Ngành Công Thương góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 06:02, 10/07/2023
Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên, Bộ Công Thương kết hợp tổ chức Hội nghị giao ban Xúc tiến thương mại định kỳ để hỗ trợ hệ thống các Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ, văn phòng Xúc tiến thương mại nắm bắt tình hình và phối hợp triển khai nhiệm vụ chung của Bộ thời gian tới.
Góp phần ổn định kinh tế vĩ mô
6 tháng đầu năm 2023 trong bối cảnh thế giới, khu vực biến động nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề vướng mắc trong nội tại nền kinh tế đã tích tụ qua thời gian, nhưng kết quả đạt được của ngành Công Thương là rất đáng ghi nhận, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Cụ thể, sản xuất công nghiệp đã phục hồi 98,8% so với cùng kỳ năm 2022 (là thời điểm kinh tế bùng nổ sau quyết định kịp thời của Chính phủ mở cửa nền kinh tế vào 3/2022). Trong đó, có 48/63 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng.
Ngành năng lượng tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức (nhất là ngành điện) nhưng đã kịp thời được khắc phục cơ bản, bảo đảm cung ứng cho phát triển kinh tế - xã hội.
Về hoạt động xuất nhập khẩu, trong bối cảnh khó khăn chung của thương mại toàn cầu, cán cân thương mại đạt mức xuất siêu kỷ lục 12,25 tỷ USD (gấp gần 11 lần so với mức thặng dư 1,16 tỷ USD của cùng kỳ năm trước) góp phần ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô của nền kinh tế. Nhập khẩu hàng hóa cơ bản được kiểm soát tốt, kim ngạch nhập khẩu tăng chủ yếu là các nhóm hàng phục vụ sản xuất để xuất khẩu và hàng hóa thiết yếu chiếm 88,1%; nhập khẩu của nhóm hàng cần kiểm soát chỉ chiếm 6,2%.
Thị trường trong nước phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng cao (tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong 6 tháng đầu năm tăng 10,9% so với cùng kỳ), đáp ứng cơ bản hàng hóa thiết yếu cho người dân, tiếp tục là điểm sáng hỗ trợ quá trình phục hồi tổng cầu và phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa suy giảm.
Thương mại điện tử (TMĐT) tiếp tục là phương thức phân phối quan trọng, góp phần phát triển chuỗi cung ứng và lưu thông trong và ngoài nước, hỗ trợ tiêu thụ hiệu quả một lượng lớn nông sản, thực phẩm cho người nông dân và doanh nghiệp, đặc biệt khi vào vụ thu hoạch; doanh thu TMĐT B2C 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 10,3 tỷ USD, tăng khoảng 25% so với cùng kỳ, chiếm 8% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng.
Công tác xúc tiến thương mại tiếp tục được đổi mới; phát huy sáng kiến tổ chức công tác giao ban hàng tháng xúc tiến thương mại của hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và các đơn vị của Bộ Công Thương, các Bộ, ngành liên quan nhằm cung cấp thông tin kịp thời về thị trường, những chính sách, quy định mới của các thị trường và các khuyến nghị kịp thời cho các doanh nghiệp.
Công tác quản lý nhà nước đối với các ngành, lĩnh vực như quản lý thị trường, phòng vệ thương mại, hội nhập kinh tế quốc tế, khoa học công nghệ... cũng được tổ chức triển khai đồng bộ, kịp thời, đóng góp tích cực vào thành tích chung của toàn ngành.
Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng thẳng thắn nhìn nhận phát triển ngành Công Thương vẫn còn tồn tại, hạn chế như: Tăng trưởng sản xuất công nghiệp ở mức thấp; kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu giảm so với cùng kỳ; cung ứng điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn; có thời điểm đã phải điều hòa phụ tải và tiết giảm điện ở một số địa bàn. Công tác cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính còn chậm đổi mới...
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, những tồn tại, hạn chế nêu trên có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Tập trung các giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định, thời gian tới, dự báo tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định. Để vượt qua các khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu kế hoạch đề ra, Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ đề nghị các đơn vị trong Ngành tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế xã hội năm 2023; đồng thời, chủ động nắm chắc diễn biến tình hình, nâng cao năng lực dự báo, phản ứng chính sách kịp thời để tham mưu, đề xuất các đối sách, giải pháp phù hợp, khả thi và tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhằm đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra với tinh thần quyết tâm, trách nhiệm cao; đặc biệt là tập trung giải quyết các vướng mắc về vốn, cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính (như kiến nghị của các địa phương với các Đoàn công tác của Chính phủ) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, duy trì tốt các chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu.
Hai là, tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm hiệu quả, đúng quy định, không để chậm chễ; chủ động phối hợp với các đơn vị và địa phương liên quan bám sát tiến độ, kịp thời tháo gỡ thực chất những khó khăn, vướng mắc để sớm đưa vào vận hành các công trình, dự án trọng điểm, có vai trò quan trọng, tính lan tỏa cao trong các lĩnh vực: điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo, khoáng sản, logistics... nhằm gia tăng năng lực sản xuất mới và tạo chủ động nguồn cung nguyên, nhiên, vật liệu, phát triển bền vững.
Khẩn trương phối hợp hoàn thành các thủ tục để sớm đưa vào vận hành các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp. Đẩy nhanh tiến độ các dự án năng lượng lớn, trọng điểm (nhất là các dự án về nguồn và hệ thống truyền tải liên miền); đôn đốc, giám sát chủ đầu tư các nhà máy điện kịp thời khắc phục sự cố, đồng thời bảo đảm các điều kiện để khai thác tối đa công suất các nhà máy; thực hiện tốt công tác điều tiết, vận hành hệ thống điện, bảo đảm đồng bộ, hiệu quả; khẩn trương phối hợp, hoàn thiện thủ tục để chuyển giao đơn vị quản lý Trung tâm A0 và đẩy mạnh các biện pháp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả theo chỉ đạo của Chính phủ. Tăng cường theo dõi, giám sát, đôn đốc các doanh nghiệp đầu mối nghiêm túc thực hiện kế hoạch phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu theo đúng số lượng, tiến độ.
