Trung tâm xúc tiến đầu tư phía Nam hỗ trợ tỉnh Bình Thuận thu hút các nhà đầu tư
Toàn cảnh Kinh tế - Ngày đăng : 21:01, 28/06/2023
Ông có nhận định gì về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Bình Thuận trong thu hút các nhà đầu tư?
Bình Thuận là tỉnh cực Nam duyên hải miền Trung, giáp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là cửa ngõ nối miền Trung, Tây nguyên và Đông Nam bộ. Trung tâm thành phố Phan Thiết cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 180 km theo đường bộ và cách cảng Cái Mép, Thị Vải khoảng 150 km. Bình Thuận có bờ biển dài 192 km… là tỉnh có những lợi thế đặc trưng về tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản, khí hậu, vị trí địa lý.
Trước đây khi nói đến tỉnh Bình Thuận thì các nhà đầu tư thường hình dung như là một địa điểm thuộc vùng sâu, vùng xa, do Bình Thuận vừa thiếu cả cảng nước sâu, sân bay và đặc biệt là hệ thống đường giao thông. Nhưng hiện nay, những điểm nghẽn này cơ bản được khơi thông, Bình Thuận đã có Cảng quốc tế Vĩnh Tân đi vào hoạt động, Sân bay Phan Thiết đang đầu tư xây dựng và đặc biệt tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và Phan Thiết - Vĩnh Hảo đi qua địa bàn tỉnh đã hoàn thành đi vào hoạt động.
Theo đó, đã tháo gỡ nút thắt về giao thông mở ra những cơ hội mới, kết nối Bình Thuận với khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển bền vững và thu hút các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài ở các lĩnh vực tiềm năng, lợi thế của tỉnh như du lịch, năng lượng tái tạo, nông nghiệp xanh, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh.
Để thu hút đầu tư, tỉnh Bình Thuận cần làm gì thưa ông?
Bình Thuận cần làm tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, nhất là khâu thực thi các thủ tục sau cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư như đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường, hải quan… Chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các Sở, ngành và các cơ quan, đơn vị, địa phương. Cần có sự hỗ trợ đồng bộ cho việc thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài trong một số lĩnh vực có tiềm năng của tỉnh để tạo sự bứt phá.
Sớm ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp để thích ứng hiệu quả, linh hoạt với tình hình thực tế tại địa phương. Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết về hạ tầng, đất sạch, năng lượng, nguồn nhân lực để thu hút những dự án đầu tư lớn. Đề xuất các giải pháp thiết thực, cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, Trung tâm xúc tiến đầu tư phía Nam có giải pháp gì để hỗ trợ tỉnh Bình Thuận thu hút đầu tư?
Trong thời gian tới, Trung tâm xúc tiến đầu tư phía Nam sẽ phối hợp với Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bình Thuận đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, trong đó tập trung thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào tỉnh và số hóa các Khu công nghiệp, các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; thông qua việc sử dụng nền tảng số, công nghệ thông tin, tỉnh Bình Thuận sẽ tiếp cận được với nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn.
Bên cạnh đó, Trung tâm tâm xúc tiến đầu tư phía Nam sẽ xây dựng kế hoạch xúc tiến đầu tư mới theo 3 giai đoạn là lựa chọn một số lĩnh vực xúc tiến đầu tư; đề xuất các ưu đãi nhằm thu hút đầu tư vào các lĩnh vực được lựa chọn; lên danh sách các Tập đoàn lớn trong các lĩnh vực được lựa chọn và xây dựng kế hoạch tiếp cận.
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, cải cách các chính sách theo hướng thân thiện với doanh nghiệp; nâng cao năng lực giải quyết khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư. Tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chiến lược Quốc gia; đổi mới, đa dạng hóa các hoạt động phương thức xúc tiến đầu tư; thúc đẩy các hoạt động kết nối đầu tư online.
Học tập kinh nghiệm của các Quốc gia trên thế giới về việc xây dựng các gói ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với các dự án công nghệ cao, chuỗi giá trị, chuyển đổi xanh. Kết nối các Quỹ, các Hiệp hội ngành nghề của các nước. Xây dựng cơ sở dữ liệu trực tuyến về nhà cung cấp của Việt Nam để cung cấp thông tin và tạo mối liên kết với nhà đầu tư nước ngoài.
Triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế về xúc tiến đầu tư trong khuôn khổ APEC, ASEAN, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tăng cường hiệu quả hoạt động của các Trung tâm xúc tiến đầu tư trên cả nước.
Với tiềm năng, lợi thế của tỉnh Bình Thuận về đất đai, tài nguyên khoáng sản, nông - lâm - thủy sản, nguồn lao động dồi dào, hạ tầng kết nối giao thông được đầu tư cơ bản…; cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, tôi tin chắc rằng trong thời gian tới Bình Thuận sẽ thu hút được nhiều dự án đầu tư mới, sớm lấp đầy các Khu công nghiệp góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đưa Bình Thuận trở thành tỉnh phát triển năng động, là điểm đến của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.