Bà Rịa - Vũng Tàu: 30 năm dệt những gấm hoa
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:00, 10/12/2021
Bà Rịa - Vũng Tàu có vị trí thuận lợi, cửa ngõ của các tỉnh miền Đông Nam Bộ hướng ra biển Đông, tài nguyên thiên nhiên lại phong phú, đa dạng
Ba thập kỉ trước, khi tỉnh BR-VT mới thành lập, khi đó cơ sở hạ tầng nơi đây còn nghèo nàn, thu nhập người dân thấp, hạ tầng giao thông cũng chưa phát triển. Thế nhưng, vùng đất này được thiên nhiên ưu đãi, từ khí hậu trong lành, ấm áp quanh năm, vừa có núi rừng, vừa có biển tạo nên cảnh quan hữu tình. Người dân văn minh, nghĩa tình khởi nguồn từ những năm tháng họ đi lập làng, lập ấp. BR-VT lại nằm ở vị trí thuận lợi, cửa ngõ của các tỉnh miền Đông Nam Bộ hướng ra biển Đông, tài nguyên thiên nhiên lại phong phú, đa dạng, đây là điều kiện thuận lợi để phát triển nhanh và toàn diện các ngành kinh tế cũng như việc giao lưu, thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Cơ sở hạ tầng vững vàng và rộng mở
Nhắc đến những thay đổi lớn, có sức ảnh hưởng nhất ở BR-VT phải kể đến các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng. BR-VT đã khai thông, mở rộng, xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông hoàn chỉnh ở cả đô thị và nông thôn.
Phú Mỹ ngày nay không còn là mảnh đất của 30 năm trước nghèo nàn, lạc hậu mà đã trở thành đô thị gắn với thế mạnh công nghiệp, cảng biển
Bắt đầu từ việc mở đường giao thông, coi trọng quy hoạch phát triển bán đảo Gò Găng - Long Sơn, cảng nước sâu Bến Đình và cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, phát triển khu công nghiệp ven cảng biển, cận sông. Với định hướng xây dựng Phú Mỹ trở thành đô thị công nghiệp - dịch vụ nối liền với TP. HCM, Đồng Nai và miền Đông Nam Bộ. Ngày nay, Phú Mỹ không còn là mảnh đất của 30 năm trước nghèo nàn, lạc hậu mà đã trở thành đô thị gắn với thế mạnh công nghiệp, cảng biển. Trong tương lai gần, nơi đây sẽ trở thành một đô thị thông minh, với cơ sở hạ tầng vững chắc, xanh tươi, nhiều hứa hẹn.
Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải sẽ phát triển ngang tầm khu vực vào năm 2030 và trở thành một đầu mối cảng biển đẳng cấp thế giới vào năm 2045
Tiếp nữa là, cầu Gò Găng nối liền TP. Vũng Tàu với bán đảo Long Sơn; cầu Cửa Lấp nối TP. Vũng Tàu qua Long Điền, huyện Đất Đỏ; khu du lịch biển Long Hải được nối thông với con đường đẹp ven biển từ Long Hải qua Hồ Tràm, Hồ Cốc, Bình Châu… là những minh chứng rõ nét. Con đường nên thơ bên rừng, bên biển chạy dài tới Bình Thuận, kết nối Vũng Tàu với các tỉnh miền Trung là con đường du lịch hấp dẫn và đáng trải nghiệm. Cùng với đó là đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu để việc di chuyển từ Vũng Tàu đến các tỉnh miền Đông nhanh và thuận tiện hơn, rồi dự án cầu Phước An,... đều góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy phát triển du lịch và kinh tế của BR-VT.
Bên cạnh việc chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư, nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh BR-VT cũng rất coi trọng việc bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển bền vững. Còn nhớ thời điểm 2015 - 2016, tỉnh đã buộc Nhà máy dệt nhuộm của Công ty Mei Sheng Textiles Vietnam phải di dời xưởng nhuộm vì đơn vị này đã xả nước thải trong quá trình nhuộm ra hệ thống thoát nước mưa xuống hồ Đá Đen, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Bằng sự cương quyết của chính quyền khi ấy, hôm nay, hồ Đá Đen vẫn giữ được dòng nước xanh trong, là nguồn cung cấp nước chủ yếu cho tỉnh BR-VT. Nhiều năm qua, định hướng thu hút đầu tư có chọn lọc, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường của BR-VT đã nhận được sự đồng thuận, tin tưởng của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Du lịch - Những tiềm năng được đánh thức
Phát triển du lịch, BR-VT không chỉ gói gọn việc khai thác lợi thế các bãi biển ở TP. Vũng Tàu, mà các địa phương khác trong tỉnh cũng được đánh thức, khơi nguồn.
