Túi ni lông và rác thải nhựa đã và đang bức tử môi trường

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 12:52, 03/07/2023

Việt Nam đang tích cực thúc đẩy việc xây dựng nền kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa, trong đó, khối doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng. Đặc biệt, sự chung tay, chủ động của các nhà sản xuất và bán lẻ sẽ có tác động không nhỏ tới người tiêu dùng.
71bd18d92aa24fcfb4e27b7f3c38808d.jpg
Túi ni lông và rác thải nhựa - đang trở thành thảm họa môi trường

Từ năm 2009, Sáng kiến Thế giới không dùng túi ni lông (Bag Free World) đã chính thức chọn ngày 3/7 hàng năm là Ngày Quốc tế không sử dụng túi ni lông. Nhằm hưởng ứng sáng kiến này, trong ngày 3/7/2023, nhiều nhà bán lẻ trên toàn quốc cam kết sẽ vận động khách hàng không sử dụng túi ni lông tại hệ thống các cửa hàng và thực hiện các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của rác thải nhựa.

"Bớt túi ni lông, thêm nhiều mầm sống” - Đây là thông điệp của Ngày Quốc tế không sử dụng túi ni lông năm nay, với mục đích khuyến khích người tiêu dùng giảm sử dụng túi ni lông, thúc đẩy các giải pháp thân thiện với môi trường trên toàn thế giới.

Theo thống kê của Viện Quan sát thế giới (Worldwatch Institute), ước tính kể từ năm 2002, mỗi năm thế giới có khoảng 5.000 tỷ túi ni lông được sản xuất và một lượng lớn được sử dụng và bị thải bỏ ra môi trường. Cộng đồng quốc tế và chính phủ các quốc gia ngày càng nhận ra tác hại khôn lường của rác thải nhựa với phá hủy môi trường sống, ảnh hưởng đến các sinh vật, và hơn thế, ngày càng ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề đến sức khỏe của con người.

Không chỉ túi ni lông, thế giới nói chung và Việt Nam còn còn đối mặt với vấn nạn rác thải nhựa - thảm họa trắng. Trên biển, trên sông, cánh đồng, khu đô thị, nông thôn đã và đang ô nhiễm nghiêm trọng bởi rác thải nhựa, túi ni lông.

Chính vì thế, cùng với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang quyết tâm đẩy lùi vấn nạn ô nhiễm rác thải nhựa nói chung, rác thải nhựa đại dương nói riêng, thể hiện rõ nhất tại Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó đặt mục tiêu “Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương”.

Năm 2018, Liên hợp quốc đã phát động phong trào "Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon". Không chỉ cam kết chính trị, nhiều quốc gia đã có những hành động cụ thể để giảm thiểu và cấm sử dụng một số sản phẩm nhựa không thân thiện với môi trường, đồng thời tăng cường xử lý, tái sử dụng, tái chế rác thải nhựa. Việt Nam cũng đã có những cam kết chính trị mạnh mẽ và nhiều hoạt động quản lý, giảm rác thải nhựa, trong đó có rác thải nhựa đại dương.

Theo ý kiến của một số chuyên gia, giải quyết vấn đề rác thải nhựa nói chung, rác thải nhựa đại dương nói riêng trước tiên cần xây dựng cơ sở pháp lý, cơ chế, chính sách để thực hiện mục tiêu của kế hoạch hành động quốc gia, phải nhận thức đây là vấn đề toàn cầu và cốt lõi là nâng cao khoa học công nghệ để xử lý rác thải nhựa theo hướng xử lý vấn đề từ gốc. Đặc biệt, giải quyết rác thải nhựa ở Việt Nam là câu chuyện lớn, không thể giải quyết đơn lẻ bởi riêng cơ quan, ban, ngành nào, mà nó cần sự chung tay của toàn xã hội.

Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều hành động thiết thực như: Thông qua Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, trong đó luật hóa các nội dung liên quan đến chất thải nhựa như quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn về nhựa; ban hành chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển song song với việc bảo vệ môi trường và hệ sinh thái biển.

Một trong những mục tiêu quan trọng chiến lược đặt ra là đến năm 2030: ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương.

Đối với túi ni lông, Việt Nam đang tích cực thúc đẩy việc xây dựng nền kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa, trong đó, khối doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng. Đặc biệt, sự chung tay, chủ động của các nhà sản xuất và bán lẻ sẽ có tác động không nhỏ tới người tiêu dùng. “Chỉ có hành động cùng nhau, chúng ta mới có thể hướng tới tiêu dùng bền vững và loại bỏ cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa một cách toàn diện”, theo bà Nguyễn Thị Diệu Thúy - Giám đốc Chương trình Giảm Nhựa của WWF - Việt Nam.

Về chuỗi cung ứng, thời gian qua, các thành viên trong Liên minh các nhà bán lẻ giảm túi ni lông đã chủ động, tích cực triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa, thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Cụ thể, với mong muốn hỗ trợ khách hàng đưa ra các quyết định mua sắm và tiêu dùng bền vững dễ dàng hơn, AEON Việt Nam là nhà bán lẻ đầu tiên tại Việt Nam triển khai Sáng kiến “Rent a bag” - khách hàng có thể mượn túi môi trường trực tiếp tại các quầy thu ngân từ tháng 6/2022, với chi phí 5.000đ/túi và được hoàn trả toàn bộ phí thuê khi thực hiện trả túi tại quầy dịch vụ./.

Bảo Hân (tổng hợp)