Đẩy mạnh hợp tác chuỗi cung ứng lạnh Việt Nam - Đài Loan

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 18:36, 30/11/2021

(VLR) Sáng nay (30/11), Viện Nghiên cứu kỹ thuật Công nghiệp Đài Loan cùng Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đã phối hợp tổ chức “Hội thảo hợp tác trong lĩnh vực logistics chuỗi cung ứng lạnh giữa Đài Loan và Việt Nam 2021”. Đây là hoạt động nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực logistics chuỗi lạnh giữa Đài Loan và Việt Nam.

Hội thảo hợp tác trong lĩnh vực logistics chuỗi cung ứng lạnh giữa Đài Loan và Việt Nam 2021 diễn ra với hình thức trực tuyến

Hội thảo hợp tác trong lĩnh vực logistics chuỗi cung ứng lạnh giữa Đài Loan và Việt Nam 2021 diễn ra với hình thức trực tuyến

Thị trường chuỗi cung ứng lạnh Việt Nam

Việt Nam là một quốc gia xuất khẩu các mặt hàng nông sản lớn, tuy nhiên, do không đủ khả năng công nghệ để bảo quản sản phẩm, Việt Nam phải chịu tổn thất lớn và lãng phí. Các chuyên gia đánh giá, mặc dù là nước sản xuất và xuất khẩu lớn, nhưng nông sản của Việt Nam lại bị thất thoát khá nhiều trong quá trình thu hoạch, lưu trữ và vận chuyển, ảnh hưởng đến sản lượng và giá trị của sản phẩm. Trong đó, một trong những nguyên nhân chính là các nhà sản xuất chưa áp dụng đúng, đầy đủ quy trình bảo quản (đặc biệt là hệ thống bảo quản lạnh) từ khâu sản xuất đến khâu chế biến, phân phối.

Sở hữu dân số trẻ với gần 100 triệu dân cùng nền kinh tế tăng trưởng dương dù chịu ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, Việt Nam được xác định là một trong những quốc gia ưu tiên trong chiến lược mở rộng hợp tác kinh doanh của các doanh nghiệp Đài Loan, đặc biệt trong lĩnh vực logistics chuỗi lạnh.

Đài Loan là quốc gia đã có sẵn ưu thế trong lĩnh vực chuỗi cung ứng lạnh, với cơ sở kinh nghiệm và dịch vụ logistics hoàn thiện, phát triển nhanh, ứng dụng kỹ thuật công nghệ hiện đại, Đài Loan sẽ nâng cao tiêu chuẩn môi trường dịch vụ, đồng thời thúc đẩy thương mại đôi bên, hướng các doanh nghiệp hợp lực kinh doanh, cùng phát triển và mở rộng ra toàn cầu.

Đẩy mạnh hợp tác chuỗi cung ứng lạnh Việt Nam - Đài Loan

Thương mại điện tử và kinh tế thành thị phát triển doanh nghiệp phải đối mặt với những thách thức lớn như quá trình bảo quản, không gian bảo quản, rút ngắn thời gian giao hàng, thiếu nguồn nhân lực,… Việc tích cực ứng dụng công nghệ sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ tác nghiệp, nhu cầu dịch vụ đa dạng. Mô hình linh hoạt hơn và có thể khắc phục được vấn đề thời gian và nhân lực. Vì vậy, công nghệ logistics thông minh hóa, tự động hóa đã trở thành yếu tố then chốt quyết định thắng lợi trên thị trường.

Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ hệ thống chuỗi lạnh trước tiên cần xác định hạng mục sản phẩm mục tiêu, nắm bắt đúng nhu cầu về nhiệt độ, độ ẩm cũng như quy chuẩn, quy trình tác nghiệp chính xác mới có thể lựa chọn được chính xác công nghệ phần mền thích hợp nhất.

Doanh nghiệp hai bên có thể cùng hợp tác, dựa trên nhu cầu phát triển chuỗi lạnh của Việt Nam, lập khu thử nghiệm ứng dụng công nghệ tự động hóa thông minh chuỗi lạnh tại Việt Nam.

Đối với việc hợp tác trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực,theo đại diện phía Đài Loan, Viện ITRI, Hiệp hội chuỗi lạnh Đài Loan hợp tác với Đại học Khoa học Công nghệ Cao Hùng đã xây dựng một chương trình đào tạo về logistics chuỗi lạnh hoàn chỉnh (từ giai đoạn sơ cấp, trung cấp cho đến cao cấp) bao gồm các nội dung đào tạo như quản lý quy trình, thiết bị cứng, ứng dụng phần mềm và quản lý chất lượng các lĩnh vực rau quả, thủy sản, sản phẩm gia súc,… Phía Đài Loan đề xuất, có thể đưa các chương trình đào tạo về logistics chuỗi lạnh mà Đài Loan đã xây dựng vào Việt Nam, nhằm bổ sung những lỗ hổng trong nhu cầu về nhân lực logistics chuỗi lạnh ngày một tăng, đồng thời mở rộng khái niệm và cách thức thực hiện chất lượng trong logistics chuỗi lạnh.

Hiệp hội VLA phối hợp cùng Viện ITRI, Hiệp hội chuỗi lạnh Đài Loan thảo luận và lập kế hoạch về phương án đào tạo nhân lực phù hợp với Việt Nam trên cơ sở là các chương trình đào tạo nhân lực mà Đài Loan đã xúc tiến thực hiện, kể từ đó thúc đẩy thực hiện.

Theo PGS.TS. Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam chia sẻ, đối với việc hợp tác đào tạo nhân lực logistics chuỗi lạnh cũng cần tổ chức các khóa đào tạo nhân lực (có thể tiến hành theo hình thức trực tuyến), đưa nội dung chương trình đào tạo chuỗi lạnh của Đài Loan giới thiệu đến học viên tại Việt Nam…

Hiện nay, việc vận hành của các doanh nghiệp Đài Loan đã có một quy mô và tiêu chuẩn nhất định. Các doanh nghiệp liên tục thúc đẩy thực hiện hệ thống hóa và tự động hóa. Thông qua hoạt động thăm, giao lưu giúp doanh nghiệp chuỗi lạnh Việt Nam sớm nắm bắt tinh thần cũng như cách thức làm chuỗi lạnh, đẩy nhanh nâng cao chất lượng và hiệu suất.

Sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát ổn định, cần tổ chức chương trình giao lưu giữa doanh nghiệp hai bên, phía Việt Nam có thể sang thăm, khảo sát thực tế tại Đài Loan, cùng trao đổi về tình hình cung cầu cũng như những cơ hội phát triển hợp tác giữa các doanh nghiệp chuỗi lạnh…

Ngoài ra, các doanh nghiệp Đài Loan cũng đề xuất Việt Nam cũng cần có những chính sách ưu đãi cần thiết để phát triển logistics chuỗi lạnh như cấp thị thực cho các chuyên gia chuỗi lạnh, ưu đãi thuế nhập khẩu đổi với thiết bị chuỗi lạnh, mở cửa cấp phép cho các lĩnh vực vận tải các công ty logistics chuỗi lạnh vốn nước ngoài, đồng thời hỗ trợ hoặc khích lệ các phương án hợp tác giữa doanh nghiệp hai bên,…

Thụy Hậu