36 loại phí, lệ phí được giảm cho người dân, doanh nghiệp từ 1/7
Toàn cảnh Kinh tế - Ngày đăng : 07:53, 01/07/2023
Đó là nội dung đáng chú ý trong Thông tư 44/2023 được Bộ Tài chính ban hành mới đây, chính thức áp dụng từ ngày 1/7.
Trong đó, 21 khoản được giảm một nửa như lệ phí, gồm phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch…
Các loại phí khác cũng được giảm, như cấp giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng; chứng khoán; đăng ký nhập khẩu xuất bản phẩm để kinh doanh; sở hữu công nghiệp; cấp căn cước công dân, hộ chiếu, giấy thông hành, giấy phép xuất cảnh và phí trong lĩnh vực y tế...
Đánh giá tác động của chính sách trên, Bộ Tài chính cho hay, việc giảm giảm thu từ 10-50% với 36 khoản phí, lệ phí này dự kiến làm giảm thu ngân sách khoảng 700 tỷ đồng.
Nghị định giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất trong nước cũng có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7 đến hết năm nay. Chính sách này không giúp giảm giá xe nhưng sẽ giảm các chi phí để xe lăn bánh. Việc giảm loại phí này cũng nhằm kích cầu tiêu dùng thị trường xe trong nước trong bối cảnh các doanh nghiệp lĩnh vực này gặp nhiều khó khăn.
Từ ngày 1/1/2024, mức thu lệ phí trước bạ tiếp tục được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 10/2022. Hiện lệ phí trước bạ xe con được tính theo tỷ lệ phần trăm từng loại và từng địa phương khi đăng ký.
Mức phí lần đầu với ô tô con tại Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng là 12% giá trị xe; TPHCM 10%; Hà Tĩnh 11%; Bắc Ninh 10%... Riêng xe bán tải, phí trước bạ bằng 60% mức thu phí lần đầu với xe con...
Đây là nỗ lực của Chính phủ nhằm kiên định mục tiêu ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tập trung quán triệt, tổ chức thực hiện hiệu quả các nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình mới.
Đặc biệt, các bộ, ngành, địa phương phải làm tốt công tác quy hoạch; rà soát hoàn thiện thể chế, pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giải quyết tốt các vấn đề phát sinh. Chính phủ yêu cầu các đơn vị trên tiếp tục đẩy mạnh phát triển các ngành nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, tạo nền tảng vững chắc cho ổn định vĩ mô và phát triển bền vững./.
Nguồn: Tổng hợp