Xây dựng khu kinh tế Đông Nam thành động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh Nghệ An

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 02:00, 05/01/2022

(VLR) UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Kế hoạch số 812/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Đề án phát triển Khu kinh tế Đông Nam thành động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Khu công nghiệp VSIP - một điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư của tỉnh Nghệ An

Khu công nghiệp VSIP - một điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư của tỉnh Nghệ An

Kế hoạch được xây dựng nhằm cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp đề ra trong Đề án; xác định rõ nhiệm vụ của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương nơi có khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn; nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức triển khai thực hiện.

Xây dựng và phát triển Khu kinh tế Đông Nam thành khu vực phát triển kinh tế năng động, có sức hấp dẫn và cạnh tranh cao trong khu vực Bắc Trung Bộ, trọng tâm là phát triển kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp đồng bộ, hiện đại gắn liền với xây dựng và khai thác có hiệu quả cảng biển Cửa Lò, Đông Hồi. Tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư, thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gia tăng giá trị sản xuất, tăng nguồn thu ngân sách, giải quyết nhiều việc làm và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế; bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo Kế hoạch, giai đoạn 2021-2025, sẽ thực hiện điều chỉnh ranh giới Khu kinh tế Đông Nam lên 80.000ha (bao gồm 70.000ha đất liền và 10.000ha mặt nước biển), trong đó, diện tích khu công nghiệp khoảng 15.000ha, đổi tên thành Khu kinh tế Nghệ An. Quy hoạch phát triển 10 - 12 Khu công nghiệp ngoài Khu kinh tế với diện tích tự nhiên khoảng 4.500ha. Thu hút đầu tư 100 - 120 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 75.000 - 90.000 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư nước ngoài khoảng 2,26 tỷ USD. Vốn đầu tư thực hiện ước đạt trên 60% so với vốn đầu tư đăng ký. Thu ngân sách trong Khu kinh tế Đông Nam, các khu công nghiệp đến năm 2025 chiếm khoảng 20-25% tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh. Đến năm 2025, giải quyết việc làm cho khoảng 80.000 - 100.000 người lao động.

Giai đoạn 2016-2030, phát triển kết cấu hạ tầng 3-5 khu công nghiệp mới, với diện tích khoảng 1.800-2.000 ha. Thu hút đầu tư 130-150 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 100.000-120.000 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư nước ngoài khoảng 3,67 tỷ USD. Phấn đấu đến năm 2030, thu ngân sách trong Khu kinh tế Đông Nam, các khu công nghiệp chiếm khoảng 45 - 50% tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh; giải quyết việc làm cho khoảng 150.000 - 180.000 người lao động.

Để đạt được mục tiêu, chỉ tiêu trên, UBND tỉnh Nghệ An đề ra 8 nhiệm vụ, giải pháp thực hiện. Trong đó, xây dựng và ban hành cơ chế đặc thù về bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư đối với khu chức năng, khu công nghiệp để thúc đẩy nhanh quá trình thu hồi đất, bàn giao đất cho nhà đầu tư triển khai dự án. Nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển hàng hóa đi quốc tế và dịch vụ logistics qua cảng Cửa Lò và cảng Đông Hồi. Phát triển Khu kinh tế Đông Nam theo hướng mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế, gắn với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; phù hợp với quy hoạch phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và hành lang kinh tế Đông - Tây, đảm bảo liên kết, hợp tác với các trung tâm kinh tế trong khu vực.

Cùng với đó, tập trung nguồn vốn cho đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, công trình dịch vụ và tiện ích công cộng trong khu kinh tế từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn, nguồn vốn ngân sách địa phương và nguồn vốn khác; nghiên cứu bổ sung Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An vào nhóm các khu kinh tế ven biển trọng điểm của cả nước. Xây dựng kế hoạch xúc tiến, thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm với những đối tác, ngành nghề, dự án ưu tiên đầu tư, phù hợp với quy hoạch khu kinh tế, khu công nghiệp; đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, nhất là hỗ trợ, giải quyết kịp thời khó khăn vướng mắc các dự án trọng điểm để tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đất đai, bảo vệ môi trường trong khu kinh tế, khu công nghiệp...

UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu việc tổ chức triển khai thực hiện các nội dung tại Kế hoạch này phải kịp thời, đồng bộ, hiệu quả, khả thi, phù hợp với đặc điểm tình hình, điều kiện thực tế của tỉnh và các địa phương liên quan; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ theo tiến độ và kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh để xây dựng Khu kinh tế Đông Nam thành động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Duy Ngợi