Phục hồi chuỗi giá trị hậu COVID-19

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:48, 13/10/2021

(VLR) Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả các quốc gia trên thế giới. Theo dự báo của RFI, đại dịch đã làm cho thế giới thiệt hại khoảng 22.000 tỷ USD, riêng du lịch thiệt hại 4.500 tỷ USD. Nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái nghiêm trọng. Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, hội nhập quốc tế sâu rộng, cũng đã và đang chịu nhiều tác động của đại dịch COVID-19.

Gián đoạn chuỗi cung ứng

Tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội trên thế giới đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ,... Với Việt Nam, từ tháng 7/2021, khi “giai đoạn 4” của COVID-19 bùng phát đến nay, tuy chưa có con số thống kê cụ thể doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng thực tế cho thấy rất trầm trọng. Các doanh nghiệp nhỏ đa số phá sản hoặc ngừng hoạt động do không thuộc ngành thiết yếu, không thể duy trì sản xuất. Đa số chỉ hoạt động được từ 5% - 10% công suất trong khi chi phí rất cao (quy định phải bình ổn giá, chi phí hỗ trợ người lao động, thực hiện “3 tại chỗ”, nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí vận chuyển...). Công nhân làm việc bị giảm năng suất do tinh thần không ổn định, căng thẳng, áp lực, đảm nhận công việc ở vị trí khác (do thiếu hụt lao động).

Qua khảo sát, các doanh nghiệp đều lo ngại khi gãy chuỗi cung ứng, không cung ứng được cho khách hàng nước ngoài, họ sẽ chuyển qua mua ở thị trường khác, sau này không tìm lại được khách hàng. Đại dịch COVID-19 không chỉ gây thiệt hại “hữu hình” mà còn tấn công vào nền tảng “vô hình”, đó là cấu trúc logistics. COVID-19 khiến nhiều nước đánh giá lại sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, tăng cường năng lực tự chủ, chủ nghĩa dân tộc, xu hướng hướng nội, bảo hộ tiếp tục gia tăng. Dịch chuyển đầu tư, sắp xếp lại chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu tiếp tục được thúc đẩy với động lực chính nhằm phân tán hoặc giảm thiểu rủi ro.

Việc đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 đối với các ngành sản xuất, thương mại của Việt Nam cho thấy rõ hơn những điểm hạn chế căn bản, như nội lực của các ngành sản xuất còn hạn chế, phụ thuộc lớn vào các chuỗi cung ứng nước ngoài, chưa tự chủ được về các yếu tố đầu vào của sản xuất trong nhiều ngành, dẫn đến tình trạng phụ thuộc phần lớn vào linh kiện, phụ kiện, nguyên liệu, vật liệu nhập khẩu từ nước ngoài và khiến cho giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp nội địa thấp; nhập khẩu nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu cho sản xuất ở một số ngành phụ thuộc vào một số ít thị trường. Vì vậy, phát triển sản xuất - kinh doanh dễ bị tổn thương trước những biến động về chính trị - kinh tế - xã hội trong và ngoài nước.

Sau đại dịch COVID-19, chắc chắn cạnh tranh thu hút đầu tư và tham gia chuỗi cung ứng sẽ diễn ra quyết liệt hơn, nhất là giữa các nước đang phát triển có sự tương đồng về thị trường, trình độ phát triển, công nghệ và lao động, như các nước Đông Nam Á, Ấn Độ, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ...

Hiện nay, dù một số nước đã và đang dần “mở cửa” lại hoạt động kinh tế, tuy nhiên đại dịch COVID-19 vẫn đang có những diễn biến rất phức tạp tại nhiều quốc gia, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nên Việt Nam xác định giữ vững ổn định chính trị - xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế đi đôi với phòng, chống dịch bệnh. Việt Nam đang được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về môi trường kinh doanh, đó là cơ hội “vàng” để Việt Nam tiếp tục tăng cường vai trò, tiếng nói và vị thế quốc gia trên trường quốc tế, là điểm đến đầu tư an toàn và đón nhận các dòng vốn chuyển dịch tới Việt Nam “hậu COVID-19”.

