Giấy phép FMC: Tấm vé thông hành cho doanh nghiệp giao nhận hàng xuất container đi Mỹ
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 20:50, 18/11/2021
Hội thảo thu hút đông đảo sự tham gia của đại diện Cục Hàng hải, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương cùng các doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp xuất nhập khẩu
Hiện nay, Việt Nam có hơn 30.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh các dịch vụ liên quan đến logistics, trong đó có khoảng 4.000 doanh nghiệp logistics cung cấp các dịch vụ kết nối quốc tế với 89% là doanh nghiệp trong nước, 10% là doanh nghiệp liên doanh và 1% là doanh nghiệp nước ngoài.
Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp logistics cung cấp dịch vụ vận chuyển đường biển đi tuyến Bắc Mỹ chưa nhiều, chủ yếu là các doanh nghiệp liên doanh và các doanh nghiệp nước ngoài, với hệ thống văn phòng toàn cầu nên có nhiều thuận lợi trong việc ký hợp đồng với các hãng tàu do có giấy phép hoạt động của FMC cấp cho doanh nghiệp trung gian vận chuyển, còn gọi là Ocean Transportation Intermediary - OTI của các công ty mẹ. Các doanh nghiệp Việt Nam còn gặp nhiều rào cản về thủ tục đăng ký FMC Bond và hạn chế về tiềm lực kinh tế ký quỹ bảo lãnh để ký FMC Bond dành cho OTI.
Các quy định của FMC liên quan đến hoạt động giao nhận hàng container đi Hoa Kỳ rất chặt chẽ, đòi hỏi sự am hiểu quy định sở tại, tính chuyên nghiệp rất cao mới tránh được những rủi ro về thuế, phí và tiền phạt tại nơi giao hàng.
Ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội VLA phát biểu khai mạc hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội VLA cho biết, kim nghạch xuất nhập khẩu nước ta năm 2019 đạt và vượt mức 500 tỷ USD, năm 2020 tiếp tục tăng, cán mức 545 tỷ USD. Năm nay - 2021, tuy tình hình dịch bệnh còn nghiêm trọng nhưng kim ngạch xuất khẩu nước ta ước tính đạt 600 tỷ USD, trong đó tỷ lệ hàng hóa xuất khẩu đi thị trường Hoa Kỳ luôn luôn chiếm ở mức từ 28% - 30% đối với tổng kim ngạch xuất khẩu. “Mỹ là thị trường rất khắc khe về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa, quy định về khai báo hàng hóa cho các cơ quan chức năng Hoa Kỳ, trong đó có một cơ quan hết sức quan trọng là FMC”, ông Hiệp chia sẻ.
Hoa Kỳ là quốc gia có chính sách rất chắc chẽ, hệ thống pháp luật đa dạng, đặc biệt là đối với nhập khẩu, bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp và chuỗi logistics của họ. Hoa Kỳ có nhiều quy định, kể cả luật liên bang, tiểu ban (mỗi tiểu ban có quy định khác nhau). Chính vì thế, doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường năng lực, năng lực hiểu biết hệ thống, chủ động trong xuất khẩu.
Theo ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam: “Khi doanh nghiệp hiểu biết nhiều hơn sẽ mạnh dạn bước ra thế giới, các doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp xuất nhập khẩu sẽ chủ động hơn trong đặt hàng xuất khẩu, làm chủ được chuỗi cung ứng. Hội thảo vừa tăng cường năng lực, vừa là diễn đàn kết nối, liên kết doanh nghiệp cũng chia sẻ kinh nghiệm, hình thành những doanh nghiệp lớn hơn, tầm cỡ hơn để logistics nước ta sẽ không còn bó hẹp trong phạm vi nội địa, sẵn sàng tiến ra thế giới, từng bước làm chủ chuỗi cung ứng”.
Ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam
Theo bà Võ Thị Phương Lan, Trưởng Ban vận tải và giao nhận BCH Hiệp hội VLA, chức năng của FMC là đảm bảo hệ thống cung cấp vận tải biển quốc tế có tính cạnh tranh và đáng tin cậy để hỗ trợ nền kinh tế Hoa Kỳ và bảo vệ khách hàng trong quá trình vận chuyển, giao nhận hàng vào lãnh thổ Hoa Kỳ. Hàng năm, FMC sẽ rà soát và giám sát tất cả thỏa thuận giữa hãng tàu với các nhà khai thác cảng biển và các hợp đồng vận chuyển giữa các hãng tàu và các NVOCC. FMC cũng duy trì và xem xét các hợp đồng dịch vụ được lưu giữ bí mật và ngăn ngừa các ảnh hưởng bất lợi cho vận chuyển hàng hóa đi và đến Hoa Kỳ. Thông thường, FMC cũng ccung cấp những diễn đàn cho nhà xuất nhập khẩu và thành viên công ty vận tải để hỗ trợ cho các hoạt động cảng biển và hạn chế rủi ro, tranh chấp. Đồng thời, đảm bảo biểu giá, biểu phí thông thường mà các hãng tàu công bố trong hệ thống biểu giá trự động trên website của FMC…
Hội thảo đã có những trao đổi sâu sát về các chủ đề chính như các quy định về đăng ký giấy phép FMC cho doanh nghiệp logistics Việt Nam với 5 nội dung quan trọng gồm: quy định chung của FMC; Công ty logistics Việt nam đăng ký FMC License như thế nào; Thủ tục đăng ký FIATA Group Bond; Những lưu ý cơ bản trong ký hợp động cho tuyến Mỹ với hãng tàu, những giấy phép bond khác có liên quan đến FMC License; một số nội dung khi phát hành vận đơn đường biển vào thị trường Hoa Kỳ.
Hội thảo đã cung cấp chi tiết những thông tin hữu ích và chia sẻ kinh nghiệm cho các doanh nghiệp, một phần nâng cao sự hiểu biết cho doanh nghiệp, qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp logistics Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế trong trạng thái bình thường mới. Đây cũng là mục tiêu hoạt động của Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logitsics Việt Nam (VLA), hướng đến các doanh nghiệp Hội viên, kết nối đồng hành và phát triển với định hướng Chuyển đổi số - Đổi mới - Sáng tạo.
Tiếp nối sự kiện của chuỗi hội thảo Giao nhận hàng xuất container đi Mỹ theo quy định của Ủy ban Hàng hải Liên bang (FMC) sẽ là hội thảo có chủ đề “Làm thế nào để doanh nghiệp logistics Việt Nam giao nhận hàng container đi Mỹ được an toàn và chuyên nghiệp” (dự kiến diễn ra vào đầu năm 2022).