Bài toán kinh tế sau đại dịch

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:55, 12/11/2021

(VLR) Đẩy mạnh đầu tư công, hỗ trợ lĩnh vực xuất khẩu là một trong những giải pháp quan trọng tạo động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế cả nước sau khi dịch COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, phải nhìn thẳng vào sự thật yếu kém, tập trung cao hơn, quyết liệt hơn, với các giải pháp cụ thể hơn...

Đẩy mạnh đầu tư công, hỗ trợ lĩnh vực xuất khẩu là một trong những giải pháp quan trọng tạo động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế cả nước sau khi dịch COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát

Đẩy mạnh đầu tư công, hỗ trợ lĩnh vực xuất khẩu là một trong những giải pháp quan trọng tạo động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế cả nước sau khi dịch COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát

“Sức khỏe” nền kinh tế bị bào mòn

Đợt dịch thứ 4, từ 27/4 đến nay, với biến chủng Delta lây lan nhanh, mạnh, diễn biến hết sức phức tạp, kéo dài ở nhiều địa phương; các ca lây nhiễm tăng nhanh trong thời gian ngắn, vượt hơn nhiều so với dự báo. Dịch bệnh đã tác động hết sức nghiêm trọng đến sinh mạng, sức khỏe, đời sống của nhân dân và ảnh hưởng sâu sắc mọi mặt kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt làm đình trệ hoạt động sản xuất, gián đoạn chuỗi cung ứng, tác động tiêu cực đến việc làm, đời sống của người lao động, đẩy cộng đồng doanh nghiệp vào thế “chống đỡ” cùng cực. Tâm dịch lại diễn ra ở những trung tâm công nghiệp lớn như TP. HCM, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai... Điều này làm ảnh hưởng đến tăng trưởng cả nước.

Dịch kéo dài nhưng tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2021 vẫn có những kết quả đáng ghi nhận. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm. Tuy nhiên, sức khỏe của nền kinh tế bị “bào mòn” nghiêm trọng. Theo đó, GDP 9 tháng đầu năm 2021 chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và dịch vụ. Tăng trưởng âm trong 9 tháng đầu năm 2021 của một số ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn đã làm giảm mức tăng chung của khu vực dịch vụ và toàn bộ nền kinh tế. Ngành bán buôn, bán lẻ giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước, làm giảm 0,3 điểm phần trăm trong tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành vận tải kho bãi giảm 7,79%, làm giảm 0,47 điểm phần trăm; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 23,18%, làm giảm 0,57 điểm phần trăm…

Nhìn từ góc độ chuỗi giá trị, dịch COVID-19 kéo dài đã làm nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ phá sản; chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy do các đợt giãn cách liên tiếp... Trong tháng 9/2021, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới chỉ đạt 3.899 doanh nghiệp, giảm 62,2% so với cùng kỳ năm 2020; số vốn đăng ký chỉ đạt 62,4 nghìn tỷ đồng, giảm 69,3%. Tính chung 9 tháng năm 2021, tổng số doanh nghiệp thành lập mới giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước; quy mô vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới giảm 3,1%; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 90,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 15,3%.

Hiện nay, tại TP. HCM trung tâm kinh tế số 1 của đất nước, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu hụt dòng tiền, tiềm tàng nguy cơ mất thanh khoản, đứt gãy cả thị trường lao động.

Các “trụ cột” cần hỗ trợ phục hồi

Hiện nay, khi đất nước đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, nhiệm vụ số 1 trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ là hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân. Trước mắt là phục hồi sản xuất, kinh doanh; khôi phục sự đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, giúp những doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tái gia nhập thị trường; thúc đẩy quá trình phục hồi tăng trưởng gắn với chương trình “số hóa” và tái cơ cấu nền kinh tế.

