Mở cửa nền kinh tế: Thích ứng an toàn với dịch bệnh
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:29, 13/10/2021
Để phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2021, trước mắt cần ưu tiên cao nhất cho việc sớm kiểm soát dịch bệnh, đồng thời từng bước khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh
Ảnh hưởng do kéo dài giãn cách
Đại dịch COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp với biến thể mới có tốc độ lây lan nhanh, bùng phát trên diện rộng tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, nhất là TP. HCM và các tỉnh phía Nam khiến số người bị lây nhiễm tăng cao, đời sống người dân rơi vào khó khăn và ảnh hưởng nặng nề đến các hoạt động kinh tế - xã hội. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 24/8/2021, GDP Việt Nam dự kiến tăng trưởng khoảng 4,8% cho cả năm 2021. Dự báo này thấp hơn hai điểm phần trăm so với dự báo WB đưa ra vào tháng 12/2020. WB cũng nhận định: “Nền kinh tế Việt Nam liệu có phục hồi vào nửa sau năm 2021 hay không? Điều đó còn tùy thuộc vào kết quả kiểm soát đợt dịch COVID-19 bùng phát hiện nay, hiệu quả triển khai vắc xin, hiệu suất của các biện pháp tài khóa nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ gia đình bị ảnh hưởng, và để kích thích phục hồi”.
Tuy nhiên, ông Rahul Kitchlu, Quyền Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam vẫn nhìn bức tranh nền kinh tế Việt Nam một cách lạc quan: “Tuy rủi ro theo hướng suy giảm đã gia tăng, nhưng các yếu tố căn bản của nền kinh tế Việt Nam vẫn vững chắc và nền kinh tế có thể quay lại với tốc độ tăng trưởng GDP trước đại dịch ở mức từ 6,5% - 7% từ năm 2022 trở đi”.
Trong thời gian qua, nhờ có sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các cấp, các ngành và sự đồng lòng của người dân, đại dịch cũng từng bước được kiểm soát. Nghị quyết 107/NQ-CP ngày 11/9/2021 - Phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 8/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, trong 8 tháng đầu năm 2021, kinh tế vĩ mô nước ta vẫn giữ được mức ổn định, lạm phát được kiểm soát, CPI (Chỉ số giá tiêu dùng) bình quân 8 tháng tăng 1,79% so với cùng kỳ, thấp nhất kể từ năm 2016. Thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại hối cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm.
Mặc dù thu ngân sách trong những tháng gần đây có xu hướng giảm do tác động của dịch bệnh nhưng tính chung 8 tháng đạt gần 75% dự toán, tăng hơn 14% so với cùng kỳ, góp phần bảo đảm các nhiệm vụ chi, nhất là cho phòng, chống dịch COVID-19 và hỗ trợ người dân. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 8 tháng tăng 27,2% (xuất khẩu tăng 21,2%). Thị trường trong nước được chú trọng; thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt có chiều hướng phát triển…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều địa phương phải kéo dài thời gian giãn cách, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân, làm gián đoạn nhiều hoạt động kinh tế - xã hội và sản xuất kinh doanh của một bộ phận doanh nghiệp, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm…
Không thể đóng cửa mãi
Một quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định: “COVID-19 có thể sẽ là “phần tất yếu” của thế giới trong bối cảnh virus SARS-CoV-2 gây ra căn bệnh này vẫn tiếp tục biến đổi ở những quốc gia chưa tiêm hoặc có tỷ lệ tiêm chủng vắc xin thấp; những hy vọng trước đó về việc xóa sổ hoàn toàn đại dịch cũng đang dần nguội tắt”.
