"Mạch máu" logistics phải luôn "tuần hoàn" trong nền kinh tế

Toàn cảnh Kinh tế - Ngày đăng : 10:32, 17/07/2023

Theo tính toán của Bộ giao thông vận tải và một số báo cáo của các cơ quan chức năng, chi phí logistics của Việt Nam hiện đang chiếm khoảng 18-20% GDP, điều này cho thấy, logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, vai trò đặc biệt quan trọng này ít được xã hội quan tâm cho đến khi xảy ra đại dịch Covid 19. Vậy nên sau đại dịch, Nhà nước cần có thêm những chính sách mới để ngành logistics phát triển xứng tầm trong giai đoạn sắp đến.

Cuộc sống đảo lộn, doanh nghiệp lao đao vì ngành logistics tê liệt

f528ea67eeeb0db554fa-compressed.jpeg

Đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, do đứt gãy chuỗi cung ứng nên không thể nhập khẩu nguyên liệu, hàng hóa hoặc không thể xuất khẩu sản phẩm ra thị trường quốc tế. Nếu có thể nhập khẩu hoặc xuất khẩu được thì giá thành sản phẩm cũng rất cao vì giá cước đường biển quốc tế tăng gấp 2-3 lần so với trước khi xảy ra đại dịch nên doanh nghiệp giảm lợi thế cạnh tranh. Việc tìm được đơn vị logistics để hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu trong giai đoạn này vô cùng khó khăn. Các doanh nghiệp nào có đội ngũ chuyên gia logistics hoặc có hệ thống thầu phụ logistics tốt sẽ có nhiều lợi thế so với các doanh nghiệp lâu nay ít quan tâm đến mảng logistics.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng không thể phân phối sản phẩm đi các địa bàn trong nước do các quy định phòng dịch, cách ly giữa các địa phương. Doanh nghiệp nào có hệ thống phân phối, kho, nhà máy phân bố đều trên cả nước sẽ có nhiều lợi thế hơn.

Đối với ngành y tế, nhu cầu vận chuyển, lưu kho trang thiết bị y tế để phục vụ phòng chống dịch cũng gặp nhiều khó khăn do dịch vụ logistics bị ngưng trệ. Hoạt động logistics bị hạn chế do quy định phòng dịch cộng thêm một số thủ tục hành chính rườm rà. Trong giai đoạn này vai trò hoạt động của logistics vô cùng quan trọng trong việc hỗ trợ ngành y tế nhằm đáp ứng kịp thời các nhu cầu trang thiết bị y tế, dược phẩm, thuốc men nhằm chống dịch và cứu người bệnh.

Không để đứt gãy chuỗi cung ứng

Có thể nói, vai trò của ngành logistics trong đại dịch đã thể hiện rất rõ nét, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống, xã hội và nền kinh tế. Vì vậy, cần có một số chính sách phù hợp để đưa ngành dịch vụ logistics đóng một vai trò quan trọng hơn nữa trong nền kinh tế quốc dân. Các doanh nghiệp cũng cần rút ra các bài học kinh nghiệm trong quản trị để không lúng túng, bị động trong việc điều hành doanh nghiệp.

13854b82809cc9830545ec49876018c5_201896231845-compressed.jpeg

Vấn đề đầu tiên trong thực thi chính sách là trong bất cứ tình huống bất khả kháng nào như thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh... vẫn phải bảo đảm không để đứt gãy chuỗi cung ứng nói chung và hoạt động logistics nói riêng. Hoạt động logistics được ví như mạch máu nuôi cơ thể, phải được tuần hoàn trong nền kinh tế. Trong giai đoạn xảy ra đại dịch Covid-19 một số địa phương đã ban hành một số chính sách mang tính chất cục bộ gây nên tình trạng ngăn sông cấm chợ, làm cho hoạt động logistics bị ngưng trệ, dẫn đến đời sống người dân vô cùng khó khăn do thiếu thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu. Các chính sách cục bộ địa phương này cũng làm cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu đình trệ do không thể nhập nguyên liệu hoặc phân phối sản phẩm gây thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế. Vì vậy khi ban hành chính sách, các cơ quan có thẩm quyền phải thận trọng, đảm bảo hoạt động logistics luôn an toàn, thông suốt.

Nhà nước cần có một chiến lược đặc thù để phát triển thương mại điện tử và e-logistics vì trong những điều kiện bất khả kháng như đại dịch vừa qua hoạt động thương mại điện tử, e-logistics có những đóng góp vô cùng quan trọng trong việc lưu thông hàng hóa, ổn định đời sống người dân. Hơn thế nữa, thương mại điện tử, e-logistics là xu thế phát triển hiện nay của ngành logistics trên thế giới, tuy nhiên để phát triển cần sự đầu tư hỗ trợ rất lớn về công nghệ, tài chính cho ngành logistics vốn còn yếu kém của chúng ta.

007-compressed.jpeg

Từ đại dịch Covid-19 có thể thấy vai trò quan trọng của các trung tâm logistics ở từng khu vực trong điều kiện bị cô lập, cách ly vì dịch bệnh, thiên tai thì các trung tâm logistics ở các khu vực trọng điểm sẽ có vai trò rất lớn trong việc duy trì hoạt động logistics cho khu vực đó thông qua hệ thống kho bãi, phương tiện vận tải, trung tâm phân phối... sẵn có ở khu vực. Nhà nước cần thúc đẩy nhanh việc hình thành các trung tâm logistics đã được quy hoạch ở các khu vực trọng điểm như Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Đồng bằng sông Cửu Long... theo quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 03/7/2015 quy hoạch các trung tâm logistics đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Ở góc độ doanh nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu cần quan tâm nhiều hơn đến mảng logistics bằng cách xây dựng hệ thống nhà thầu phụ cung cấp dịch vụ logistics tin cậy, uy tín hoặc xây dựng bộ phận, phòng ban logistics tại doanh nghiệp mình đủ mạnh để hoạt động sản xuất, phân phối không bị đình trệ khi xảy ra các sự cố bất khả kháng.

(*) Viện quản trị và công nghệ FSB - Đại học FPT

Nhớ lại, trong giai đoạn xảy ra đại dịch Covid- 19, để bảo đảm phòng chống dịch, Chính phủ đã áp dụng các biện pháp quyết liệt, hạn chế sự đi lại, di chuyển... từ đó đã tác động rất lớn đến hoạt động của ngành logistics. Có thể thấy tác động rõ nhất đến đời sống của hàng triệu người dân do thiếu lương thực, thực phẩm. Hàng hóa tiêu dùng, thực phẩm không thể đưa đến các tỉnh, thành phố bị cô lập. Hoạt động vận tải từ các vùng dịch bị kiểm soát gắt gao nên không thể cung cấp hàng hóa thiết yếu theo nhu cầu. Tuy nhiên, trong đại dịch nhờ sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử và e-logistics mà phần lớn hàng hóa thiết yếu vẫn được đến tay người dân nhờ các giao dịch, mua bán không tiếp xúc, sử dụng công nghệ. Phải thừa nhận rằng, chính thương mại điện tử và e-logistics đã đóng góp rất lớn vào việc ổn định đời sống của người dân trong đại dịch thông qua việc giao hàng nhanh chóng, tiện lợi đến tay người tiêu dùng.

TS. Võ Duy Nghi