Hà Tĩnh xác định Logistics là một trong bốn ngành kinh tế trọng điểm
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 16:43, 12/06/2023
Tại cuộc gặp gỡ lãnh đạo các cơ quan báo chí gần đây, TS. Hoàng Trung Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho biết, từ đầu năm đến nay mặc dù gặp nhiều khó khăn sau thời kỳ "hậu COVID-19". Khó khăn dễ thấy nhất là trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp.
Theo đó, 3/4 nhóm ngành công nghiệp cấp 1 có chỉ số giảm so với cùng kỳ. Do kinh tế thế giới phục hồi chậm với chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn dẫn đến đơn hàng sản xuất giảm. Bên cạnh đó thị trường tiêu thụ trong nước của một số mặt hàng chủ lực khác như bia, sợi... gặp khó khăn. Riêng ngành sản xuất và phân phối điện có chỉ số tăng so với cùng kỳ, tạo điểm sáng cho hoạt động sản xuất công nghiệp, tuy nhiên sản lượng vẫn còn thấp do tổ máy số 1 nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I đến nay vẫn chưa khắc phục xong sự cố.
Tuy nhiên Hà Tĩnh thu được kết quả khá toàn diện cả về kinh tế, văn hóa, xã hội. Theo đó sản xuất nông nghiệp đạt kết quả khá; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 2,5%/năm. Điều đặc biệt là, Hà Tĩnh đã có nhiều thành công trong việc triển khai chuỗi liên kết sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn với nhiều mô hình, sản phẩm cụ thể. Phong trào xây dựng Nông thôn mới tiếp tục đặt được kết quả quan trọng. Đến nay, Hà Tĩnh đã có 177/181 xã đạt chuẩn nông thôn mới (tỷ lệ 98%). 50 xã đạt chuẩn nâng cao, 7 xã đạt chuẩn kiểu mẫu, 9/13 huyện, thành phố, thị xã đạt chuẩn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, có 217 sản phẩm OCOP.
5 tháng đầu năm 2023, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt gần 7.600 tỷ đồng, đạt 39% dự toán và bằng 82% cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy, Hà Tĩnh đã rất cố gắng, đồng thời phản ánh những khó khăn trong giai đoạn phục hồi kinh tế "hậu COVID-19".
Đặc biệt đầu năm 2023, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gắn với xúc tiến đầu tư. Tại sự kiện này, Hà Tĩnh đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 15 dự án/14 nhà đầu tư với số vốn đăng ký hơn 9.600 tỷ đồng, ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với 25 nhà đầu tư (gồm 33 dự án, quy mô 220.000 tỷ đồng).
Hà Tĩnh đã và đang rộng cửa đón các nhà đầu tư. Điển hình của dự án đầu tư phải kể đến, Nhà máy Sản xuất Pin VinES với tổng vốn trên 3.684 tỷ đồng được triển khai vào thời điểm căng thẳng nhất của dịch COVID-19 (tháng 12/2021) hiện chạy thử thiết bị để chuẩn bị đưa vào vận hành; Nhà máy liên doanh Sản xuất Pin VinES - Gotion do một doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Vingroup hợp tác cùng Công ty Gotion Inc triển khai xây dựng vào tháng 11/2022, đang được đẩy nhanh tiến độ.
Theo đại diện Tập đoàn Vingroup, Nhà máy Sản xuất Pin VinES và Nhà máy liên doanh sản xuất Pin VinES - Gotion là bước đi quan trọng trong thực hiện chiến lược pin “3 chân kiềng” của Vingroup: mua pin từ các nhà sản xuất tốt nhất thế giới - hợp tác với đối tác để sản xuất các pin tốt nhất thế giới - tự nghiên cứu và phát triển sản xuất pin.
Theo Bí thư Tỉnh ủy, TS. Hoàng Trung Dũng, hiện khu kinh tế Vũng Áng đã có 153 dự án đầu tư trong và ngoài nước, giải quyết việc làm cho 20.000 lao động. Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo hiện cũng đã có 27 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký gần 2.200 tỷ đồng và có 128 doanh nghiệp đang hoạt động.
Quý I/2023, Hà Tĩnh đón nhận tin vui khi Công ty cổ phần Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) đã có báo cáo và đề nghị tỉnh hỗ trợ một số nội dung nhằm đẩy nhanh tiến độ để ký kết biên bản ghi nhớ và triển khai các thủ tục liên quan dự án khu công nghiệp - đô thị và dịch vụ (huyện Thạch Hà). Dự án có tổng vốn khoảng 7.529 tỷ đồng, sẽ hình thành khu công nghiệp với các ngành công nghiệp nhẹ, công nghệ cao; khu đô thị dịch vụ quy hoạch đất ở hỗn hợp và hình thành trung tâm thương mại, y tế, trường học...
Để có thể "rộng cửa" đón các nhà đầu tư, Hà Tĩnh đã và đang đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Nhờ vậy năm 2022, chỉ số CPI xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố, tăng 9 bậc; chỉ số PAX INDEX xếp thứ 28 toàn quốc; các chỉ số về hành chính khác đều xếp thứ hạng trong nhóm đầu của khu vực Bắc Trung bộ và cả nước.
Hà Tĩnh đưa logistics trở thành trụ cột phát triển kinh tế, khai phá tiềm năng thị trường Lào, Thái Lan. Theo đánh giá của ông Bùi Văn Quỳ, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, Hà Tĩnh có nhiều tiềm năng phát triển cảng biển, vận tải biển, cơ sở hạ tầng, dịch vụ logistics không chỉ cho vùng Bắc Trung bộ, mà cả cho nước bạn Lào, Đông Bắc Thái Lan và phía Nam Trung Quốc.
"Trước đây, nhiều mặt hàng xuất nhập khẩu của Hà Tĩnh và Lào vẫn phải thông qua các cảng Hải Phòng, Cửa Lò, Đà Nẵng hay TP. Hồ Chí Minh do chưa có tuyến vận tải container đường biển qua Hà Tĩnh. Nhưng giờ đây, doanh nghiệp có thêm sự lựa chọn là cảng Vũng Áng Lào-Việt và dịch vụ container đường biển của Tân cảng Shipping, để thông quan hàng hoá", ông Bùi Văn Quỳ chia sẻ.
Hà Tĩnh đã và đang triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp, nhằm mục tiêu xây dựng Hà Tĩnh thành một trong những tỉnh phát triển của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung. Để trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2030, TS. Hoàng Trung Dũng cho biết, Hà Tĩnh đã xác định các định hướng lớn và đột phát triển. Theo đó, bốn ngành trọng điểm của Hà Tĩnh là công nghiệp luyện thép, công nghiệp hỗ trợ, chế biến sau thép và sản xuất điện; nông, lâm nghiệp và thủy sản; dịch vụ logistics và du lịch./.