TP. Hồ Chí Minh đã trở lại vị trí "đầu tàu"?

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 12:07, 10/07/2023

Thành phố đang đẩy mạnh hơn nữa tiến độ giải ngân vốn đầu tư công để sớm đưa các công trình, dự án vào hoạt động. Đặc biệt các dự án trọng điểm mang tính kết nối vùng, có tác động lan toả cao.
sai-gon-ve-dem.jpg
Kinh tế TP.HCM có nhiều điểm sáng trong quý 2 và 6 tháng đầu năm - Ảnh minh họa

Kinh tế 6 tháng đầu năm tăng mạnh trở lại

Báo cáo tình hình kinh tế tháng 6 và 6 tháng đầu năm của Cục Thống kê TP.HCM cho thấy, Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý 2/2023 tăng 5,87%, cao hơn nhiều so với mức tăng chỉ 0,7% của quý đầu năm 2023. Ước tính GRDP 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,55% so với cùng kỳ. Theo Cục Thống kê TP.HCM, mức tăng 3,55% tuy còn khiêm tốn nhưng phản ánh kết quả những cố gắng của chính quyền Thành phố trong giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,14% và đóng góp 0,3% vào tốc độ tăng GRDP. Khu vực dịch vụ đóng góp lớn nhất vào mức tăng trưởng kinh tế của thành phố khi tăng 4,96% so với cùng kỳ và đóng góp 89% vào tốc độ tăng GRDP. Tuy nhiên, báo cáo cũng cho thấy, khu vực công nghiệp, xây dựng gặp nhiều khó khăn khi chỉ tăng 0,8% so với cùng kỳ và đóng góp tương ứng 5,1% vào tốc độ tăng trưởng kinh tế, trong khi tỷ trọng theo giá hiện hành chiếm đến 20,7% GRDP.

Về số lượng đăng ký thành lập doanh nghiệp trong nước, tính đến ngày 20/6, TP.HCM đã cấp phép cho hơn 23.035 doanh nghiệp, tăng 7,6% về giấy phép nhưng giảm 18,3% về vốn so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 6 năm 2023 ước tính tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 4,8% so với cùng kỳ. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, chỉ số IIP trên địa bàn Thành phố tăng 1,9% so với cùng kỳ.

toc-do-tang-grdp-6-thang-2023.jpg
Đồ họa tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm 2023 đạt 3,55% so với cùng kỳ. Nguồn: Thời báo KTVN

Một tín hiệu tốt trong tăng trưởng của Thành phố là tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong quý 2/2023 đạt 298.005 tỷ đồng, tăng 9,5% so với quý 2 năm 2022. Trong đó, tăng cao nhất là hoạt động lữ hành 78,6%, doanh thu dịch vụ lưu trú ăn uống tăng 35,4%; doanh thu bán lẻ tăng 10,7%; dịch vụ khác tăng 0,6%. So với quý 1/2023, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý 2 đã tăng 13,0% và tăng ở tất cả các hoạt động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 561.734 tỷ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ.

Tính đến hết ngày 23/6, tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 của Thành phố đã giải ngân là 10.244 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 15% tổng số vốn giao (68.490,566 tỷ đồng).

Về tình hình thực hiện một số công trình trọng điểm, Cục Thống kê Thành phố cho biết, dự án tuyến đường sắt Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) được xây dựng dựa trên quan điểm TOD (lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị), phát triển hành lang vận tải dọc tuyến metro số 1. Theo đó, hiện chủ đầu tư đang tiến hành xây dựng 9/11 cây cầu bộ hành bên cạnh cầu tại nhà ga Suối Tiên đã có sẵn, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2023. Sắp tới, tuyến buýt nhanh (BRT) số 1 cũng sẽ được đưa vào khai thác, chạy dọc hành lang đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ và kết nối tuyến Metro số 1 tại ga Rạch Chiếc (TP. Thủ Đức).

Ngoài ra, đối với dự án mở rộng Quốc lộ 50, huyện Bình Chánh dự kiến toàn bộ dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2024. Đến nay, tổng khối lượng đắp cát xây lấp mặt bằng đạt 64%; xử lý nền đất yếu bằng cọc xi-măng đất đạt 29%.

Hiện nay, dự án gặp khó khăn chính là mặt bằng chưa được bàn giao đầy đủ, hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa được di dời xong nên làm chậm tiến độ thi công. Trong đó, có 597/725 hộ đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ với hơn 558,8 tỷ đồng, đạt 96,7% kế hoạch vốn; 607/725 hộ đã bàn giao mặt bằng với diện tích hơn 23,73ha; có 118 hộ chưa đồng ý bàn giao mặt bằng với diện tích gần 2 ha.

