Biết bao người đi không về...
Văn hóa - Ngày đăng : 13:15, 07/06/2023
“Đại Lộc tôi về/ đường lên Thượng Đức bức tường núi cao/ Người xưa chinh chiến giờ trong tượng đài/ Đại Lộc tôi về đường qua thung lũng bên dòng Vu Gia/ Ai sang Hà Tân/ ai qua Đại Hồng/ Đại Lộc tôi về/ tuổi trẻ của tôi màu xanh áo lính/ vương khói đạn bom sốt rừng da xám/ Người em Ái Nghĩa năm nào quen nhau/ làm sao quên được thời gian phai màu…”.
Đấy là mấy câu thơ cũng là lời ca khúc đầy cảm động của nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha sau khi anh cùng chúng tôi về thăm Thượng Đức, nơi đây một thời nhà thơ đã sống và chiến đấu với bao đồng đội một thời thanh xuân. Một ca khúc hay về Đại Lộc ra đời bằng chính máu và nước mắt của “màu xanh áo lính/ vương khói đạn bom sốt rừng da xám” ở chiến trường này...
Trên chuyến xe về Thượng Đức hôm đó, Phó Chủ tịch huyện Đặng Hồng Kỳ đưa nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thậm và tôi về thăm tượng đài này. Với tôi, mỗi lần về thăm quê luôn mang theo nhiều kỷ niệm của tuổi thơ mình. Những bến sông, bờ dâu, bãi mía, những chuyến đò mỗi ngày từ bến Vu Gia, Đại Hồng ngược sông lên chợ Hà Tân từ sáng tinh mơ một thời mẹ tôi buôn gánh. Lần này không như bao lần trước, một cảm giác khác lạ bồi hồi xúc động hơn khi trở về thăm quê mình cùng với nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, người lính thông tin ở chiến trường này trong những năm chống Mỹ cứu nước. Tượng đài chiến thắng Thượng Đức, thuộc xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, Quảng Nam, nằm ở vùng ngã ba sông Côn gặp sông Vu Gia, cách Đà Nẵng chừng 45 km về phía tây nam…
Trên đường đi biết bao nhiêu chuyện kể về cứ điểm này, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha nhớ lại, đây là cánh cửa thép bất khả xâm phạm, một điểm chiến lược dễ thủ khó công, là chỗ dựa, là căn cứ của quân lực Việt Nam Cộng hòa. Nơi đây dễ dàng quan sát và đánh phá đường tiến quân của Quân Giải phóng từ Bắc vào Nam dọc đường Trường Sơn. Hơn nữa, đây còn là tiền đồn chiến lược bảo vệ căn cứ quân sự và sân bay Đà Nẵng. Nhiều câu chuyện xúc động về những người chiến sĩ vừa tròn 20 tuổi đã nằm lại vĩnh viễn tại mảnh đất này. Quân lực Sài Gòn xây dựng tại đây hệ thống 35 lô cốt lớn và hầm ngầm bằng bê tông cốt thép hai tầng, hàng trăm lô cốt tiền duyên, ụ súng nửa chìm, nửa nổi. Tất cả mọi hoạt động khi xảy ra tác chiến đều ở dưới mặt đất nên rất khó phát hiện mục tiêu. Ngày đó, Tỉnh trưởng Quảng Nam khẳng định chắc nịch đây chính là “cánh cửa thép bất khả xâm phạm”…
Khi xe vừa đến chợ Hà Tân, tôi lại nhớ mẹ tôi. Nhớ mẹ gầy gò mảnh khảnh, hằng ngày gánh đôi gánh đầy mủng thúng, mắm muối dầu chè lên chợ bán buôn trong tiếng đạn bom ở ngã ba sông này. Phó Chủ tịch Đặng Hồng Kỳ là người cùng làng với tôi đang nhớ lại năm tháng ấy: “Biết bao chiến sĩ, bà con làng mình đã hy sinh trong trận đánh này. Thấm thoắt mới đây thôi mà đã gần 50 năm trôi qua, một quảng thời gian đủ để cho những người đi ra từ trong kháng chiến và lớp thanh niên trong thời bình hôm nay suy ngẫm nhìn lại, cúi đầu tri ân trước sự hy sinh cao cả của biết bao anh hùng liệt sĩ, thương binh, những người có công cách mạng, trong đó có nhiều người là đồng đội của nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha từ Bắc vào đây chiến đấu và vĩnh viễn nằm lại với mảnh đất này”.
