Hy vọng người tiêu dùng Việt Nam sớm được ăn vải không hạt
Nông nghiệp - Ngày đăng : 14:30, 16/06/2023
Tháng 6, mùa vải thiều chính vụ chín đỏ các khu vườn đồi ở Bắc Giang, Hải Dương... Với sản lượng hơn 300 ngàn tấn, vải thiều đổ bộ thị trường.
Giá các loại vải thiều phổ biến ở mức 25.000-60.000 đồng/kg, tuỳ loại. Ở phân khúc cao cấp, dòng vải trứng Hưng Yên có giá lên tới 185.000 đồng/kg, vải u trứng trắng Thanh Hà 130.000-150.000 đồng/kg, vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường cao cấp giá dao động từ 60.000-100.000 đồng/kg.
Những ngày gần đây, trên thị trường xuất hiện loại vải thiều không hạt có tên “vải Ngọc”, giá bán lên tới 250.000-320.000 đồng/kg - mức giá đắt đỏ nhất so với giá các loại vải thiều hiện trồng ở nước ta.
Bà Ninh Thị Ty, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hồ Gươm (doanh nghiệp trồng vải thiều không hạt), cho biết, giá vải thiều không hạt bán tại vườn đã lên tới 170.000 đồng/kg.
Khi phân phối ra thị trường, vải Ngọc được đóng vào hộp theo trọng lượng khác nhau. Hộp đặc biệt giá 800.000 đồng/hộp (chỉ sản xuất 200 hộp), hộp 2kg giá 550.000 đồng/hộp, hộp 1kg giá 280.000 đồng/hộp và hộp 0,5kg giá 148.000 đồng/hộp.
Được biết vải thiều không hạt được trồng ở huyện Ngọc Lặc (Thanh Hoá). Sau 4 năm trồng, năm nay 12.000 cây vải thiều đã cho thu hoạch với sản lượng ước khoảng 20 tấn.
Vải được trồng theo quy trình VietGAP, GlobalGAP. Quả vải chín có màu đỏ rực, cùi mọng, giòn, vị ngọt. Đặc biệt, vỏ quả không bị cháy rám khi gặp nắng và dễ bảo quản.
Đây là giống vải nhập khẩu từ nước ngoài, được doanh nghiệp phối hợp với Viện Di truyền nông nghiệp chọn tạo, trồng thử nghiệm trên diện tích khoảng 30ha ở huyện Ngọc Lặc.
Ngày 13/6, 1,5 tấn vải thiều không hạt được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Anh. Ngoài ra, Công ty CP Tập đoàn Hồ Gươm cũng đang đàm phán để xuất khẩu sang Singapore, Canada...
Với thị trường nội địa, từ nay đến cuối tháng 6, vải thiều không hạt được bán ở các cửa hàng, siêu thị lớn tại Hà Nội và TP.HCM.
Năm 2019, Bắc Giang đưa giống vải thiều không hạt về trồng thử nghiệm tại xã Tân Sơn (huyện Lục Ngạn), với hơn 500 cây. Năm 2022, một số nhà vườn trồng vải ở Lục Ngạn (Bắc Giang) cũng thu hoạch vải thiều không hạt sau vài năm trồng thử nghiệm. Do sản lượng khá khiêm tốn nên nguồn vải không hạt không đáp ứng đủ nhu cầu.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Giang, vải thiều không hạt có nguồn gốc từ Trung Quốc. Mục đích trồng tại Lục Ngạn nhằm khảo nghiệm xem giống vải này có thích hợp với thổ nhưỡng tại đây không.
Năm 2022, vải thiều thu hoạch vụ đầu tiên. Theo đánh giá ban đầu, vỏ quả vải màu đỏ, dày, thuận lợi cho quá trình bảo quản lâu hơn; cùi vải dày không có hạt, ăn ngọt và thơm rất đặc trưng. Mẫu mã và trọng lượng quả vải thiều không hạt tương đương với vải thiều chính vụ ở Lục Ngạn.
Nếu thành công, vải thiều không hạt đặc biệt có lợi cho chế biến, bởi tỷ lệ cùi dày lại không có hạt, tiết kiệm được công đoạn tách hạt quả, lãnh đạo ngành NN&PTNN Bắc Giang cho hay.
Đại diện Sở NN-PTNT cho biết, do đang trong quá trình khảo nghiệm nên chưa thể đánh giá chính xác được năng suất cũng như chất lượng quả. Song, bước đầu thấy, những cây vải thiều không hạt trồng thử nghiệm tại xã Nam Sơn, Tân Sơn năm nay không cho nhiều quả như năm ngoái.
Cả mẫu mã và chất lượng vải thiều không hạt chưa đạt như vải thiều chính vụ. Tuy nhiên, đây mới là trồng thử nghiệm, cần vài năm đánh giá xem cây trồng có phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu, nếu thành công mới có thể nhân rộng quy mô vùng trồng.
Còn tại Thanh Hoá, tỉnh này dành hơn 1.000 ha để quy hoạch vùng trồng cây vải không hạt. Việc mở rộng diện tích bắt buộc phải tiến hành ở khu vực cách xa vùng trồng vải thông thường, tránh thụ phấn chéo.
Công ty CP Tập đoàn Hồ Gươm đã ươm 50.000 cây giống để chuẩn bị trồng cho vụ mùa tới. Đến năm 2030, sản lượng vải thiều không hạt cung ứng ra thị trường dự kiến đạt 800-1.000 tấn.
Với quả vải thiều không hạt, Bộ NN-PTNT lưu ý, cần tập trung vào công nghệ giống để nhân rộng mô hình lên quy mô sản xuất hàng hoá lớn, tiến tới phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu sang các thị trường cao cấp.