Troh Bư ôm vào lòng mình huyền thoại

Du lịch - Ngày đăng : 15:36, 25/06/2023

Không gian Troh Bư tràn ngập màu xanh của sự sống, là sự hài hoà đến từng chi tiết, dễ chịu... Ngoài cỏ cây, hoa lá, nơi đây có những khu tiểu cảnh mô phỏng đặc trưng văn hoá Tây Nguyên như nhà dài, nhà sàn, thuyền độc mộc, dàn cồng chiêng…
pv.jpg
Với tôi, gặp người là cái duyên “trời cho”.

Tình cờ, tôi được gặp Phạm Đức Hiền – đồng hương gốc Hà Tĩnh tại Khu du lịch Troh Bư. Hiền tuổi Canh Tý, rời quê hương Hương Khê, nơi nổi tiếng về Bưởi Phúc Trạch vào làm nhân viên Khu du lịch này đã 7 năm. Thời gian chưa nhiều, nhưng Hiền kể vanh vách về đa dạng sinh học, thảm thực vật của Khu du lịch Troh Bư. Với tôi, gặp người là cái duyên “trời cho”.

Huyền thoại Troh Bư

Khu du lịch sinh thái Troh Bư nằm ở địa phận Buôn Niêng, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, cách Buôn Ma Thuột hơn 10 km về phía Tây theo đường Nguyễn Thị Định (tỉnh lộ 1) đi Buôn Đôn. Lần đầu tiên, được đến đây, tôi bất ngờ, đến ngỡ ngàng. Bất ngờ khi được được lạc vào giữa một khu vườn cổ tích, hiện lên như một bức tranh giữa núi rừng Tây Nguyên. Tại bãi đỗ xe đã nhìn thấy chiếc cổng sơn màu đỏ cách điệu với dòng chữ Troh Bư, ngỡ rất bình dị. Hóa ra, càng tiến sâu vào Khu du lịch Troh Bư càng bị mê hoặc.

Đây là một vườn thực vật tư nhân, được xây dựng theo mục tiêu chính là bảo tồn các loài lan rừng tự nhiên Việt Nam vùng cao nguyên. Thế rồi, 10 năm trước, Khu du lịch Troh Bư được một ông chủ tư nhân, thế hệ 7X đầu tư một cách bài bản, chuyên nghiệp. Troh Bư giờ đây là khu vườn cảnh đẹp nhất ở vùng Tây Nguyên. Trong tiếng Ê đê, “Troh Bư” có nghĩa là “Lũng cá lóc đá”, gắn liền với một câu chuyện truyền thuyết của người Tây Nguyên xưa.

Troh Bư giấu vào lòng mình một huyền thoại. Huyền thoại kể rằng ngày xưa, tại vùng đất nọ có một lần Giàng làm khô hạn, mấy năm liền không cho một giọt mưa. Đất đai nứt nẻ không còn trồng trỉa được, người dân trong làng phải đi rất xa mới tìm được nước dưới những lòng suối sâu. Một sáng nọ, họ thấy trước mặt có một vùng cây xanh tốt, mọi người cùng nhanh chân bước. Đến nơi, họ thấy đó là một khu rừng đất đai màu mỡ, cây cối tốt tươi. Lúc ấy, trời đã quá trưa, họ dừng chân ở một nguồn suối nhỏ bên một thung lũng lấp xấp nước, trong lúc tìm cái lót dạ, họ phát hiện ra trong thung lũng kia có rất nhiều cá lóc sinh sống.

Mọi người lấy làm vui mừng, cùng nhau be bờ, tát cá. Khi nước cạn, cá như từ dưới đất chui lên, bắt mãi mà chẳng hết. Rồi đoàn người phát hiện quanh đó có rất nhiều những nguồn nước mạch chảy tự nhiên, mát ngọt; lại còn có cả một dòng suối lớn...Cho rằng Giàng đã giúp, cả làng quyết định dừng chân cúng tạ và việc lập buôn làng mới.

Họ đặt tên cho buôn mới là Buôn Niêng và gọi dòng suối chảy qua làng là suối Ea Nuôl, còn thung lũng đầy cá lóc suối đã nuôi sống lũ làng khi mới đến kia là Troh Bư.

Cách đây 10 năm, trên vùng đất ấy hình thành Khu du lịch Troh Bư. Khi chúng tôi đến Troh Bư thì đã hơn 14h00. Dù khá mệt bởi hành trình từ sáng, qua nhiều địa điểm ở Đắk Lắk, nhưng cảm nhận mình được bước vào một khu vườn diệu kỳ, hoang dã, tôi như khỏe lại và lặn lội, khám phá.

353637809_652310283462868_6035358242783847083_n.jpg
Trên vùng đất ấy hình thành Khu du lịch sinh tháo Troh Bư

Ý nghĩa ngoài sinh thái

Trong quá trình “lang thang” trong Khu du lịch sinh thái Troh Bư, tôi lân la làm quen, chuyện trò của anh chị em phục vụ. Trần Kim Vui, gốc Quảng Nam là một trong số đó. Vui kể, chị đã vào làm việc cho Khu sinh thái này đã 8 năm, lương 4,5 triệu đồng một tháng. “Dù thấp, nhưng em vui vì được làm việc ở đây. Em yêu thiên nhiên”, Vui, cởi mở.