Phục hồi và phát triển chuỗi giá trị

Hiện nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, tối ưu hóa sản xuất và chi phí, xu hướng dịch chuyển đầu tư và chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm phân tán và giảm thiểu rủi ro đang hiện diện mạnh mẽ, nhiều cơ hội và thách thức đan xen đặt ra cho Việt Nam. Vì vậy, việc tập trung phục hồi và phát triển chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong và sau đại dịch COVID-19 là rất cần thiết.

Nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như điện tử, dệt may, da giày, chế biến nông sản, thủy sản… chắc chắn sẽ tăng mạnh trở lại. Việc tận dụng cơ hội này để Việt Nam có được các đơn hàng lớn phục hồi sản xuất trong nước trong thời gian tới là rất quan trọng.

Cần phải thừa nhận rằng, nhiều doanh nghiệp, nhất là tại TP. HCM sau hơn 100 ngày “giãn cách xã hội” đang buộc phải chịu lỗ để thực hiện phương án “3 tại chỗ” nhằm đảm bảo tiến độ các đơn hàng đã ký kết. Tuy nhiên, do sức ép về tài chính, các doanh nghiệp sẽ không thể bảo đảm sản xuất trong dài hạn. Đồng thời, nguy cơ thiếu hụt ao động sau khi phục hồi kinh tế cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc khôi phục hoạt động của các doanh nghiệp. Từ đó, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nguy cơ khách hàng quốc tế sẽ dừng, hủy đơn hàng để chuyển sang nước khác.

Hỗ trợ doanh nghiệp vươn lên sau đại dịch COVID-19 trở thành “mệnh lệnh”. Chính vì thế, cuối tháng 8/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ ban hành nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19, theo đó sẽ có khoảng 1 triệu lượt doanh nghiệp được hỗ trợ tín dụng, 160.000 doanh nghiệp được gia hạn, miễn, giảm thuế, phí. Trong 4 nhóm giải pháp, nhiệm vụ có giải pháp đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa thông suốt, hiệu quả, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng.

Kinh tế thế giới dự báo sẽ khởi sắc trở lại nhờ chiến lược tiêm chủng vắc xin COVID-19 trên toàn cầu, thương mại, hàng hóa, du lịch sẽ phát triển. Các nền kinh tế lớn của thế giới là Mỹ và EU khi mở cửa trở lại, thị trường tiêu dùng được phục hồi mạnh mẽ. Nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như điện tử, dệt may, da giày, chế biến nông sản, thủy sản… chắc chắn sẽ tăng mạnh trở lại. Việc tận dụng cơ hội này để Việt Nam có được các đơn hàng lớn phục hồi sản xuất trong nước trong thời gian tới là rất quan trọng.

Do tính chất gắn kết chặt chẽ, hữu cơ, liên tục của chuỗi sản xuất và chuỗi giá trị các ngành công nghiệp trên thế giới, nếu Việt Nam không thể tận dụng cơ hội từ sự phục hồi kinh tế của các thị trường lớn và đánh mất các đơn hàng cung ứng cho các quốc gia này sẽ bị các quốc gia khác thay thế. Trong trường hợp gián đoạn chuỗi giá trị toàn cầu, các nhà mua hàng và sản xuất lớn sẽ tìm kiếm sự bù đắp thiếu hụt chuỗi cung ứng từ quốc gia khác. Việc quay trở lại chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ cực kỳ khó khăn và cần phải có quá trình lâu dài.

Do vậy, tập trung phục hồi sản xuất và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu; nâng cao tính độc lập, tự chủ trong phát triển kinh tế của Việt Nam vừa là yêu cầu, đòi hỏi nhưng cũng vừa là phương châm, cách thức để Việt Nam có thể vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng được những cơ hội để phát triển trong giai đoạn sắp tới. Để thực hiện được nhiệm vụ này, cần có tầm nhìn, chính sách của Chính phủ và sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp.

Ngô Đức Hành