Phi công xin thôi việc, câu chuyện không chỉ của Vietnam Airlines

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 17:49, 05/06/2023

Từ hiện tượng phi công đồng loạt xin nghỉ việc cho thấy, không chỉ Vietnam Airlines mà các doanh nghiệp trong lĩnh vực khác cần thường xuyên đối thoại để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động, kịp thời sửa đổi chính sách đãi ngộ cho phù hợp .

Tiền lương - câu chuyện không mới

Cách đây 7 năm (năm 2018) sau khi đơn kiến nghị của nhóm phi công được công bố, Vietnam Airlines đã phát đi thông báo tăng lương cho phi công. Khi đó, 16 phi công của Hãng này có đơn kiến nghị lên Phó Thủ tướng Chính phủ "tố" đơn vị chủ quản là Vietnam Airlines không cho họ nghỉ việc để chuyển công tác đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Nhóm phi công này cho rằng Vietnam Airlines đã dựa vào một số nội dung trong Thông tư 41/2015 và Thông tư 21/2017 do Bộ GTVT ban hành để “gây khó dễ” là vi phạm Bộ luật Lao động. Hai trong số những nội dung được nhóm phi công đề cập chi tiết nhất là quy định nhân viên hàng không có trình độ cao muốn thôi việc phải báo trước 120 ngày và quy định khi chuyển công tác, phi công phải bồi hoàn cho đơn vị chủ quản toàn bộ chi phí đào tạo.

Nguyên nhân chính dẫn đến việc nhóm phi công Việt Nam (PCVN) đồng loạt xin nghỉ việc là vì mức lương họ đang được nhận thấp hơn so với các đồng nghiệp - phi công là người nước ngoài (PCNN), đang công tác tại những hãng hàng không trong nước khác và chỉ bằng 60 – 70% so với phi công nước ngoài. Ngoài ra, chế độ đãi ngộ về ngày nghỉ của phi công Vietnam Airlines cũng thiệt thòi hơn (phi công nước ngoài làm việc 6 tuần sẽ được nghỉ một tuần trong khi số tuần làm việc trước khi được nghỉ của các phi công “nội” ở Vietnam Airlines lên đến 9 tuần).

Khi đó, Tổng giám đốc Vietnam Airlines khẳng định, thời gian qua, hãng luôn cố gắng điều chỉnh lương cũng như chế độ làm việc ngày một tốt hơn cho PCVN. Đặc biệt, từ ngày 1/6, hãng đã áp dụng các chế độ mới cho toàn Tổng công ty, trong đó, phần tăng lương cao nhất dành cho phi công. Đợt điều chỉnh lương lần này đã được nghiên cứu từ năm 2017, căn cứ vào nguồn thu cũng như kế hoạch đầu tư phát triển của Tổng Công ty.

Chênh lệch tiền lương với thị trường lao động dẫn đến số PCVN chấm dứt hợp đồng lao động với Vietnam Airlines giai đoạn 2018-2022 lên tới 154 người.

Khi thị trường hàng không phục hồi hậu Covid-19, con số này tiếp tục tăng nếu Vietnam Airlines không có động thái tích cực giữ chân người lao động. Đến hết quý I/2023, đã có thêm 8 PCVN xin chấm dứt hợp đồng lao động với Vietnam Airlines.

"Việc phi công xin thôi việc, chuyển nhà khai thác đặc biệt trong giai đoạn phục hồi hậu Covid-19 đe dọa nghiêm trọng đến kế hoạch phát triển đội tàu bay của Vietnam Airlines do khai thác các PCVN xin chấm dứt chủ yếu là những phi công là giáo viên, lái chính có nhiều năm kinh nghiệm", ông Đặng Ngọc Hòa - Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines  cho hay.

Theo báo cáo của Vietnam Airlines, trước khi thực hiện thí điểm tiền lương theo Nghị định số 20/ND_CP thì tiền lương của PCVN đã rất bất cập, thấp hơn nhiều so với PCNN cùng làm việc cho hãng này.

Cụ thể, tiền lương bình quân của PCVN năm 2018 là 124 triệu đồng/tháng, bằng 50% tiền lương của phi công nước ngoài là 249,69 triệu đồng/tháng.

Năm 2019, tiền lương của PCVN là 135,4 triệu đồng/người/tháng, bằng 48% tiền lương của PCNN là 281,68 triệu đồng/người/tháng.

Liệu sửa đổi Nghị định có "giữ chân" được nhân lực?

Hiện nay Bộ Tư pháp đang tổ chức thẩm định dự thảo Nghị định bổ sung Nghị định số 87/2021 của Chính phủ về kéo dài thời gian thực hiện và sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2020 thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

Góp ý vào dự thảo, ông Đặng Ngọc Hòa - Chủ tịch HĐQT cho rằng, Nghị định 20/2020 quy định khi xác định đơn giá tiền lương khoán năm 2020, Vietnam Airlines được tính bù chênh lệch tiền lương của PCVN mà Hãng trả thấp hơn so với phi công là PCNN.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Vietnam Airlines không thỏa mãn điều kiện về lợi nhuận để được tính bổ sung phần chênh lệch tiền lương của PCVN và PCNN.

Theo Chủ tịch Vietnam Airlines, đã có sự chênh lệch khá lớn về mức tiền lương giữa PCVN và PCNN của Vietnam Airlines (cùng chức danh, đội bay, thực hiện cùng nhiệm vụ) và với phi công của các hãng hàng không trong nước.

Để đảm bảo giữ chân, thu hút lao động PCVN, góp phần ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines, ông Đặng Ngọc Hòa khẳng định việc xây dựng cơ chế bù chênh lệch lương giữa PCVN và PCNN bay cho Vietnam Airlines là cấp thiết.

"Việc ban hành Nghị định bổ sung Nghị định 87/2021 của Chính phủ rất quan trọng và cần thiết đối với Vietnam Airlines", ông Hòa nêu rõ trong văn bản góp ý.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng dẫn cho thấy từ năm 2020, doanh nghiệp này đã phấn đấu chi trả tiền lương PCVN tiệm cận mức chi trả đối với PCNN (tối đa 90%). PCNN được thuê qua dịch vụ của công ty cung ứng nhân lực khác và chi phí nhân công của một PCNN bao gồm lương, phí dịch vụ, bảo hiểm, đào tạo,.., chưa nêu rõ được tiền lương bình quân thực tế của PCNN.

Do đó, để có cơ sở xác định việc bổ sung tiền lương trả thêm cho PCVN, Bộ Nội vụ đề nghị bổ sung vào dự thảo tờ trình Chính phủ làm rõ tiền lương bình quân thực tế của PCNN tại Vietnam Airlines và trên thị trường lao động hiện nay, thu nhập bình quân (gồm tiền lương và tiền thưởng) của PCVN theo Nghị định số 87/2021 và Nghị định số 20/2020.

* Tổng số lao động làm việc cho Vietnam Airlines năm 2022 là 6.028 người, trong đó có 4.417 người do hãng bay trả lương từ quỹ tiền lương theo đơn giá khoán và 152 PCNN ký hợp đồng với đối tác cung ứng nhân lực.

* Tổng quỹ tiền lương theo đơn giá năm 2022 của Vietnam Airlines gần 1.700 tỷ đồng, mức tiền lương bình quân của phi công Việt Nam là 85 triệu đồng/tháng, tiếp viên và lao động chuyên môn còn lại là 19,5 triệu đồng/tháng./.

Võ Thị Phương Thủy (tổng hợp)