Nhiệm vụ số 1 trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ là hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân

Nhiệm vụ số 1 trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ là hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân

Trên bình diện quốc gia cũng như các trung tâm kinh tế lớn của đất nước cần xác định các trụ cột thúc đẩy tăng trưởng; bao gồm 4 nhóm công nghiệp chủ lực, trong đó tập trung hơn đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu. Các ngành như xây dựng cần có bước đột phá để tạo sự phát triển lan tỏa; Du lịch, thương mại cũng cần được hỗ trợ mạnh mẽ. Về giải pháp hỗ trợ, cần lựa chọn theo 3 tiêu chí: Đóng góp nhiều cho cơ cấu GRDP của tỉnh/thành phố, có tác động lan tỏa cao và ít có khả năng tự hồi phục.

Theo các chuyên gia quản trị, hành chính công và quản trị công là nhóm giải pháp ít tốn kém nhất nhưng hiệu quả nhất để giúp doanh nghiệp tự phục hồi phát triển theo quan hệ thị trường và giúp người dân tự tạo ra sinh kế cho mình.

Thách thức với Việt Nam thời gian tới là giá hàng nhập khẩu tăng, chi phí logistics tăng, chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Do đó, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nên tập trung vào lĩnh vực xuất khẩu; giải quyết vấn đề lưu thông hàng hóa cảng biển, logistics... Thời gian qua, sự phục hồi mạnh mẽ của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đã tác động mạnh vào Việt Nam, xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh trong những quý I năm 2021. Sau khi xuất hiện biến thể Delta, Quỹ Tiền tệ quốc tế giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2021 xuống còn 5,9% nhưng triển vọng năm 2022 vẫn giữ nguyên (4,9%), nhất là những quốc gia có tỷ lệ phủ vắc xin cao, mở cửa nền kinh tế thích ứng với COVID-19. Do đó, vấn đề hiện nay đối với các doanh nghiệp xuất khẩu là hỗ trợ họ phục hồi và duy trì chuỗi cung ứng nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao của các thị trường xuất khẩu lớn trong thời gian tới. Đây được coi là một trong những giải pháp quan trọng giúp phục hồi và phát triển kinh tế trong nước.

Đặc biệt, cần kích cầu mạnh đầu tư công, xây dựng hạ tầng, giải ngân nhanh để thu hút đầu tư tư nhân. Giai đoạn 4 của dịch COVID-19, tháng 5/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì họp về đầu tư công trung hạn và tháng 9/2021, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các bộ ngành, địa phương về công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2021.

Rõ ràng, để phục hồi kinh tế, phải đẩy mạnh thu hút các nguồn lực xã hội, tiếp tục cơ cấu lại đầu tư công để đóng vai trò dẫn dắt, huy động đầu tư ngoài nhà nước. Hoàn thiện hơn nữa cơ chế, chính sách đầu tư công, khơi thông các điểm nghẽn về thể chế, đẩy mạnh phân cấp gắn với năng lực, trách nhiệm thực hiện… Phải thẳng thắn nhìn thẳng vào sự thật yếu kém, tập trung cao hơn, quyết liệt hơn, với các giải pháp cụ thể hơn như nhiều lần Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định.

Tổng số dự án đầu tư công triển khai trong năm 2021 khoảng 2.511 dự án, trong đó có 2.021 dự án chuyển tiếp từ các năm trước, chỉ có 490 dự án khởi công mới.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tình hình thực hiện giải ngân 8 tháng đầu năm đạt 183.320 tỷ đồng, đạt 39,74% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (461.300 tỷ đồng); dự kiến giải ngân đến 30/9/2021 là 218.550 tỷ đồng, đạt 47,38% kế hoạch.

Chỉ có 04 bộ và 11 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt hơn 60%. Có 76/114 ban, bộ, cơ quan Trung ương, địa phương có tỉ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước (47%), có cơ quan chưa giải ngân được đồng nào. Từ tháng 10 đến tháng 12, còn hơn 50% nguồn vốn đầu tư công phải giải ngân.

Theo Tổng cục Thống kê

Ngô Đức Hành