dụng nghiêm ngặt quy trình “3 tại chỗ” với số lượng nhân công cho phép tối đa 30% nhằm duy trì sản xuất tối thiểu, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng và hoạt động của doanh nghiệp.
Hiện nay, tuy vẫn còn những ca lây nhiễm nhưng nằm trong phạm vi hẹp, trong các khu vực có khả năng kiểm soát. Với việc thực hiện đồng bộ các biện pháp quyết liệt, đến nay công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Đà Nẵng đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận, đạt được mục tiêu khống chế được nguồn lây trên phạm vi toàn thành phố, từng bước mở lại các hoạt động phục hồi và phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, cũng theo ông Lê Trung Chinh, các biện pháp mạnh nhằm khống chế dịch bệnh vừa qua đã tác động lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp ước giảm 4,16%; nguồn thu ngân sách nhà nước chỉ đạt 69,1% so với cùng kỳ năm 2020. Nhiều doanh nghiệp trong thời gian qua phải tạm ngừng hoạt động, thậm chí giải thể.
Quang cảnh Hội nghị (khu vực trực tiếp tại Hội trường UBND TP Đà Nẵng)
Thành phố xác định “sức khoẻ” của doanh nghiệp là yếu tố hàng đầu quyết định đến khả năng phục hồi của nền kinh tế; đặc biệt sức mạnh nội lực đến từ các doanh nghiệp trong nước có ý nghĩa quan trọng vì đây chính là nhân tố bảo đảm việc phát huy hiệu quả các nguồn ngoại lực, tạo thành nguồn lực tổng hợp to lớn cho phát triển.
Bên cạnh những chính sách, giải pháp đã được lãnh đạo thành phố đề ra, tại Hội nghị, UBND thành phố cũng triển khai một số giải pháp cần thiết như sẽ mở lại nhiều hoạt động theo Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ với những điều kiện cụ thể; Ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế - xã hội thành phố. Đặc biệt là triển khai có hiệu quả các giải pháp đã ban hành và khẩn trương ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, đảm bảo hiệu quả, khả thi, cân đối được nguồn lực thành phố, với quy trình, thủ tục đơn giản; Ưu tiên hỗ trợ ngành nghề, lĩnh vực có tính lan tỏa, dẫn dắt nền kinh tế. Trong đó, trước mắt đến đầu tháng 10 đảm bảo người lao động được tiêm tối thiểu 1 mũi vacxin phòng ngừa dịch COVID-19 hướng đến tiêm đủ 2 mũi vào cuối năm 2021. Hỗ trợ 50% chi phí xét nghiệm, hướng dẫn rõ đối tượng, thời điểm lấy mẫu xét nghiệm; thành lập đội phản ứng nhanh về y tế để hỗ trợ doanh nghiệp khi phát hiện ca bệnh tại doanh nghiệp…; Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý, phòng, chống dịch, hướng đến sớm hình thành công dân xanh, doanh nghiệp xanh, xã hội xanh. Tăng cường chuyển đổi số, phân cấp, ủy quyền, cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh liên quan đến thủ tục thành lập doanh nghiệp, đăng ký/mở rộng đầu tư, hải quan, giấy phép lao động. Khẩn trương rà soát, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để tái khởi động và mở rộng các dự án.
Cũng tại Hội nghị, thành phố Đà Nẵng đã giới thiệu dự thảo Kế hoạch phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới. Cũng giống như phương châm chống dịch “không để ai bị bỏ lại phía sau”, lãnh đạo thành phố cam kết sẽ nỗ lực để “không doanh nghiệp nào bị bỏ lại phía sau”, tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ doanh nghiệp triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng.