Đến năm 2026, ĐBSCL sẽ có khoảng 554 km đường cao tốc

Hạ tầng - Ngày đăng : 18:12, 08/07/2023

Chiều 8/7, tại Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị làm việc với lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và các bộ, ngành về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các dự án cao tốc và triển khai các dự án ODA.
img1532-1688803793902771113555.jpg
Thủ tướng phát biểu khai mạc phiên họp với 13 địa phương ĐBSCL đề nghị các đại biểu tham dự hội nghị phát biểu ý kiến, hiến kế tháo gỡ các vướng mắc, thúc đẩy các dự án cao tốc và các dự án ODA trên địa bàn ĐBSCL

Theo các báo cáo, thời gian qua, chúng ta đã khởi công đồng loạt các dự án đường cao tốc tại ĐBSCL (Châu Đốc-Cần Thơ-Hậu Giang-Sóc Trăng; Cao Lãnh-An Hữu), đồng thời đẩy nhanh tiến độ các dự án đã khởi công trước đây (dự án Mỹ Thuận-Cần Thơ và Cần Thơ-Hậu Giang-Sóc Trăng-Bạc Liêu-Kiên Giang-Cà Mau).

Đến thời điểm hiện tại, vùng ĐBSCL đã hoàn thành và đưa vào khai thác 171 km cao tốc theo quy mô phân kỳ giai đoạn 1 (4 làn xe) (trong đó đoạn Cao Lãnh-Lộ Tẻ mới hoàn thành đầu tư tuyến chính, đoạn Lộ Tẻ-Rạch Sỏi sử dụng mặt đường láng nhựa để chờ lún, Bộ Giao thông vận tải đang đầu tư hoàn thiện các hạng mục còn lại trong giai đoạn 2021-2025 để khai thác theo tiêu chuẩn cao tốc); 8 dự án đang được triển khai, bảo đảm cơ bản hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025, đưa vào khai thác trong năm 2026 với tổng chiều dài 463 km (tổng mức đầu tư khoảng 94.400 tỷ đồng).

Như vậy, đến năm 2026, khu vực ĐBSCL sẽ có khoảng 554 km đường cao tốc.

Trước đó, sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ khảo sát và làm việc với UBND TP. Cần Thơ về tình hình triển khai một số dự án ODA trên địa bàn Thành phố gồm dự án đầu tư xây dựng bệnh viện Ung bướu Cần Thơ có quy mô 500 giường, sử dụng vốn vay ODA của Hungary, dự án kè bờ sông Cần Thơ sử dụng vốn vay của Pháp, dự án công trình cầu Trần Hoàng Na sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB).

Về vốn ODA, trong giai đoạn 2021-2025, vùng ĐBSCL có 62 dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài đang triển khai với tổng mức vốn nước ngoài là 56.442 tỷ đồng (tương đương 2,8 tỷ USD), kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn nước ngoài nguồn ngân sách Trung ương được giao là 15.174 tỷ đồng. Giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA của vùng ĐBSCL còn thấp, hết tháng 6/2023, giải ngân vốn trong nước là 10.107,89 tỷ đồng (đạt 36,29%), giải ngân vốn nước ngoài là 153,910 tỷ đồng (đạt 5,34%).

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 5 quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực giao thông vận tải gồm quy hoạch mạng lưới đường bộ; quy hoạch mạng lưới đường sắt; quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển; quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay; quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa.

Đến nay, về đường bộ, đang triển khai xây dựng các tuyến cao tốc trục dọc (Bắc-Nam) và trục ngang (Đông-Tây) tại khu vực ĐBCSL và nếu làm tốt sẽ đạt được mục tiêu đề ra, tạo không gian phát triển mới, các khu đô thị mới, khu công nghiệp mới, khu dịch vụ mới, thúc đẩy tăng trưởng, giải quyết các nút thắt của ĐBSCL, mà lớn nhất là về hạ tầng và nhân lực.

cau-tran-hoang-na-1-16888040272141836102359.jpg
Trước đó, sáng 8/7, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ khảo sát và làm việc với UBND TP. Cần Thơ về tình hình triển khai một số dự án ODA trên địa bàn Thành phố

Thủ tướng biểu dương nỗ lực của lãnh đạo các tỉnh, các bộ, ngành liên quan trong thúc đẩy các dự án, bố trí nguồn vốn, bảo đảm mặt bằng, bảo đảm nguyên vật liệu và xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai các dự án.

Mặt khác, Thủ tướng cho biết rất trăn trở về việc triển khai các dự án ODA trên cả nước nói chung và tại ĐBSCL nói riêng. Vừa qua, Chính phủ đã sửa một số nghị định liên quan và đang tiếp tục rà soát các quy định liên quan, cũng như công tác phối hợp giữa các bộ.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cho biết đang nghiên cứu triển khai tuyến đường sắt tốc độ cao TPHCM-Cần Thơ. Đồng thời, triển khai xây dựng đường vào cảng Cái Cui; nạo vét luồng tàu Định An… và chuẩn bị triển khai một số dự án đường thủy nội địa trọng điểm để khai thác tối đa hệ thống kênh rạch chằng chịt tại ĐBSCL. Từ đó, góp phần giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản, hàng hóa trong khu vực./.

Võ Thị Phương Thủy (tổng hợp)