Những thách thức trong xuất khẩu nông sản Việt
Nông nghiệp - Ngày đăng : 14:02, 15/06/2023
Những năm vừa qua mặc dù nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam gặp nhiều khó khăn, hoạt động xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng nặng nề đến mức kim ngạch xuất nhập khẩu nhiều nước đối mặt với tình trạng tăng trưởng âm, giao thương bị hạn chế... thì kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn đạt được những con số ấn tượng, trong đó nông sản vẫn là mặt hàng xuất khẩu nổi trội trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Đó cũng là thành quả trong sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương cũng như doanh nghiệp Việt đã nắm bắt mọi cơ hội để đưa hàng hóa ra thế giới.
Lợi thế và khó khăn trong xuất khẩu nông sản
Phát triển nông sản Việt Nam có nhiều lợi thế về sản xuất vì nước ta nằm trong vùng nội chí tuyến, đất đai, khí hậu phù hợp với nhiều chủng loại, giống cây trồng. Doanh nghiệp và nông dân cũng năng động, nhạy bén, biết tận dụng thời cơ trong xuất khẩu, chú trọng đến việc vận hành các khâu từ sản xuất - chế biến – tiêu thụ sản phẩm nông sản.
Ngoài ra, nông sản Việt Nam xuất khẩu sang 180 thị trường trên thế giới cũng gây được nhiều tiếng vang. Đặc biệt là những thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc... Việc phát triển khoa học công nghệ 4.0, đặc biệt là khoa học nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng tạo ra nhiều cơ hội cho nền nông nghiệp nước nhà trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu.
Bên cạnh những lợi thế thì nông sản Việt khi đưa ra thị trường quốc tế còn có nhiều hạn chế như xuất khẩu nhiều nhưng giá trị thấp; những mặt hàng điều, tiêu, cá tra, cà phê, đồ gỗ nội thất, gạo... về thứ hạng thì cao, nhưng giá trị xuất khẩu lại thấp.
Nông sản nước ta chủ yếu phụ thuộc hai thị trường là Trung Quốc và Hoa Kỳ nhưng chất lượng sản phẩm nông sản xuất khẩu chưa đồng đều, còn bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, truy suất nguồn gốc... Đặc biệt chúng ta cũng chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác của Việt Nam nên sức cạnh tranh yếu.
Xuất khẩu tháng 3/2023 cả nước đạt 29,7 tỷ USD, tăng 14% với 41/45 nhóm hàng có trị giá tăng so với tháng trước. Với kết quả này, quy mô hàng hóa xuất khẩu trong tháng tăng 3,66 tỷ USD so với tháng trước. Trong đó, tăng mạnh là các nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 974 triệu USD; hàng dệt may tăng 332 triệu USD; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 257 triệu USD; gạo tăng 223 triệu USD; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 183 triệu USD; giày dép các loại tăng 173 triệu USD; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 157 triệu USD; hàng thủy sản tăng 156 triệu USD.
Tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong quý I năm 2023 là 79,3 tỷ USD, giảm 11,8% và có 34/45 nhóm hàng giảm so với cùng kỳ năm trước.
(Nguồn: Tổng cục Hải quan)
Giải pháp giảm chi phí logistics trong xuất khẩu nông sản
Những thách thức về biến đối khí hậu, thiên tai, dịch
bệnh cũng tác động nhiều đến việc sản xuất, giá
trị cũng như chi phí nông sản. Trong đó, một vấn
đề không kém phần quan trọng là chi phí logistics
trong xuất khẩu nông sản.
Tại Việt Nam, chi phí logistics cho xuất khẩu nông sản trung bình chiếm tỉ lệ 20 -25%, cao hơn Thái Lan 6 %, Malaysia 12% và Singapore 300%. Do những vướng mắc về hạ tầng chưa đồng bộ, năng lực kho lưu chưa đáp ứng được yêu cầu, chuỗi cung ứng dịch vụ logistics hầu hết do các doanh nghiệp nhỏ thực hiện đơn lẻ từng khâu; dịch vụ logistics mới chỉ phát triển ở các thành phố lớn.
Vì vậy, để giảm chi phí logistics, thúc đẩy xuất khẩu nông sản thì việc xây dựng những nhà máy chế biến, kho hàng phải đầy đủ, vị trí phù hợp. Đặc biệt là việc xây dựng các trung tâm thu gom hiện đại, phân loại sản phẩm, đóng gói và bảo quản theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm thiểu được hư hỏng do vận chuyển, chất lượng sụt giảm.
Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ không đủ chi phí xây dựng kho lạnh. Vì vậy kho lạnh trong chuỗi cung ứng còn thiếu hụt so với nhu cầu, cước lưu kho cao, thậm chí phải đặt chỗ trước cả năm.
Để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu nông sản được tốt, thiết nghĩ Nhà nước cần có giải pháp hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, hệ thống bến cảng, rút ngắn thời gian vận tải, chi phí vận tải. Cơ quan hải quan cần hỗ trợ liên tục, kịp thời cho doanh nghiệp xuất hàng.
Cùng với đó là việc hỗ trợ người nông dân tìm ra giải pháp kết nối rộng rãi và bền vừng với các thị trường tiêu thụ để không xảy ra tình trạng “được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa”.
Doanh nghiệp nên xây dựng mở rộng các sàn giao dịch dịch vụ logistics, cần những hệ thống phần mềm, công cụ để hỗ trợ chủ hàng theo dõi hành trình chuyến hàng và tình trạng hàng hóa của mình.