Bỗng thấy quê hương thật gần...
Văn hóa - Ngày đăng : 07:35, 29/06/2023
Chưa bao giờ tôi được sống ở thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk) dài như lần này. Chiều ngày 27/4, chuyến bay VJ358 đưa tôi từ Thành phố Hồ Chí Minh lên Buôn Ma Thuật. Cất cánh và hạ cánh đều đúng giờ, chuyên nghiệp.
Qua ô cửa kính máy bay, cao nguyên hiện ra, thân thương, quyến rũ. Quả đúng thật, Tây Nguyên mùa quyến rũ. Tôi lui về Buôn Hồ, bên dòng người nô nức đi du lịch Buôn Ma Thuật, trong một kỳ nghỉ dài ngày.
Những ngày ở Buôn Hồ, sáng nào tôi cũng dậy lúc 5h00. Phía đầu con đường YJUT của Thị xã, đại tá Trần Văn Tứ luôn chờ tôi. Ông quê gốc Thạch Việt, Thạch Hà, người Hà Tĩnh, từng công tác ở Công an thị xã.
- Tây Nguyên đẹp nhất mùa nào? Tôi hỏi ông.
- Ngày trước mùa mưa và mùa khô rõ rệt, nhưng bây giờ hình như một ngày đều có bốn mùa? Ông trả lời.
Đúng thật. Thời điểm này đang là mùa khô, tất nhiên là không mưa, nhưng thời tiết ban đêm và sáng ra mát lạnh. Gió và không khí như người tình xa nhau gặp lại, chỉ dành thời gian để mơn man, ve vuốt, cưng nựng nhau.
Tôi đã gặp bao nhiêu đồng hương Hà Tĩnh tại vùng đất này. Ngay tại Buôn Hồ này. Họ đến với Buôn Hồ bằng nhiều con đường khác nhau. Anh Tứ làm công an, số đông là giáo viên; nhưng cũng có người như Trần Thành Nam, như đứa cháu họ của tôi lưu lạc vào đây, ban đầu làm người bán kem rong. Ở Buôn Hồ có hẳn một “cộng đồng” Nghệ, cộng đồng Hà Tĩnh.
“Tây Nguyên say bếp lửa lên đồng / anh ngâm gạo và em nhóm bếp / đêm Buôn Hồ tiếng Nghệ giòn nhất / hết voi rừng còn ai nhớ Bản Đôn?”. Đây là một khổ trong bài thơ “Hoa Dã quỳ” tôi đề tặng anh Nguyễn Thành Đồng, gốc Can Lộc, nguyên là cán bộ tuyên giáo của Huyện ủy Krông Búk, khi còn cả thành phần thị xã Buôn Hồ hiện nay. Anh là một người yêu thơ, mê thơ. Đáng tiếc, lần trở lại Buôn Hồ này đã không còn được gặp anh. Anh đã ra đi vài năm trước vì bạo bệnh.
***
Tây Nguyên đang vào mùa bướm. Bướm vàng khắp nơi. Chúng bay rợp trời. Tôi nhìn thấy bướm, trên mọi ngả đường, bay tự do, khoáng đạt. Tôi nhớ mãi lần vào rẫy của Trần Thành Nam. Chao ôi, bướm. Thành Nam từ Hà Tĩnh, Nam vào Tây Nguyên lập nghiệp dễ cũng gần 30 năm. Nhọc nhằn đi lên, bây giờ Nam đã có của ăn, của để và vài héc-ta rẫy. Bàn chân tôi bước đến đâu, bướm vàng từng đàn bay lên. Có cảm tưởng nghe được âm thanh trên từng đôi cánh mỏng.
Rẫy của Nam được chăm bón bằng công nghệ sinh hữu, thân thiện môi trường nên cơ man là bướm, trên cành sầu riêng nhiều tổ ong rừng. Ong tự tìm về làm tổ. Con ong thế mà khôn, nghe mùi hóa chất, không thể nào rủ rê nó về được. “Mùa này đang là mùa bướm Tây Nguyên”, Nam giải thích.
Tôi cứ bước giữa đám cỏ cây. Bướm tạo nên vũ điệu tháng tư Tây Nguyên. Tháng ba với hình ảnh con ong đi lấy mật đã đi vào thơ ca, âm nhạc. Tháng tư với cánh bướm mỏng manh, đó cũng là vũ điệu đặc biệt.
Tuổi thơ, với những người sinh ra ở nông thôn, ai chẳng có một thời “Những ngày trốn học/ Đuổi bướm cầu ao” (Quê hương, thơ Giang Nam). Với tôi, khu vườn nhà, nơi có chim, có chuồn chuồn, cào cào, bướm... là cả một “khoảng trời”.
