Xuất nhập khẩu và "gánh nặng" chi phí logistics

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 09:55, 14/06/2023

Chi phí logistics bao gồm: lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, kho bãi, vận chuyển hàng hóa, thủ tục hải quan... chiếm tỷ lệ khá lớn trong tổng giá thành sản phẩm. Chi phí này càng tăng cao sẽ kéo theo giá thành hàng hóa tăng theo. Ở Việt Nam, chi phí logistics đang là “thách thức” không nhỏ đối với doanh nghiệp và hàng hóa xuất nhập khẩu hiện nay.

Điểm sáng

Logistics và xuất nhập khẩu là hai lĩnh vực liên quan mật thiết, không thể tách rời và mang tính tương hỗ cao. Trong khi xuất nhập khẩu là đưa hàng hóa ra thị trường quốc tế thì logistics là một chuỗi các hoạt động từ vận chuyển, kho bãi... nhằm đưa hàng hóa từ người bán đến người mua.

dock-cranes-loading-containers-trade-port-shipping-compressed.jpeg

Những năm qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng logistics phục vụ cho hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu.

Các hoạt động đào tạo, ứng dụng công nghệ nhằm hỗ trợ tích cực cho ngành dịch vụ logistics. Số lượng các trường, viện, cơ sở tham gia đào tạo về logistics ngày càng tăng. Các chương trình đào tạo được nâng cấp theo hướng chuyên sâu, chuyên nghiệp, nhiều giải pháp công nghệ được ứng dụng trong quản lý kho bãi, quản lý phương tiện, quản lý hàng hóa giúp hoạt động dịch vụ logistics được thực hiện tốt hơn, nhanh hơn. Nhờ vậy, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng ngành logistics Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực, có nhiều đóng góp vào các hoạt động kinh tế, trước hết là xuất nhập khẩu, đưa hoạt động xuất khẩu thành một điểm sáng trong nền kinh tế nước nhà.

Theo số liệu thống kê, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước năm 2022 đạt 730,2 tỷ USD, tăng 9,1% (tương ứng tăng 61,2 tỷ USD) so với năm 2021. Trong đó, trị giá xuất khẩu là 371,3 tỷ USD, tăng 10,5%, tương ứng tăng 35,14 tỷ USD so với năm trước; trị giá nhập khẩu là 358,9 tỷ USD, tăng 7,8%, tương ứng tăng 26,06 tỷ USD. Bước sang tháng 4/2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước ước đạt 27,54 tỷ USD. Tính chung 4 tháng đầu năm ước đạt 108,57 tỷ USD.

“Gánh nặng" chi phí logistics

Tuy vậy, hoạt động logistics của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa khai thác được lợi thế địa - kinh tế và chưa tương xứng với tiềm năng của mỗi địa phương. Nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam đang phải làm thay công đoạn của ngành logistics, đó là tự vận chuyển hàng hóa. Điều này sẽ làm tăng chi phí cho doanh nghiệp, trong khi ngành logistics Việt đang “đuối sức” cạnh tranh so với doanh nghiệp nước ngoài.

container-container-ship-import-export-business-logistic-compressed.jpeg

Chi phí logistics, đặc biệt là giá cước vận tải biển tăng cao gây khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu. Tình trạng đứt gãy, xáo trộn, ùn ứ cục bộ trong chuỗi cung ứng vận tải, đặc biệt là vận tải đường bộ, đường biển. Tiến độ triển khai thi công một số dự án kết cấu hạ tầng logistics còn chậm so với kế hoạch; công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là kết cấu hạ tầng đường bộ đôi lúc chưa kịp thời, đồng bộ.

Nếu chỉ tính riêng năm 2021, chi phí logistics tại Việt Nam chiếm khoảng 16,8% giá trị hàng hóa trong khi mức chi phí này trên thế giới hiện chỉ khoảng 10,6%. Có thể thấy, chi phí logistics đã và đang là “gánh nặng” trên vai các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu cho rằng, năng lực của ngành logistics Việt còn yếu nên nhiều khi có nguồn hàng lớn nhưng doanh nghiệp logistics Việt lại không đủ phương tiện, kho bãi... Vì vậy, doanh nghiệp trong nước buộc phải “làm ăn” với doanh nghiệp nước ngoài.

Ngoài ra, nhìn từ khía cạnh năng lực cạnh tranh thương mại thì xuất khẩu Việt Nam đang bị hạn chế nghiêm trọng bởi hạ tầng và dịch vụ giao thông yếu kém. Các hành lang kết nối trung tâm tăng trưởng với cổng giao dịch quốc tế yếu, chi phí vận tải cao, chất lượng dịch vụ vận tải và logistics kém là những yếu tố cản trở chính. Các phương thức vận tải hiện có, ngoài việc bị quá tải ở các trọng điểm kinh tế lớn, còn không thể liên kết có hiệu quả với các cửa ngõ quốc tế.

Quyết định Số 493/QĐ-TTg ngày 19/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 nêu mục tiêu: Xuất khẩu, nhập khẩu tăng trưởng ổn định, cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý.

• Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 6 - 7%/năm trong thời kỳ 2021 - 2030, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 tăng trưởng xuất khẩu bình quân 8 - 9%/năm; giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng bình quân 5 - 6%/năm.

• Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa bình quân 5 - 6%/năm trong thời kỳ 2021 - 2030, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 tăng trưởng nhập khẩu bình quân 7 - 8%/năm; giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng bình quân 4 - 5%/năm.

• Cân bằng cán cân thương mại trong giai đoạn 2021 - 2025, tiến tới duy trì thặng dư thương mại bền vững giai đoạn 2026 - 2030; hướng đến cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý với các đối tác thương mại chủ chốt.

Cần giảm thiểu áp lực chi phí logistics

Theo các chuyên gia ngành logistics, hiện nay một số chính sách, thủ tục về xuất nhập khẩu của nước ta đang là nguyên nhân khiến doanh nghiệp “hụt hơi”. Đơn cử như doanh nghiệp xuất khẩu đang gặp vướng mắc với quy định của hải quan cho phép hàng hóa vận chuyển chỉ có thể được đóng gói lại nhưng không được phép lắp đặt; số lượng hàng hóa đầu vào phải đúng với đầu ra... Những quy định này đang cản trở doanh nghiệp làm logistics với bên thứ ba. Ông Đinh Hữu Thạnh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Bee Logistics Việt Nam đề xuất, cần cải tiến quy định tại các kho ngoại quan hoặc các khu vực quản lý hải quan cho phép doanh nghiệp logistics có thể lắp đặt, gia công cũng như đóng gói, dán nhãn hàng hóa... vì đây là các hoạt động cơ bản mà các doanh nghiệp logistics trên thế giới đã làm từ rất lâu.

Trần Trình Lãm