Hội nghị Logistics quốc tế 2023 và cơ hội học hỏi, hợp tác

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:12, 30/06/2023

Chuỗi Hội nghị quốc tế quan trọng hàng năm lĩnh vực logistics gồm FIATA RAP, AFFA Mid-Year Conference và Hội nghị UNESCAP sẽ được tổ chức tại Đà Nẵng từ ngày 13 – 15/7. Đây là sự kiện quan trọng, cơ hội học hỏi kinh nghiệm, hợp tác của doanh nghiệp Logistics Việt Nam.
cmtv.jpg
Một trong những nguyên nhân hạn chế sự phát triển của logistics chính là sự thiếu liên kết

Đóng góp quan trọng vào nền kinh tế

Từ khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO vào năm 2006, nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới. Việc mở cửa nền kinh tế trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần không nhỏ để duy trì tốc độ tăng trưởng cao hàng năm của nền kinh tế Việt Nam.

Tính chung cả giai đoạn 2011-2020, tăng trưởng GDP đạt khoảng 5,9%/năm, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới. Quy mô GDP tăng gấp 2,4 lần, từ 116 tỷ USD năm 2010 lên 268,4 tỷ USD vào năm 2020. GDP bình quân đầu người tăng từ 1.331 USD năm 2010 lên 2.750 USD năm 2020.

Năm 2022, tổng vốn FDI đăng kí vào Việt Nam đạt gần 27,72 tỉ USD, mức vốn FDI thực hiện đạt kỉ lục 22,4 tỉ USD, tăng 13,5% so với cùng kì năm 2021. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất trong 5 năm (2017 - 2022). Tính lũy kế trong giai đoạn 1986 - 2022, Việt Nam đã thu hút được gần 438,7 tỉ USD vốn FDI. 1Nhiều tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới đã chọn Việt Nam làm “điểm đến”, như: Intel, Samsung, LG, Canon, Foxconn, Toyota, Honda...

Việt Nam đã ký kết 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) với những cam kết ở mức độ rất cao của các bên tham gia trong tất cả các lĩnh vực, kể cả truyền thống, phi truyền thống, phạm vi không chỉ dừng ở các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa mà cả trong lĩnh vực dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ...Hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam phát triển mạnh giúp gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, mở rộng thị trường đa dạng các loại hàng hóa tham gia xuất nhập khẩu. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa từ năm 2010 đến nay tăng 4,6 lần, từ 157,1 tỷ USD năm 2010 lên 730,21 tỷ USD tỷ USD năm 2022, là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.

image002.png
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam giai đoạn 2010-nay

Năm 2022, Việt Nam có 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn là Điện thoại (58 tỷ USD); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (55 tỷ USD); máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tủng (45,8 tỷ USD); hàng dệt, may (37,6 tỷ USD); Giày, dép các loại (23,9 tỷ USD); Gỗ và sản phẩm gỗ (16 tỷ USD); phương tiện vận tải và phụ tùng (12 tỷ USD) và thủy sản (10,9 tỷ USD). Về thị trường xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng cả về chiều rộng và chiều sâu, đặc biệt các doanh nghiệp đã tận dụng các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường có ký kết FTA.

Bên cạnh hoạt động xuất nhập khẩu, mức bán lẻ hàng hóa trong nước tăng trưởng cũng đòi hỏi nhu cầu dịch vụ logistics phát triển. Tính riêng giai đoạn 2010-2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng hơn 3 lần tư 1.254 nghìn tỷ (2010) lên 3.815 nghìn tỷ (2020) tạo nguồn cầu cho dịch vụ logistics, lưu thông hàng hóa trong nước.

Xét theo cơ cấu trong nước và ngoài nước thì hiện nay vận chuyển hàng hóa trong nước vẫn chiếm tỷ trọng chính (hơn 98%) trong khi vận tải ngoài nước chỉ chiếm một phần rất nhỏ (chưa đến 2%). Để đạt được những thành công kể trên, không thể không nhắc tới vai trò quan trọng của ngành Logistics.

Cơ hội trao đổi kinh nghiệm, hợp tác quốc tế về logistics

Việt Nam hiện có hơn 40.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), thị trường logistics có sự tham gia của hơn 5.000 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics 3PL, trong đó chiếm 89% là doanh nghiệp trong nước, 10% là doanh nghiệp liên doanh và 1% là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia, với các tên tuổi lớn nằm trong danh sách 50 công ty logistics thế giới lớn nhất như: DHL, Kuehne+Nagel, DSV,DB Schenker...

image018.jpg
Việt Nam hiện có hơn 40.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics.

Bên cạnh những kết quả đạt được ngành logistics Việt Nam vẫn còn một số hạn chế như chưa khai thác hết được lợi thế địa kinh tế và tương xứng với tiềm năng của mỗi địa phương; cơ sở hạ tầng phục vụ cho các hoạt động logistics cũng như sự kết nối giữa hạ tầng thương mại, hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ thông tin,... cả trong nước và với khu vực còn chưa cao nên hiệu quả hoạt động logistics còn nhiều bất cập.

Chi phí dịch vụ còn cao, chất lượng cung cấp một số dịch vụ chưa cao, trong điều kiện thị trường cung cấp dịch vụ của Việt Nam hiện nay có sự cạnh tranh gay gắt. Nguyên nhân chính là hạn chế về quy mô doanh nghiệp và vốn, về kinh nghiệm và trình độ quản lý, khả năng áp dụng công nghệ thông tin cũng như trình độ nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động quốc tế và một nguyên nhân quan trọng nữa là không có đầu mối nguồn hàng do Việt Nam chủ yếu xuất FOB và nhập CIF, ngoài ra có hạn chế về kết cấu hạ tầng logistics và chi phí vận tải trên đường bộ, phụ phí cảng biển do các chủ tàu nước ngoài áp đặt…

Một trong những nguyên nhân hạn chế sự phát triển của logistics chính là sự thiếu liên kết giữa các bên của chuỗi cung ứng và các bên liên quan của ngành, thể hiện qua tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics ở Việt Nam còn thấp so với các nước phát triển khác.

Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Vận tải Quốc tế (FIATA mong muốn Hội nghị là hoạt động thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của các doanh nghiệp logistics trong khu vực đầy tiềm năng như Châu Á – Thái Bình Dương. Tại Hội nghị, Lãnh đạo FIATA và các doanh nghiệp tham gia sẽ thảo luận các nội dung quan trọng như Phát triển nhà giao nhận vận tải số; Phát triển Việt Nam thành trung tâm vận tải và logistics mới của châu Á; Phát triển vận tải xuyên biên giới và hành lang kinh tế Đông Tây; Chương trình đào tạo Hàng hoá Hàng không FIATA-IATA toàn cầu và lợi ích cho khu vực Châu Á – Thái Bình Dương…

Lãnh đạo VLA khẳng định, chuỗi sự kiện là cơ hội để doanh nghiệp logistics và xuất khẩu của Việt Nam có dịp gặp gỡ, trao đổi cơ hội hợp tác và học tập kinh nghiệm phát triển dịch vụ logistics của thế giới. Hội nghị mở ra cơ hội tăng cường xuất nhập khẩu, nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. Những xu hướng phát triển mới trong lĩnh vực, công nghệ 4.0 tiên tiến trong ngành logistics sẽ được các chuyên gia trên thế giới và khu vực chia sẻ tại hội nghị, từ đó, các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam nắm bắt được xu hướng phát triển, ứng dụng thực tiễn vào hoạt động kinh doanh.

Từ Tâm (tổng hợp)