Phát triển du lịch, BR-VT không chỉ gói gọn việc khai thác lợi thế các bãi biển ở TP. Vũng Tàu, mà các địa phương khác trong tỉnh cũng được đánh thức, khơi nguồn
Trong đó phải kể đến huyện Xuyên Mộc - một huyện nằm ở phía Đông Bắc tỉnh BR-VT. Nơi đây được thiên nhiên ưu ái ban tặng tài nguyên đa dạng cả rừng và biển, ngoài dải bờ biển dài 32km, bãi biển duy nhất cả nước được bao quanh bởi rừng nhiệt đới nguyên sinh. Cùng với đó lại có suối khoáng nóng Bình Châu - nơi rất thích hợp để phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chữa bệnh. Ngoài điều kiện tự nhiên thuận lợi, thì nơi đây cũng ghi dấu nhiều di tích lịch sử như: di tích Bia tưởng niệm Tàu không số gắn với con đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại, chùa Bảo Tích, di tích Vòng thành Đá trắng mang đậm nét kiến trúc Chăm pa cổ. Xuyên Mộc đã tận dụng hết được những lợi thế của mình, tăng trưởng du lịch của địa phương này luôn được duy trì liên tục ở mức cao, cùng với đó, có nhiều sự án lớn với sản phẩm chất lượng cao, gắn với du lịch ven biển, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, với các khu lưu trú đẳng cấp như: Khu du lịch Sài Gòn Bình Châu, HoTram Beach Resort, Minh Trí, Sanctuary, Viễn Đông, Hồng Hà, Gió Biển, Sông Ray TPC, Sài Gòn Hồ Cốc, Hương Phong, Camelina, Melia Ho Tram, e Grand Ho Tram Strip và KDLVietsovpetro...
Nhắc đến huyện đảo Côn Đảo, nơi đây không còn là nỗi ám ảnh, không còn mang tên gọi “địa ngục trần gian” đầy khiếp sợ nữa. Ngày nay, Côn Đảo đã được trả về đúng với một hòn đảo trong xanh, đẹp đẽ và quyến rũ như bao hòn đảo ngọc khác. Khi Côn Đảo được Chính phủ quy hoạch là Khu du lịch quốc gia, thì giai đoạn 2021 - 2025, Đảng bộ huyện định hướng đưa nơi đây trở thành KDL sinh thái biển đảo và văn hóa - lịch sử - tâm linh chất lượng cao, đặc sắc tầm cỡ khu vực và quốc tế với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có thương hiệu, sức cạnh tranh cao, mang đậm đặc trưng văn hóa truyền thống. Cùng với đó, sân bay Cỏ Ống được nâng cấp, cảng Bến Đầm cũng đang kêu gọi đầu tư các chuyến tàu cao tốc mới để tăng cường kết nối Côn Đảo với các tỉnh thành trong nước và quốc tế.
Nông nghiệp thông minh, khởi sắc
Vẫn là chăn nuôi, trồng trọt,… cái nghề bao đời của một nước nông nghiệp, nhưng người nông dân ở Xuyên Mộc, Long Điền, Đất Đỏ, Châu Đức… đã ứng dụng công nghệ thông minh vào việc trồng rau thủy canh, đủ các loại rau xanh mướt, không bùn đất, sạch sẽ, ít sâu bệnh và đảm bảo chất lượng an toàn đến tay người tiêu dùng. Hay việc gắn chip cho gà - gắn thẻ in mã vạch truy xuất nguồn gốc, với phương pháp nuôi an toàn, không sử dụng chất cấm, cám tăng trọng,… đáp ứng nhu cầu thị trường với nguồn thu nhập ổn định cho người dân.
Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Bằng thế mạnh vốn có của vùng đất ven biển, bằng sự cần cù, ham học hỏi, người dân đã tự thay đổi, tìm tòi những ưu điểm riêng để phát triển kinh tế trên chính mảnh đất còn nghèo khó của mình. Ngoài những mô hình nuôi cá, tôm,… thì những mô hình trồng hoa lan, trồng lúa VietGAP, sản xuất bánh tráng,… cũng tạo nên thương hiệu và tên tuổi riêng. Rồi gắn nông nghiệp với phát triển dịch vụ, du lịch, tăng cường liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Những vùng nông thôn ấy nay khang trang, đẹp đẽ, rộn ràng cả những con đường ngõ nhỏ.
Những nhà giàn vững vàng nơi đầu ngọn sóng
Để đảm bảo chủ quyền biển đảo và thềm lục địa của Tổ quốc, cách nay hơn 30 năm, Chính phủ đã giao cho Bộ Quốc phòng tiến hành khảo sát và thiết kế xây dựng hệ thống nhà giàn trên các bãi đá san hô ngầm. Trong suốt hơn bao mươi năm ấy, những nhà giàn tiếp nối từ DK1/1, DK1/3, DK1/4... đến DK1/21 được dựng lên ở các bãi Huyền Trân, Quế Đường đến Cà Mau, sừng sững, vững chãi giữa biển khơi.
Nhà giàn DK1 còn là chỗ dựa vững chắc cho bà con ngư dân vươn khơi, bám biển, cung cấp rau xanh, nước ngọt, muối ăn, gạo, và cả thuốc men,… cứu trợ ngư dân gặp nạn trên biển
Những chiến sĩ, cán bộ đã không ngại khó khăn, gian khổ và hi sinh để trực chốt bảo vệ chủ quyền biển đảo, nhà giàn DK1 còn là chỗ dựa vững chắc cho bà con ngư dân vươn khơi, bám biển, cung cấp rau xanh, nước ngọt, muối ăn, gạo, và cả thuốc men,… cứu trợ ngư dân gặp nạn trên biển.
Nơi những nhà giàn đầy nắng và gió ấy, mùa nào trong năm cũng ngập tràn sắc xanh của vườn rau, những bông hoa nhỏ, thắm rực lên giữa cái mặn mòi của biển khơi, rồi tiếng kêu của những chú lợn, gà, vịt như thanh âm yên bình của cuộc sống giữa bao la sóng nước.