Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Trung Quốc và dự Hội nghị WEF

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 21:18, 25/06/2023

Trưa nay (ngày 25/6), chuyên cơ chở Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã rời Hà Nội, lên đường thăm chính thức Trung Quốc và dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tại Thiên Tân.
img0952-1687684850167532743764.jpg
Lễ đón Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu Việt Nam tại sân bay quốc tế Bắc Kinh - Ảnh: VGP

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính lần này có ý nghĩa quan trọng. Trong đó sẽ tập trung vào tìm ra các biện pháp cụ thể để thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế thương mại, đặc biệt là giao lưu thương mại hàng hóa giữa biên giới hai nước, giữa các địa phương ngoài nước cũng như tìm cách tháo gỡ nhằm thúc đẩy triển khai các dự án hạ tầng lớn còn tồn tại giữa hai nước.

Chuyến thăm lần này của Thủ tướng cũng sẽ góp phần tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy việc tìm ra những giải pháp đối với những vấn đề còn khác biệt, trong đó có vấn đề trên biển.

Đồng thời tăng cường giao lưu giữa người dân, giữa địa phương hai bên, từ đó góp phần làm cho mối quan hệ hai nước ngày càng ổn định hơn thực chất hơn và bền vững hơn, góp phần vào hòa bình, ổn định hợp tác trong khu vực và trên thế giới.

Trong khi đó, Hội nghị của các nhà tiên phong lần thứ 14 của Diễn đàn kinh tế thế giới lần (WEF) tại Thiên Tân có quy mô lớn thứ hai sau WEF Davos (Thụy Sĩ). Hội nghị năm nay có chủ đề "Doanh nghiệp: Động lực của kinh tế toàn cầu". Tham gia Hội nghị có các nhà lãnh đạo Chính phủ và hơn 1.000 doanh nghiệp từ các nơi trên thế giới.

Thông qua hội nghị lần này, Việt Nam mong muốn quảng bá những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội, chuyển tải thông điệp lớn về mục tiêu, quan điểm, định hướng phát triển của Việt Nam; nắm bắt những vấn đề, xu thế mới của kinh tế thế giới, trao đổi về tư duy phát triển và quản trị ở tầm toàn cầu, khu vực và quốc gia.

Diễn đàn kinh tế thế giới được biết đến lần đầu tiên vào tháng 1/1971 khi một nhóm những doanh nghiệp hàng đầu châu Âu gặp nhau dưới sự bảo trợ của Ủy ban châu Âu và Hiệp hội Công nghiệp châu Âu. Người đứng đầu là ông Klaus Schwab - Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF.

Việt Nam và WEF có quan hệ từ năm 1989. WEF thường mời Việt Nam tham dự các Hội nghị thường niên tại Davos và các Hội nghị của WEF về Đông Á. Đặc biệt, đánh giá cao những thành tựu kinh tế ngoạn mục của ta, năm 2007 Chủ tịch WEF đã mời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự Hội nghị WEF Davos 2007. Chuyến đi của Thủ tướng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, mở đường cho một giai đoạn phát triển mới giữa ta và WEF.

Tại các Hội nghị tiếp sau đó của WEF, Việt Nam đều nhiều lần tham dự ở cấp cao (Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng dự WEF Đông Á 2007, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân dự WEF Đa-vốt 2009, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dự WEF Đa-vốt 2008, WEF Đông Á 2009 và WEF Đại Liên 2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự WEF Đông Á 2012).

Hiện tại, Việt Nam có 13 tập đoàn/ tổng công ty lớn là thành viên của WEF, trong đó có Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, VinaCapital, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT), Tổng công ty Xuất nhập Khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), Tập đoàn Bảo Việt, Tổng Công ty Cổ phần Xây dựng số 1 (Cofico), Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (SIG), Tập đoàn FPT, Công ty Cổ phần Sovico (Sovico Holdings), Tập đoàn Tân Tạo, Tập đoàn Viettel, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigon Tourist), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự các phiên họp quan trọng của Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của WEF; có các cuộc gặp song phương với Chủ tịch Điều hành WEF Klaus Schwab cũng như lãnh đạo nhiều nước và tổ chức quốc tế. 

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ dành thời gian gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam ở Trung Quốc; gặp gỡ nhân sĩ, trí thức hữu nghị; dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam- Trung Quốc...

Nguồn: Tổng hợp

Thành Nam (tổng hợp)