Tiềm năng phát triển dịch vụ logistics hàng không ở Thọ Xuân

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 14:05, 12/11/2021

(VLR) Với định hướng mở rộng, phát triển sân bay quốc tế giai đoạn 2021 - 2030, Thọ Xuân sở hữu tiềm năng phát triển dịch vụ logistics hàng không trị giá hàng tỷ USD.

Cảng hàng không quốc tế Thọ Xuân sẽ là cú hích để dịch vụ logistics nơi đây phát triển (ảnh minh họa)

Cảng hàng không quốc tế Thọ Xuân sẽ là cú hích để dịch vụ logistics nơi đây phát triển (ảnh minh họa)

Bộ Giao thông Vận tải vừa có quyết định phê duyệt quy hoạch Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Thọ Xuân thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Theo đó, giai đoạn 2021 – 2030, Cảng HKQT Thọ Xuân định hướng là cảng hàng không quốc tế, có chức năng dự bị cho cảng HKQT Nội Bài, sân bay dùng chung dân dụng và quân sự, có cấp sân bay 4E và sân bay quân sự cấp I, công suất 5 triệu hành khách và 27.000 tấn hàng hóa/năm.

Cảng khai thác loại tàu bay code E hoặc tương đương với 16 vị trí đỗ tàu bay code C (có khả năng đỗ tàu bay code E). Có thể nói, những lợi thế kinh tế đến từ sân bay Thọ Xuân sẽ được tận dụng tối đa khi khu công nghiệp Lam Sơn – Sao Vàng và các khu công nghiệp lân cận đẩy mạnh phát triển.

Huyện Thọ Xuân với vị trí chiến lược cùng lợi thế từ sân bay Thọ Xuân (thị trấn Sao Vàng, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) sẽ là đòn bẩy, thúc đẩy phát triển kinh tế cho toàn tỉnh Thanh Hóa. Trên diện tích 5.000m2, khai thác vận hàn từ tháng 2/2013, những năm qua, tốc độ phát triển vận tải cảng hàng không Thọ Xuân liên tục tăng cao cả về lượng hành khách và hàng hóa (khoảng 17,5%), vượt xa so với dự báo trước đây.

Đồng thời, hạ tầng giao thông kết nối khu vực và các vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh cũng được đầu tư, đẩy mạnh như: Tuyến đường kết nối quốc lộ 47 với đường Hồ Chí Minh; đường từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Nghi Sơn, đường nối thành phố Thanh Hóa với Cảng Hàng không Thọ Xuân, đường kết nối từ Thị trấn Thọ Xuân đi Khu đô thị Lam Sơn - Sao Vàng... hứa hẹn tạo “cú hích” thay đổi bộ mặt phát triển đô thị Thọ Xuân trong thời gian tới.

Để tạo điều kiện thuận lợi, thu hút nhà đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, các công trình hạ tầng quan trọng trên địa bàn huyện đã được chú trọng đầu tư như: Cải tạo nâng cấp Quốc lộ 47, QL 47B, QL 47C; đường Cầu Kè - Thọ Xuân; cải tạo nâng cấp đường tỉnh 506b; một số tuyến đường mới được triển khai đầu tư như: Đường từ thị trấn Thọ Xuân đi đô thị Lam Sơn - Sao Vàng; đường nối ba Quốc lộ 217-45-47; đường từ Thành phố Thanh Hóa đi đô thị Lam Sơn - Sao Vàng…

Ông Lê Đình Sỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân nhấn mạnh: Huyện Thọ Xuân luôn xác định phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội hài hòa với phát triển kinh tế. Chính vì vậy, huyện luôn tích cực trong việc phát huy tối đa nội lực, tiềm năng, thế mạnh bên trong nhằm tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài; từ đó tạo thế và lực phát triển nhằm phấn đấu đưa Thọ Xuân sớm trở thành một trong những huyện thuộc tốp dẫn đầu về thu hút đầu tư cũng như trở thành trung tâm kinh tế động lực của tỉnh.

Minh chứng là giai đoạn 2015-2020, huyện Thọ Xuân đã thu hút được 72 dự án đầu tư của các doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký hơn 7 nghìn tỷ đồng, quy mô diện tích 1.059 ha. Đến năm 2020 trên địa bàn huyện có 1.070 doanh nghiệp gấp 4,5 lần so với năm 2015.

Năm 2018, 2019 được coi là các năm của những dự án trọng điểm được đầu tư và khởi công xây dựng trên địa bàn huyện Thọ Xuân. Cùng với đó, huyện đã kịp thời bàn giao mặt bằng các dự án lớn như: Dự án Khu thể thao, vui chơi giải trí Thọ Xuân, xã Tây Hồ, tổng mức đầu tư 25 tỷ đồng, diện tích 2,5 ha; dự án Khu thương mại dịch vụ tổng hợp Thọ Xuân, xã Hạnh Phúc, tổng mức đầu tư 32,59 tỷ đồng, diện tích 1 ha; dự án nhà máy sản xuất, chế biến tinh bột nghệ Nhật Long, xã Xuân Phú, tổng mức đầu tư 65 tỷ đồng, diện tích 1,95 ha...

Duy Ngợi