Logistics và câu chuyện chuỗi cung ứng xuất khẩu hàng hóa
Thương hiệu - Giao thương - Ngày đăng : 12:22, 12/06/2023
Câu chuyện vải thiều Bắc Giang
Nông dân Bắc Giang đang vào chính vụ vải thiều năm 2023 với tâm lý tin tưởng hơn. Nếu như những năm trước, dù chất lượng sản phẩm tốt song do thiếu sự liên kết nên không ít hộ nông dân phải đưa vải đến các điểm cân, giá bán phụ thuộc vào thị trường thì năm nay họ yên tâm hơn khi có doanh nghiệp cùng đồng hành. Thông qua liên kết, người làm vải sẽ yên tâm tập trung sản xuất, bảo đảm chất lượng sản phẩm. Câu chuyện liên kết “4 nhà” chúng ta từng nghe hàng chục năm trước, bây giờ mới nhận diện ra trên những đồi vải của nông dân ở Bắc Giang.
Liên kết bốn nhà trong nông nghiệp là sự liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp và nhà khoa học dưới sự hỗ trợ, chỉ đạo của nhà nước nhằm gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững. Đây được xem là xu thế phát triển tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại, hình thành nên chuỗi giá trị. Nhưng trên thực tế, sự phối hợp giữa "4 nhà" lâu nay mới dừng trên văn bản. Điệp khúc “được mùa, rớt giá” luôn làm cho mồ hôi người nông dân, các chủ vườn, chủ vựa... mặn chát thêm.
Năm nay, điều kiện nhiệt độ, ẩm độ phù hợp với thời kỳ phân hóa mầm hoa nên tỷ lệ vải ra hoa cao, sản xuất vải diễn ra thuận lợi. Vải ra hoa, đậu quả non, tỷ lệ hơn 90%; vải chính vụ tỷ lệ ra hoa đạt hơn 85%. Vải chín sớm đã chuẩn bị được tung ra thị trường. Với việc duy trì 29,7 nghìn ha, sản lượng năm nay của Bắc Giang ước đạt 190 - 200 nghìn tấn, tương đương năm 2022.
Năm 2022, vải thiều tiêu thụ khá thuận lợi, hơn 40% sản lượng được xuất khẩu, trong đó có nhiều thị trường mới tại một số nước thuộc EU và Trung Đông. Mặc dù vậy, do thời gian thu hoạch quả vải ngắn, thiếu liên kết nên tại một số thời điểm giá thu mua thấp, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân; nhiều diện tích đã được cấp mã vùng trồng song do không tuân thủ đúng yêu cầu nên sản phẩm không đủ điều kiện xuất khẩu, thậm chí phải “quay đầu”.
Rút kinh nghiệm về tổ chức chuỗi cung ứng, năm 2023, các địa phương ở Bắc Giang và người trồng vải đã sớm kết nối, tìm đầu ra. Điển hình nhóm hộ sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn GlobalGAP tại thôn Chão, xã Giáp Sơn (Lục Ngạn) đã ký hợp đồng liên kết, bao tiêu quả vải với Công ty TNHH Phát triển thương mại và dịch vụ Phúc Lâm (TP. Hà Nội). Theo đó, vụ vải thiều năm nay, doanh nghiệp này hỗ trợ sản xuất, thu mua toàn bộ sản lượng vải thiều của 13 hộ trong nhóm với giá ổn định. Doanh nghiệp gắn thẻ cho từng cây vải, đồng thời hỗ trợ các hộ kỹ thuật chăm sóc, bảo đảm cho sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất.
Để tăng giá trị của vải thiều, rộng đường xuất khẩu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang xác định cấp mới mã số vùng trồng cây ăn quả nói chung, vải thiều nói riêng. Ngành tập trung hoàn thiện hồ sơ, đề nghị cấp mới 15 mã xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, 9 mã đi Australia, 2 mã đi Hoa Kỳ và 3 mã sang Thái Lan.
UBND tỉnh Bắc Giang cũng chủ động làm việc với Tham tán thương mại một số nước như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc để xuất khẩu vải thiều. Ngoài kế hoạch tổ chức hội nghị xúc tiến trực tiếp tại vùng vải sớm, Bắc Giang còn tổ chức hội nghị vừa trực tuyến, trực tiếp cho vải thiều chính vụ. Đồng thời, tổ chức các ngày hội trái cây ở các vùng gắn với du lịch trải nghiệm.
Chính sách “thời chuỗi giá trị”
Để tăng cường xuất khẩu hàng hóa, tận dụng lợi thế từ các FTA, ngày 19/4/2022 Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 493/QĐ- TTg phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030. Theo đó, quan điểm cho thấy có những yếu tố quan trọng.
Trước hết là, hài hòa về cơ cấu hàng hóa, cơ cấu thị trường và cán cân thương mại với từng thị trường, khu vực thị trường; hài hòa giữa các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn; hài hòa cơ hội tham gia và hưởng thụ thành quả tăng trưởng xuất nhập khẩu; gắn với thương mại xanh và thương mại công bằng, với bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu. Thứ hai, gắn với đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, phát triển nền sản xuất xanh sạch, bền vững, tuần hoàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nâng cao hàm lượng đổi mới sáng tạo trong sản phẩm xuất khẩu; xây dựng và phát triển thương hiệu hàng hóa Việt Nam xuất khẩu. Thứ ba, xuất nhập khẩu gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành và địa phương.
Bài học thành công và thất bại của xuất khẩu hàng hóa ở Việt Nam, nhất là nông sản đều dễ nhận diện ra ở các nội dung này. Bài học ở Bắc Giang cho thấy, không chỉ cam kết thu mua, doanh nghiệp còn hỗ trợ mở đường bê tông vào các khu vực sản xuất, giúp nông dân vận chuyển phân bón thuận lợi hơn. Tất nhiên, về mặt vĩ mô của quốc gia, chỉ riêng kết cấu hạ tầng, đội tàu chuyên dụng, kho lạnh...phức tạp hơn nhiều.
Chính vì thế, Quyết định số 493/QĐ- TTg khi nói về giải pháp, khẳng định các nội dung như nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, kho bãi, cảng biển, phát triển các loại hình dịch vụ logistics, giảm chi phí logistics, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong logistics. Đồng thời, phát triển đội tàu vận tải trong nước để chủ động khai thác thị trường vận tải trong và ngoài nước; có chiến lược kết nối giữa các loại hình vận tải đa phương thức.
Ngoài việc tháo gỡ khó khăn từ luật pháp, cơ chế chính sách trong nước, việc nghiên cứu, cập nhật các quy định, chính sách của nước ngoài cho thấy đều tác động và để lại nhiều bài học kinh nghiệm cho logistics trong hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.
Nền kinh tế Việt Nam, ngày càng mở, với các hiệp định FTA thế hệ mới, nổi bật là Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA càng cần liên kết./.