Đổi mới thủ tục hải quan, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 17:18, 08/10/2021

(VLR) Sáng nay (08/10), Ban Hải quan và Thuận lợi hóa thương mại (TLHTM), Ban Công tác hội viên Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) phối hợp với Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã tổ chức thành công Hội thảo trực tuyến “Đổi mới thủ tục hải quan”.

Hội thảo với nội dung chính là góp ý cho dự thảo văn bản thay thế các Nghị định 08/2015/NĐ-CP, Nghị định số 59/2018/NĐ-CP và các Thông tư 38/2015/TT-BTC, Thông tư 39/2018/TT-BTC về hướng dẫn thi hành Luật Hải quan năm 2014. Đây là những văn bản rất quan trọng đối với công tác quản lý hải quan cũng như đối với cộng đồng doanh nghiệp và có tác động trực tiếp đến hàng chục triệu lô hàng xuất nhập khẩu mỗi năm.

Trong những năm gần đây, ngành logistics của Việt Nam nói chung và công tác thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu nói riêng đã có nhiều thay đổi tích cực, được cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước ghi nhận. Đó là kết quả của những nỗ lực không ngừng nghỉ của các cơ quan chức năng trong việc cải cách thủ tục hành chính và tạo thuận lợi thương mại, đặc biệt là vai trò lĩnh xướng của Tổng cục Hải quan cũng như sự hợp tác tích cực của cộng đồng doanh nghiệp thông qua các hiệp hội.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, thời gian qua, theo khảo sát của VCCI, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu đánh giá khá tích cực trong công tác cải cách thủ tục hành chính, thủ tục hải quan như thông tin về chính sách và thủ tục hành chính xuất nhập khẩu dễ tiếp cận hơn; thực hiện các thủ tục hành chính hải quan cũng thuận lợi hơn; có những chuyển biến tích cực trong khai hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa, nộp thuế, hoàn thuê không thu thuế cho đến giải quyết khiếu nại. Một số cải cách lớn của các cơ quan hải quan trong thời gian gần đây cũng được doanh nghiệp ghi nhận như giảm bớt sự chồng chéo, trùng lập trong kiểm tra sau thông quan, thu tục xác nhận hàng hóa qua khu vực giám sát của hệ thống quản lý hải quan cũng đang tự động và thuận lợi hơn, và đặc biệt, doanh nghiệp đánh giá cao về chất lượng phục vụ của cán bộ công chức hải quan so với những năm trước…

Cùng với những ghi nhận cho sự thay đổi tích cực trên, doanh nghiệp còn bày tỏ nhiều mong muốn, chẳng hạn các thủ tục có thể thực hiện qua mạng internet một cách hoàn toàn chứ không phải vừa làm trên giấy, vừa làm trên mạng như một số nơi hiện nay. Cơ quan hải quan cần có một cơ chế kết nối, chia sẻ chung về lịch sử kiểm tra thực tế hàng hóa của doanh nghiệp để tránh kiểm tra trùng lập. Nhiều doanh nghiệp đề nghiệp cơ quan hải quan cần hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả hơn trong rất nhiều thủ tục, trong đó phải kể đến là thủ tục xác định mã HS và tham vấn giá trị hải quan. Đồng thời, doanh nghiệp cũng mong muốn cơ quan hải quan có những cơ chế giám sát để thực hiện kỷ luật, kỷ cương, hành chính công vụ minh bạch hơn, đồng thời có cơ chế hiệu quả thực chất để doanh nghiệp có thể kiến nghị khiểu nại các hành vi sách nhiễu, gây phiền hà.