Vấn đề đặt ra hiện nay cho nước ta là “mở cửa trở lại nền kinh tế”. Nhiều chuyên gia trong nước cho rằng, việc mở cửa trở lại nền kinh tế là cần thiết nhưng mở thế nào để người dân được an toàn và doanh nghiệp hoạt động ổn định là điều cần phải quan tâm.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhấn mạnh, Việt Nam không thể đóng cửa mãi, phải bắt đầu mở cửa dần dần trở lại, đồng thời thực hiện linh hoạt các biện pháp giãn cách. Đây là một tín hiệu tốt, vì lợi ích của doanh nghiệp, người lao động nói riêng và của đất nước nói chung. “Chúng tôi thực sự mong muốn Việt Nam có thể mở cửa trở lại bởi nền kinh tế đang chịu nhiều thiệt hại do đại dịch”, Thủ tướng nói.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, để sớm trở lại trạng thái bình thường mới, Bộ Y tế cần khẩn trương hoàn thiện chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch, tập trung vào tiêm phủ vắc xin toàn dân, nâng cao năng lực hệ thống đáp ứng, nhất là xét nghiệm và điều trị… Thủ tướng khẳng định phải đảm bảo việc duy trì sản xuất, chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa bên cạnh các biện pháp phòng dịch phù hợp với thực tiễn; thời gian tới sẽ đẩy mạnh phát triển công nghiệp dược và tăng cường năng lực y tế để bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Việc triển khai các biện pháp nới lỏng và khôi phục các hoạt động xã hội cần tuân theo nguyên tắc mở cửa trở lại có lộ trình, từng bước có kiểm soát và liên tục đánh giá, tránh tư tưởng nóng vội, lơ là, mất cảnh giác để kịp thời điều chỉnh phù hợp, dựa trên nguyên tắc “sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất”, phòng dịch tốt thì không phải chống dịch...
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tổ chức ngày 26/9 vừa rồi do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, ông cho rằng, trong gần 2 năm qua, chúng ta đã có thêm nhiều kinh nghiệm, hiểu rõ hơn về virus, về dịch bệnh, song đây là việc chưa có tiền lệ, việc ban hành hướng dẫn mới phải thận trọng, lấy ý kiến nhiều bên, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bổ sung, hoàn thiện dần, cố gắng tránh tình trạng như nhiều nước là cứ “mở cửa” rồi lại “đóng cửa” ngay. “Với các giải pháp dựa trên cơ sở thực tiễn, khoa học, chúng ta có thể yên tâm, tự tin để chuyển đổi trạng thái, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế”, Thủ tướng khẳng định.
Tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp
Tại buổi làm việc với đại sứ các nước và đại diện các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19 vào chiều ngày 14/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục lắng nghe với tinh thần cầu thị, trách nhiệm cao các đề xuất, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp và sẵn sàng đáp ứng trong điều kiện cho phép. Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp để củng cố niềm tin, phát triển sản xuất kinh doanh, vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Thủ tướng cho biết, Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo xây dựng kịch bản thích ứng an toàn với dịch bệnh trong mọi hoàn cảnh, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế.
Đồng hành hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19
Trước đó, ngày 09/9/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19. Mục tiêu của Nghị quyết là tập trung khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19.
Thông qua đó, Chính phủ ban hành 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm “Tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên nguyên tắc khó khăn, vướng mắc ở cấp nào, địa phương nào thì cấp đó, địa phương đó phải chủ động, kịp thời, tháo gỡ, giải quyết, đề cao trách nhiệm cá nhân, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, gây ùn tắc trong lưu thông hàng hóa; trường hợp vượt thẩm quyền, phải chủ động báo cáo cấp trên trực tiếp xem xét, xử lý; tập trung triển khai ngay các biện pháp tháo gỡ những điểm nghẽn, ách tắc với phương châm “sớm nhất - hiệu quả nhất” nhằm giảm thiểu thiệt hại, tác động tiêu cực đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và người dân”.
Cũng tại Hội nghị trực tuyến ngày 26/9, Thủ tướng tiếp tục khẳng định “Chính phủ và Quốc hội sẽ cố gắng đồng hành cùng doanh nghiệp một cách thực sự, trên tinh thần “nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân và doanh nghiệp được thụ hưởng thật”, “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm” khi giải quyết các kiến nghị, khó khăn”.