Tôi đã gần gủi với nhà thơ Nguyễn Thụy Kha suốt bao năm, đây là lần đâu tiên đứng lặng nhìn anh khóc, nước mắt chảy dài trên khuôn mặt của người nghệ sĩ giữa hoàng hôn đầy xúc động. Ngày còn là lính thông tin, Nguyễn Thụy Kha chưa tròn 30 tuổi, bây giờ sau gần 50 năm đặt chân trở lại đất này, lòng anh quặn thắt nhớ thương. Nhà thơ rót rượu mời thăm đồng đội của mình và nhớ lại một thời oanh liệt tuổi hai mươi bằng những câu thơ viết vội dưới chân tượng đài này: “Ngót nửa thế kỷ qua/ gặp lại trong không gian bao la/ những đồng đội nói cười thuở ấy/ Những đồng đội trẻ măng như thiên sứ vậy/ giờ đã vô hình trong tưởng nhớ lòng tôi” (Trở lại Thượng Đức).
Những câu thơ cứ bồn chồn, thôi thúc “nhớ về một thời xa xưa/ biết bao người đi không về/ nằm lại ven bờ sông ấy/ thành hoa nở đẹp làng quê” (Hoa ven sông - Nguyễn Ngọc Hạnh). Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha liên tục nhớ lại chiến trường xưa, nơi tình đồng đội một thời lửa đỏ: “Chẳng hẹn nhau chúng tôi vẫn gặp nhau/ Nơi diệt biệt động quân Nông Sơn, Trung Phước/ Nơi vây chặt lính dù trước Chi khu Thượng Đức/ Chẳng hẹn nhau chúng tôi vẫn gặp nhau/ Đường chúng tôi đi đến ngàn ngàn trận đánh/ Có điệp khúc làm cầu nối giữa những chiến công”.
Trên đường về Ủy ban huyện, chúng tôi được Chủ tịch Lê Văn Quang đón tiếp và trò chuyện về những năm tháng chiến tranh ở vùng quê Đại Lộc với biết bao hy sinh, mất mác của người dân quê tôi. Vậy mà giờ đây Đại Lộc đã thay da đổi thịt, đang trên đà phát triển từng ngày, mang lại ấm no hạnh phúc cho từng người dân, góp phần dựng xây đất nước. Cũng nhân dịp này, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha đã tặng Chủ tịch Lê Văn Quang bài thơ Trở lại Thượng Đức bản chép tay của anh để lưu lại với di tích này.
Sau khi về Hà Nội, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha gọi vào tôi, anh cho biết là anh đang ngồi với Thái Chí Thanh, người đồng đội năm xưa, là đặc công của sư đoàn 304 trong trận Thượng Đức ngày ấy. Hai người bạn một thời lửa đạn gặp nhau kể lại chiến trường xưa và nhắc nhiều về kỷ niệm về một thời chiến tranh khốc liệt ở vùng đất này. Các anh nhắc đến tiểu thuyết Thượng Đức của nhà văn Nguyễn Bảo, một người lính đã có mặt tại chiến trường khu V, ông lại là người được trực tiếp tham gia chiến dịch Thượng Đức với nhiều nhân vật và chi tiết xúc động. Hai anh đã ôm nhau khóc và uống cạn phần rượu còn lại mà nhà thơ Nguyễn Thụy Kha đã tưới lên bát hương khi đến thăm đồng đội tại Di tích lịch sử vùng quê ở thượng nguồn sông Vu Gia quê tôi…
Và, cũng từ cảm xúc sâu lắng trong chuyến đi đầy kỷ niệm này, ca khúc Đại Lộc tôi về được ra đời bằng chính tình đồng đội, tình yêu quê hương của nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, một nhạc sĩ tài danh của đất nước, một tự điển sống của nền âm nhạc Việt Nam. Thật vui và bất ngờ, mùa xuân năm nay người dân quê tôi có thêm một ca khúc hay về mảnh đất và con người Đại Lộc của nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, người lính năm xưa trên chiến trường Thượng Đức…