Ba là, chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng thể chế trong các lĩnh vực Ngành quản lý.
Khẩn trương hoàn thành xây dựng Kế hoạch triển khai Quy hoạch Điện 8 và Chiến lược phát triển ngành Điện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Tích cực triển khai xây dựng luật Hóa chất, luật Phát triển công nghiệp, luật Điện lực (sửa đổi), luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả (sửa đổi), luật Phát triển năng lượng tái tạo và các cơ chế, chính sách về mua bán điện trực tiếp, chính sách xã hội hóa đầu tư lưới điện truyền tải nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng mới, phát triển công nghiệp chế tạo thiết bị ngành điện để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Bốn là, đẩy nhanh tiến độ đàm phán, ký kết các cơ chế hợp tác song phương và đa phương mới với các nước, các khu vực còn tiềm năng (như Israel, UEA, Mercosur…); tiếp tục phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong việc cung cấp kịp thời các thông tin về thị trường và các quy định, chính sách mới của các nước sở tại; cảnh báo sớm các “rào cản” mới của đối tác và các vụ việc phòng vệ thương mại, giúp cho các doanh nghiệp và cơ quan QLNN có phản ứng chính sách phù hợp, khai thác có hiệu quả các FTA mà nước ta làm thành viên.
Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập các thị trường mới nổi, thị trường ngách, có nhiều tiềm năng; đồng thời, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, đặc biệt là thương mại điện tử xuyên biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho mở rộng thị trường trong và ngoài nước, thúc đẩy xuất khẩu bền vững.
Chú trọng triển khai có hiệu quả các giải pháp kích cầu tiêu dùng, phát triển thương mại trong nước, kết hợp chặt chẽ giữa thương mại truyền thống với hiện đại; đồng thời, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả, thị trường các mặt hàng thiết yếu để điều hành phù hợp, hiệu quả. Tăng cường công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa và nâng cao năng lực phòng vệ thương mại.
Năm là, đối với các Cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cần chủ động nghiên cứu, nắm vững nhu cầu, thị hiếu, yêu cầu của thị trường và thường xuyên cập nhật các quy định, chính sách mới của nước sở tại để tham mưu, đề xuất những phản ứng chính sách kịp thời, nhanh nhạy. Tăng cường kết nối, thúc đẩy hợp tác, thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực mà trong nước đang có nhu cầu và có chính sách ưu đãi đầu tư (như: Cơ khí, chế biến chế tạo, điện tử, hóa chất, vật liệu mới và các ngành công nghiệp phụ trợ, dịch vụ tài chính, ngân hàng, logistics, chuyển đổi năng lượng xanh…), đồng thời tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài. Thường xuyên giữ mỗi liên hệ, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ, các Bộ, ngành liên quan và các địa phương, hiệp hội ngành hàng để hỗ trợ, kết nối xúc tiến thương mại, tận dụng hiệu quả cơ hội thị trường trong từng thời điểm, giai đoạn, đặc biệt là hỗ trợ xuất khẩu nông, thủy sản có tính mùa vụ.
Sáu là, củng cố, duy trì kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo điều hành, ý thức chấp hành trong thực thi công vụ, nhất là việc đề cao trách nhiệm trước pháp luật, lãnh đạo Bộ và nêu gương của đội ngũ cán bộ quản lý các cấp.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu gắn với tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát (cả chuyên ngành và công vụ); kiên quyết xử lý sai phạm theo đúng các quy định của pháp luật, nguyên tắc, điều lệ Đảng và quy chế, quy định của cơ quan. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục.
Chú trọng làm tốt công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; chủ động cung cấp đầy đủ thông tin chính thống về tình hình, kết quả hoạt động của Ngành (cũng như của từng đơn vị), góp phần định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội.
Đối với UBND các tỉnh, thành phố, "Tư lệnh" ngành Công Thương cũng đề nghị rà soát, cập nhật những chủ trương, định hướng trong Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch Vùng và các quy hoạch phát triển ngành quốc gia để tích hợp vào quy hoạch tỉnh, bảo đảm tính đồng bộ, liên thông giữa các cấp quy hoạch; đồng thời, khẩn trương điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các cơ chế, chính sách đặc thù (nếu có) của địa phương để tạo thuận lợi cho triển khai thực hiện các dự án đầu tư hoặc các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội đã đề ra.
Tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ để triển khai thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030, nhất là đối với các nhiệm vụ được phân công cho địa phương; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Bộ thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu, nhất là trong kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng điện, kinh doanh xăng dầu và các doanh nghiệp phân phối.
Tổ chức thực hiện thật tốt các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch triển khai Quy hoạch điện 8; tích cực phối hợp trong xúc tiến thu hút đầu tư, phát triển các dự án năng lượng theo định hướng quy hoạch; đồng thời, tập trung giải quyết hoặc hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc (nhất là về mặt bằng, hạ tầng, môi trường, thủ tục hành chính…), tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai dự án điện trên địa bàn, đặc biệt là các dự án quan trọng, ưu tiên, bảo đảm hoàn thành, đi vào hoạt động đúng tiến độ được phê duyệt, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
“Sau hội nghị, đề nghị các đơn vị thuộc Bộ khẩn trương xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu năm 2003 đã đề ra”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.