Đối với dự án Thành phần số 1 đường Vành đai 3, trong tháng 6, Ban giao thông nhận mặt bằng từ 4 huyện có đường Vành đai 3 đi qua và khởi công dự án Thành phần 1 vào ngày 18/6/2023. Đến thời điểm hiện nay, nguồn vật liệu cung cấp cho Dự án đường vành đai 3 đã sẵn sàng và sẽ có biện pháp bảo đảm phục vụ công tác thi công liên tục đến khi hoàn thành.

Riêng dự án Thành phần số 2 đường Vành đai 3, tính đến giữa tháng 6, tỷ lệ bàn giao mặt bằng cho Vành đai 3 trên địa bàn Thành phố đạt khoảng 87%, Hóc Môn là địa phương có tỷ lệ bàn giao mặt bằng cao nhất với hơn 95%. Huyện Bình Chánh, Củ Chi và Thành phố Thủ Đức cũng lần lượt đạt hơn 93%, 84% và 72%. Việc chi trả, bồi thường giải phóng mặt bằng hết tháng 6 ước đạt hơn 7.000 tỷ đồng.

Vấn đề hiện nay TP. Hồ Chí Minh quan tâm là chú trọng giải ngân các dự án trọng điểm mang tính kết nối vùng, có tác động lan toả cao như: Dự án Metro số 1, Metro số 2, Vành đai 3, nhà ga T3, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.

“Bài toán” đưa Nghị quyết 98 vào cuộc sống

Quyết tâm thực hiện bằng được Nghị quyết của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM với tư tưởng chủ động, kịp thời, bám sát tình hình thực tiễn, hành động quyết liệt và có sản phẩm cụ thể với hiệu quả cân đong đo đếm được, nhân dân được thụ hưởng thật; ban hành văn bản hướng dẫn chậm nhất là ngày 15/8.

Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc làm việc theo hình thức trực tuyến của Thường trực Chính phủ với TPHCM triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

Ai cũng biết, TP. Hồ Chí Minh có vị trí đặt biệt quan trọng đối với cả nước. Từ ngày đổi mới (năm 1986 đến nay), Thành phố mang tên Bác luôn đóng vai trò đầu tàu, dẫn dắt, lan tỏa. Tuy nhiên, thời gian gần đây, TP.Hồ Chí Minh tăng trưởng chậm lại. Có nguyên nhân về chính sách.

Vì thế, tại Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022, Bộ Chính trị đã giao: "Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo ban hành Nghị quyết của Quốc hội (thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội) để cho phép thí điểm cơ chế, chính sách vượt trội phát triển TPHCM. Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp với Thành phố để hoàn chỉnh Đề án ban hành Nghị quyết mới về thí điểm cơ chế, chính sách vượt trội phát triển Thành phố trình Quốc hội". Và, Kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khóa XV (ngày 24/6/2023), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/8/2023. Nghị quyết 98 của Quốc hội xác định 44 cơ chế, chính sách đặc thù cho TP. Hồ Chí Minh.

Trong các nhiệm vụ Quốc hội giao Chính phủ, có nội dung cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý các vấn đề chưa phân cấp, phân quyền cho Thành phố. Đồng thời, ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với thẩm quyền nhằm điều chỉnh, bổ sung các quy định phù hợp giải quyết những bất cập phát sinh trong thực tiễn quản lý, phát triển Thành phố. Mở rộng việc phân cấp, ủy quyền cho HĐND và UBND Thành phố so với các quy định hiện hành.

Rõ ràng, không thể chế hóa thành các chính sách cụ thể, trên các lĩnh vực thì “cơ chế” mới được “gỡ” một nửa và khó thực thi. Kinh nghiệm lâu nay cho thấy, tổ chức thực hiện Nghị quyết là công việc có nhiều khó khăn, thách thức nhất; và trong quá trình đó, yếu tố quyết định là cán bộ, con người. Cán bộ, nhất là người đứng đầu vừa làm vừa “run” thì không thể có hiệu quả. Nói như bà Trương Thị Mai, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương: "Người đứng đầu không dám làm, sợ trách nhiệm thì làm sao cấp phó và phía dưới mạnh mẽ và quyết liệt được”.

TP. Hồ Chí Minh bao giờ cũng là tấm gương đầu tàu; do vậy việc thực hiện thành công Nghị quyết số 98 của Quốc hội còn có tác dụng lan tỏa. Thời gian vừa qua, không riêng TP. Hồ Chí Minh mà nhiều địa phương đã được Trung ương cho phép “thí điểm đặc thù”./.

Từ Tâm (biên soạn)