Ngân sách của Nghệ An được bổ sung 70% số tăng từ hoạt động xuất, nhập khẩu
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 07:26, 14/11/2021
Ngân sách của Nghệ An được bổ sung 70% số tăng từ hoạt động xuất, nhập khẩu (ảnh minh họa)
Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An được Quốc hội thông qua sáng 13/11.
Theo nghị quyết, Nghệ An được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho tỉnh vay lại. Tổng mức dư nợ vay không vượt quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách tỉnh hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
Bên cạnh đó, hằng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách tỉnh Nghệ An không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao (không bao gồm thuế giá trị gia tăng của hàng hóa nhập khẩu), nhưng không vượt quá tổng số tăng thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu so với số thu thực hiện năm trước và ngân sách trung ương không hụt thu để thực hiện các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng của địa phương.
Nghệ An cũng được phân bổ thêm 45% số chi tính theo định mức dân số khi xây dựng định mức chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022 và trong thời gian thực hiện Nghị quyết này.
Lý giải về cơ chế đặc thù này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho rằng, Nghệ An và một số tỉnh, thành phố được lựa chọn là các địa phương có đặc thù về địa lý, dân số, lịch sử, văn hóa và tiềm năng phát triển kinh tế. Nghệ An là tỉnh có diện tích đất rộng, dân số đông, có tiềm năng nhưng chưa có cơ chế bứt phá. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xin Quốc hội cho phép ban hành Nghị quyết về cơ chế đặc thù áp dụng thí điểm cho Nghệ An và một số đại phương khác.
UBTVQH nhận thấy, việc quy định mức trần dư nợ vay đối với các địa phương là nhằm tạo dư địa cho các địa phương chủ động huy động nguồn lực, trên cơ sở tổng kết sẽ xác định mức phù hợp.
Mặt khác, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, căn cứ nhu cầu huy động, dự kiến khả năng thu, khả năng hấp thụ vốn, khả năng trả nợ của từng địa phương, hằng năm Quốc hội quyết định mức vay cho từng địa phương, bảo đảm điều tiết hợp lý, công bằng. Như vậy, việc áp dụng cơ chế này không ảnh hưởng đến dư địa vay của các địa phương khác. Do đó, UBTVQH xin Quốc hội cho phép giữ như quy định tại dự thảo nghị quyết.
UBTVQH cho rằng, nhằm khuyến khích, tạo động lực cho các địa phương trong hoạt động xuất, nhập khẩu, tăng thu trên địa bàn thì việc bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương (NSTW) cho ngân sách địa phươn không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu là cần thiết và phù hợp với khả năng của NSTW.
"Việc quy định mức trần 70% cũng bảo đảm tính linh hoạt trong thực hiện. Nếu trong điều kiện NSTW tăng thu lớn, có thể bổ sung 70% số tăng thu cho địa phương; trường hợp NSTW khó khăn, có thể bổ sung cho địa phương thấp hơn. Nếu bỏ cụm từ “không quá” sẽ đồng nghĩa với việc NSTW hàng năm trong mọi tình huống phải bổ sung đủ 70%, sẽ gây khó khăn cho NSTW, nhất là trong bối cảnh ngân sách biến động như hiện nay", ông Cường cho hay.