Chị cho biết, trong việc tuyển dụng lao động, chủ đầu tư rất quan tâm đến việc nhận con em bà con dân tộc xã Ea Nuôl. Cùng làm việc với Vui, có 30 anh chị em, nhiều dân tộc khác nhau. Khi tôi trò chuyện với Vui, nhiều bạn trẻ quây quần xung quanh. Họ đều là những thanh niên trẻ. Tôi đã nói với họ về cảm xúc, không chỉ ở sự đầu tư bài bản, gắn với bản sắc văn hóa dân tộc, mà còn rất sạch sẽ. Gần như trên đường đi, từ khu vực này đến khu vực khác, du khách rất khó phát hiện ra một mẩu rác.

Ban đầu, Troh Bư là khu bảo tồn các giống lan rừng tự nhiên. Qua thời gian, nơi này đã phát triển thành một khu du lịch sinh thái với quy mô lên đến 7 ha. Tháng 3 “mùa con ong đi lấy mật” là thời gian trong năm hoa lan nở rộ, lý tưởng cho một chuyến ghé thăm Troh Bư, với những “tín đồ” của loài hoa vương giả này. Tháng 12 là thời điểm hoa dã quỳ khoe sắc đồng thời diễn ra các lễ hội đặc sắc.

Đến với Troh Bư, du khách có thể nghỉ lại ở các ngôi nhà sàn trong khuôn viên khu du lịch. Hệ thống Nhà sàn có thiết kế độc đáo, tối giản, gần gũi với thiên nhiên, tha hồ ngắm cảnh, ngắm sao trời và tận hưởng những làn gió mát rượi. Giường ngủ bằng gỗ pallet mang lại cảm giác mộc mạc, dân dã nhưng cũng cực kỳ thú vị.

- Anh rất tiếc, tuổi mình không còn trẻ để được hưởng “tuần trăng mật” ở Khu Troh Bư? Tôi nói vui với Phạm Đức Hiền.

- Đúng, vậy. Em cũng già mất rồi. Đức Hiền trả lời. Anh cho biết, trong Khu khu du lịch còn có các căn bungalow biệt lập, đảm bảo sự riêng tư và yên tĩnh tuyệt đối. Bungalow được chăm chút tỉ mỉ về đồ dùng, cách bài trí, đầy đủ các tiện nghi cần thiết cho việc nghỉ dưỡng.

Khi bước vào Khu du lịch, tôi bất ngờ ngay từ đầu với loài hoa màu xanh. Mùa này đang là mùa bướm Muồng Tây Nguyên. Từng đàn bướm đùa giỡn trên những chùm hoa đầy cảm xúc. Tôi đã hỏi Đức Hiền về các loại cây cỏ, thảm thực vật.

- Đa dạng lắm anh ơi. Loài hoa màu tím làm anh bất ngờ đấy chính là Mai xanh. Trong Khu sinh thái này, còn muôn vàn hoa. Ngoài Lan rừng, còn Ban trắng, Mai tứ quý, Nhất chi mai...Về thân gỗ, đặc biệt còn loại nhóm 1 như Cẩm lai, Hương, Cẩm xe, Mù u, Sa mu dầu...

Không gian Troh Bư tràn ngập màu xanh của sự sống, là sự hài hoà đến từng chi tiết, dễ chịu...Ngoài cỏ cây, hoa lá, nơi đây có những khu tiểu cảnh mô phỏng đặc trưng văn hoá Tây Nguyên như nhà dài, nhà sàn, thuyền độc mộc, dàn cồng chiêng…Đến với Troh Bư, hẳn nhiên sẽ thấy, việc chọn nhà đầu tư không chỉ lắm tiền, “trường vốn”, quan trọng hơn, phải là năng lượng văn hóa. Nhà đầu tư phải yêu sinh thái, nâng niu sự đa dạng vĩnh cửu của tự nhiên, văn hóa bản địa mới có thể làm nên Troh Bư.

Troh Bư không chỉ là nơi nghỉ dưỡng, tổ chức các hoạt động ngoài trời; hơn thế là khu “giáo cụ trực quan” về thực, động vật, về thiên thiên; các khu trải nghiệm về lao động... “Anh biết không, hằng năm các trường Phổ thông thường tổ chức cho học sinh đến đây. Các cháu được trải nghiệm các lao động như cấy lúa, trỉa hạt, bắt cá...và các hoạt động cộng đồng khác”. Phạm Đức Hiền chia sẻ.

356185303_242489568539320_5083980995033843331_n.jpg
Troh Bư gìn giữ nhiều giá trị vật thể và phi vật thể

Trước khi đến với Troh Bư, tôi đã qua thác Dray Sáp. Tôi lo lắng khi du khách hồn nhiên đốt lửa, nướng thức ăn, vệ sinh môi trường không ai thu dọn, nhắc nhở. Nghe tôi tâm sự, Phạm Đức Hiền nói: “Ở Troh Bư không có chuyện đó. Du khách đến bảo vệ sẽ kiểm tra, chỉ cho mang những thức ăn nhẹ, không cho mang rượu, các loại đồ uống có gas vào đây. Có thế mới giữ được”.

Bây giờ Tây Nguyên đang là đỉnh mùa khô. Đức Hiền cho biết, công tác chống cháy rừng, được đặt lên hàng đầu. “Không chỉ Khu du lịch mà chính quyền huyện Buôn Đôn và Công an tỉnh Đắk Lắk phối hợp rất tốt”, Phạm Đức Hiền cho biết.

Tôi chia tay Troh Bư trong dàn nhạc ve tháng 5 rộn rã. Cảm xúc tự hào, nâng niu./.

Ngô Đức Hành