Mong được làm biển khơi...
Văn hóa - Ngày đăng : 20:39, 15/06/2023
Tuyển tập “Hương Mùa Gió Lạ” chọn và giới thiệu 324 thi phẩm của 108 gương mặt thơ Việt Nam đương đại trên mọi miền Tổ quốc. Một ý tưởng đẹp, hay và giàu ý nghĩa nghệ thuật - không phải do một cơ quan báo chí xuất bản hay hội đoàn nào đề xuất và thực hiện mà đây là mong muốn của một nhóm nhà thơ nặng lòng với thơ Việt, bởi vậy trân quý vô cùng.
Nâng bản thảo tuyển tập thơ trên tay, tôi nghe tiếng sóng tri âm của 108 dòng sông gặp gỡ, 108 cơn mưa vốn cô đơn nay tụ hội trong một khung trời, 108 hải cảng vốn lơ thơ tàu đến tàu đi nay rộn ràng náo nức…
Sáng tạo nghệ thuật thường rất cô đơn. Bởi thế những tâm hồn nghệ sĩ luôn khát khao giao cảm với cuộc đời, với người tiếp nhận, đặc biệt với những ai “cùng hội cùng thuyền”, cũng bởi lí do đó, tuyển tập thơ này như một “ngày hội thơ ca” ấm áp nghĩa tình, các nhà thơ từ trăm phương trời về đây nâng chén tâm giao, nhìn vào “Đôi mắt thơ” của nhau đề từ hiểu người đến hiểu mình hơn. Mỗi thi phẩm trong tuyển tập này như một ngọn lửa nhỏ, cháy thầm trong câu chữ, các nhà thơ góp lửa rồi san sẻ lửa mang về. Tôi tin những ngọn lửa thơ phong phú, đa dạng, in đậm cá tính sáng tạo độc đáo này, sẽ còn sưởi ấm trái tim chúng ta thật dài lâu.
Thật khó mà nhắc hết, trích dẫn hết bao bài thơ của 108 tác giả! Tôi đành cầu Thần thi ca phù hộ cho những ngón tay vụng về, lật giở, để chạm đến một vài cái tên thân thương trong tuyển tập này, còn những gương mặt đáng yêu khác đành đợi chờ trong thương nhớ vậy.
Đó là hồn thơ đằm nữ tính của Bùi Kim Anh với “Suy từ”; Một tứ thơ lạ của Lê Nhật Ánh với “Ngày Thượng du”; Nguyễn An Bình với “Tháng 9 nhặt đi từng sợi tóc”; Bảo Bình buồn mà không bi lụy với “Người đàn bà với những mảnh ghép”; Nguyên Bình giấu sương khói Huế vào trong câu chữ với “Chìa khóa”; Lê Chí mạnh ở tứ thơ, sâu sắc trong suy tư với “Liễu”; Ca Dao độc đáo với “Vớt”; Trần Thị Bạch Diệp giấu biển khơi tâm tư vào không gian đồng hiện với “Một ngày trôi không từ biệt”; Kiều Giang nén những suy tư đậm màu triết học vào trong câu chữ mềm mại với “Bất chợt”; Hoàng Thị Bích Hà gửi giọng - màu - hương Huế vào trong bao thi ảnh với “Lời thương gửi Huế”; Lê Đình Hạnh có tứ thơ lạ, sau cái ngồ ngộ là một biển tâm tình phong kín với “Nửa bài thơ”; Song Hảo tài hoa với “Người đàn bà ngước mặt mùa đông”; Lê Văn Hiếu viết về cung bậc tình yêu cũ bằng một hình thức rất mới, với “Đừng khờ như một cơn bão”; Trần Thị Ngọc Hồng làm tôi nghẹn lòng với “Điệu buồn ai hát mênh mông”; Huỳnh Kim có cách viết trí tuệ với “Tôi gõ cánh cửa đêm Trừ tịch”; Nguyễn Thanh Hải với tôi là một bí mật qua bài “Bí mật”; Hồ Sĩ Bình có giọng thơ gân guốc, gần gũi với thể Hành trong bài “Sóng Sông Hàn”; Võ Thị Như Mai có cách viết hiện đại giấu bao điều lớn lao trong hình thức tươi non, nhẹ như không với “Phố”….
Còn rất nhiều bài thơ hay của nhiều cây bút tài hoa. Xin khất các bạn quý mến vào một dịp khác.
Có một danh ngôn nhiều người đã biết: “Có những điều lời nói thường không diễn đạt nổi phải nhờ đến văn xuôi. Có những điều văn xuôi không thể nói hết phải nhờ đến Thơ…” Thơ hay là thơ viết về nội dung không mới (tình yêu; tổ quốc; khát vọng; nỗi đau; niềm vui… của con người trước bi kịch lịch sử trước các thử thách thế sự - đời tư…) bằng một góc nhìn mới, bằng hình thức biểu đạt mới và đẹp. Với tiêu chí có tính cá nhân ấy, tôi đã gặp rất nhiều bài thơ hay trong "Hợp tuyển thơ" này: Mới và đẹp về hình thức nghệ thuật; nhân văn trong nội dung tư tưởng.
Điều thú vị hơn nữa, bên cạnh những phẩm chất thẩm mĩ thuộc về hình thức và nội dung kể trên, cá tính sáng tạo đặc sắc và âm vang văn hóa vùng miền còn tạo ra những vẻ đẹp riêng, nét “duyên” riêng cho những bài thơ hay ấy. Trong thực tế sáng tác và xuất bản thơ ào ạt đến phức tạp hiện nay, tuyển tập thơ “Hương Mùa Gió Lạ” ra đời sẽ chấp nhận thử thách của thời gian và của bạn đọc.
Theo đánh giá của riêng tôi: Từ sự tận tâm và nghiêm túc của Ban biên tập, sự nhiệt huyết của nhiều cây bút tài năng trên mọi miền tổ quốc, tuyển tập có số lượng bài hay, bài khá nhiều, đa giọng điệu, đa phong cách là những tiếng hát đẹp khắc khoải dành cho quê hương, tổ quốc, đặc biệt cho thân phận con người, trong bể dâu của lịch sử, của thân phận…. sẽ có một vị trí xứng đáng trên thi đàn và trong trái tim người yêu thơ.
Có lẽ cũng nói lên một chút về nhược điểm cần lưu ý cho những lần thực hiện tuyển tập sau này: Số lượng bài trung bình tuy không nhiều nhưng vẫn là những “hạt sạn” đáng tiếc; việc thích dùng một số từ ngữ cũ, mang sắc thái ngôn tình, từng xuất hiện nhiều, được các nhà thơ sử dụng từ xa xưa, tạo cảm giác sáo mòn, cùng làm giảm đi ít nhiều cái hay, cái đẹp của một số thi phẩm vốn có tứ thơ hay. Biết làm sao! Nhiều khi viên ngọc đẹp còn có vết!
Tôi thực sự vui mừng khi được đọc, được viết về "Hợp tuyển tập thơ" sang trọng này. Còn rất nhiều điều để viết về nó, nhưng một ngôi nhà đẹp sẽ còn đẹp hơn khi bạn bước vào và khám phá nó./.