Với Tây Nguyên, cứ cữ thời tiết khu vực này bắt đầu bước vào giai đoạn nắng, gió cũng là thời điểm những đàn bướm vàng nở rộ, mang đến cho mảnh đất núi rừng một vẻ đẹp lãng mạn, đầy sức sống. Đây cũng là mùa cà phê, sầu riêng... ra hoa. Trên trời, mây trắng bồng bềnh; dưới mặt đất hoa trắng, bướm vàng... Có lẽ không ai là không xao xuyến.
Bướm Tây Nguyên do đâu mà có? Trần Thành Nam, là nông dân xứ Nghệ thực thụ, nhưng nhờ học hỏi làm nông nghiệp sinh thái, hoa quả sạch, an toàn mà trở thành “nông dân trí thức” chính hiệu. Nam yêu hoa cỏ và các loài thực vật, động vật. Nam giải thích, loại bướm vàng này thường đẻ trứng, làm sâu, tạo kén trên những hàng cây muồng, vốn được trồng rất nhiều ở Tây Nguyên. Chúng ẩn nấp đâu đó, rồi bỗng một ngày phá kén, hàng triệu cánh bướm xuất hiện tung bay rợp trời, rợp tầm mắt.
Bướm bay đậu kín trên những chùm hoa cà phê và dập dìu bên những bờ hoa dại. Những đàn bướm vàng thường tụ tập bên vũng nước, khi mặt trời ban chiều rót những giọt óng ánh, phố núi càng thêm ảo diệu.
Tôi đã từng đến rừng quốc gia Cúc Phương đúng mùa bướm; ra đảo Ngư (thuộc thị xã Cửa Lò, Nghệ An) đúng mùa bướm. Bướm Cúc Phương đủ màu. Bướm đảo Ngư trên đôi cánh có những màu sắc biêng biếc. Bướm vàng Tây Nguyên mang đến những cảm xúc thi ca. Nhà thơ Nguyễn Bính, lúc sinh thời tự nhận mình “xuất thân” là con bướm. Con bướm ấy say đắm yêu đương, tận tụy hút hương hoa mật ngọt: “Bên hoa thấy bướm không buồn đuổi/Chỉ mải mê nhìn bướm ủ hoa” (Mười hai bến nước, thơ Nguyễn Bính).
Tâm trạng của Nguyễn Bính lúc ly biệt quê hương cũng có hình ảnh bướm vàng. Bướm vàng là thi ảnh, ẩn dụ của quê hương, nơi ông sinh ra và lớn lên. Có lẽ không riêng tôi, bất cứ ai trong chiều cô liêu nhìn đàn bướm vàng bay huyền ảo, giao hoan lộng lẫy đất trời không thể không nhớ quê hương, nhớ mối tình của thời “nông nổi”.
Rong ruổi trong rẫy của người “nông dân phố” Trần Thành Nam, tôi nhận ra sự thân thiện. Trời đất giao đãi bằng sự thân thiện của sinh thái, của cân bằng. Vẻ đẹp lộng lẫy bao giờ cũng thuộc về tự nhiên. Bướm vàng Tây Nguyên nâng đôi cánh mềm, mách bảo.
***
Người Hà Tĩnh ở Buôn Hồ đã vào bước vào thế thệ thứ ba. Dẫu thế hệ thứ hai, thứ ba không làm việc, sinh sống ở Buôn Hồ mà ở Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh nhưng những ngày Lễ như 30/4 và 1/5 này, hầu như ai cũng trở lại Buôn Hồ thăm bố, thăm mẹ.
Cuộc sống luôn riêng tư, thành công nhiều và ít tùy thuộc nhiều yếu tố. Đúng vậy, người Hà Tĩnh ở Buôn Hồ, “của ăn, của để” có nhiều mức độ khác nhau, con cái thành công khác nhau; nhưng họ sống bên nhau, bọc đùm, nhân ái. Rất nhiều gia đình, trong nhà con cái vẫn gọi bố là “cha” như muôn thuở ở quê nhà. Xa quê nhưng tinh thần tựa vào cố thổ.
“Bao ân tình mộc mạc làng quê / Trưa nắng hè gọi nhau râm ran chè xanh”. Mỗi sáng đi bộ cùng đại tá Trần Văn Tứ, thấy bà con Hà Tĩnh chào nhau bằng giọng nói quê nhà, tôi nhớ bài hát Ca dao em và tôi của nhạc sỹ An Thuyên. Con đường đi bộ buổi sáng, cứ ngắn lại vì râm ran chuyện kể của người nọ, người kia vừa có dịp ra quê Hà Tĩnh.
Tự bài hát ngân lên trong lòng. Bỗng thấy quê hương, thật gần...
Đắk Lắk 5/2023 - Hà Nội 6/2023.