Ông Trần Văn Hào, đại diện doanh nghiệp đến từ Công ty TVC góp ý, hiện nay với xu hướng số hóa đan diễn ra rất nhanh. Thời gian qua, ngay tại cửa khẩu Hữu Nghị cũng đã đưa ra quyết định chính thức áp dụng việc số hóa. Tôi mong muốn các nghị định, thông tư đang soạn thảo có thể dự liệu trước được các vấn đề nay. Đối với cửa khẩu Hữu Nghị đang yêu cầu chúng tôi phải nộp, kê khai tất cả như số lượng hàng hóa cùng các thông tin, chính vì vậy sẽ xảy ra trùng lặp nếu phía hải quan cửa khẩu, ban ngành cũng đề nghị cung cấp những thông tin như thế. Chúng tôi đề nghị, cần tính toán cách làm nhằm giảm thiểu kê khai nhiều cho nhiều bộ phận khác nhau. Đồng thời, về vấn đề khai lượt hàng hóa thì cho phép doanh nghiệp khai lượt một cách đơn giản như đối với đường biển và đường hàng không. Đường bộ mà áp dụng khia lượt chi tiết đến tận 8 số, 6 số HS từng mặt hàng một thì rất phức tạp, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Tại Hội thảo, ông Đào Duy Tám, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan thay mặt tổ soạn thảo trình bày những nội dung cơ bản về việc thay đổi liên quan đến các Nghị định 08/2015/NĐ-CP, Nghị định số 59/2018/NĐ-CP và các Thông tư 38/2015/TT-BTC, Thông tư 39/2018/TT-BTC. Nội dung thay đổi lần này hướng đến vấn đề cải cách thủ tục hải quan, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; hướng đến hải quan thông minh, hải quan số và các cải cách lần này có liên quan đến rất nhiều lĩnh vực khai báo hải quan, nộp hồ sơ, công tác kiểm tra giám sát của cơ quan hải quan cũng như liên quan đến những hoạt động của doanh nghiệp gia công, sản xuất xuất khẩu, doanh nghiệp chế xuất, và những hoạt động liên quan đến quá cảnh hàng hóa…

Trước đó, Ban Hải quan và Tạo thuận lợi hóa thương mại cùng Ban Công tác hội viên của Hiệp hội VLA đã tổ chức họp nhiều lần để tổng hợp các ý kiến đóng góp cho các bản dự thảo mới nhất. Tại Hội thảo, bà Phạm Thị Liên đại diện Ban Hải quan và Tạo thuận lợi hóa thương mại Hiệp hội VLA đã có những góp ý cho nội dung văn bản dự thảo thay thế Nghị định 08/2015/NĐ-CP và Nghị định 59/2018/NĐ-CP. Cụ thể là các nhóm đề xuất liên quan đến trị giá hải quan, xử lý kết quả kiểm tra hải quan, hàng quá cảnh và trung chuyển, hàng tạm nhập - tái xuất, tạm nhập - tái nhập và một số vấn đề liên quan khác.

Đối với những góp ý cho nội dung văn bản dự thảo thay thế Thông tư 38/2015/TT-BTC và Thông tư 39/2018/TT-BTC, bà Tường Thị Đoan, đại diện Ban Hải quan và Tạo thuận lợi hóa thương mại Hiệp hội VLA cũng đã có những chia sẻ cụ thể các nhóm vấn đề kiến nghị như quy trình thủ tục, hồ sơ hải quan, trị giá hải quan, hàng chuyển cửa khẩu và quá cảnh cùng các vấn đề khác liên quan.

Hội thảo đã nhận được nhiều sự quan tâm, đóng góp ý kiến và đặt câu hỏi của cộng đồng doanh nghiệp. Các ý kiến góp ý đều rất cụ thể, đi vào các vấn đề khác nhau, cũng như các vấn đề xuất phát từ kinh nghiệm quản lý thực tiễn, là cơ sở để Tổng cục Hải quan tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo văn bản thay thế các Nghị định 08/2015/NĐ-CP, Nghị định số 59/2018/NĐ-CP và các Thông tư 38/2015/TT-BTC, Thông tư 39/2018/TT-BTC để khi được ban hành sẽ có giá trị thực tiễn, đi vào cuộc sống.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội VLA chia sẻ, VLA đã và đang cố gắng tham gia hết sức sâu rộng trong công tác phản biện và công tác góp ý với chính sách, đặc biệt trong thời gian đại dịch vừa qua. “Việc tổ chức hội thảo hôm nay cũng là một nhiệm vụ và sứ mệnh quan trọng của Hiệp hội. Chúng tôi đánh giá sự cầu thị và giúp đỡ, đồng hành cùng doanh nghiệp của cơ quan hải quan, cơ quan quản lý Nhà nước. Sự phát triển của ngành dịch vụ logistics trong bối cảnh toàn cầu hóa, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử đã làm thay đổi sâu sắc những quan niệm truyền thống của ngành logistics. Do vậy, những quy định về thông quan cần cập nhật kịp thời, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động tốt hơn nữa”, ông Hiệp nhấn mạnh.

Thụy Hậu