Tranh chấp về giới hạn trách nhiệm của người vận chuyển

Đào tạo - Ngày đăng : 20:38, 17/07/2023

Quyền giới hạn trách nhiệm của người vận chuyển không phải là quyền mặc hiên và quyền này có thể bị mất hiệu lực thi hành. Qua vụ kiện dưới đây để bạn đọc tham khảo.

Tóm tắt sự việc

Một công ty cổ phần chế tạo ô tô (Công ty chế tạo) tham gia bảo hiểm hàng hóa theo Đơn bảo hiểm số 4586869 cấp ngày 24/08/2020 (Giấy sửa đổi, bổ sung số 1984575 ngày 24/08/2020) tại một doanh nghiệp bảo hiểm với số tiền bảo hiểm là 34.487.011.694 đồng Việt Nam. Ngày 01/12/2019, Công ty chế tạo đã ký Hợp đồng dịch vụ (Hợp đồng) với Bị đơn (Công ty vận chuyển), theo đó, Bị đơn nhận vận chuyển hàng hoá được bảo hiểm cho Công ty chế tạo từ Cảng Xingang, Trung Quốc tới Cảng Hải Phòng, Việt Nam theo các Vận đơn số CKPANXG2008169 và số HASLC2200800106.

banner-compressed.jpeg

Ngày 02/10/2020, khi tiến hành kiểm tra giao nhận hàng hoá tại Kho hàng Công ty chế tạo thuộc Khu Công nghiệp Gián Khẩu, xã Gia Trấn, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh 

Bình, Công ty chế tạo phát hiện hàng hóa trong các container số TEMU8652994 và DRYU9733017 bị ẩm ướt và gửi Thông báo tổn thất đề ngày 05/10/2020 đến các bên có liên quan.

Doanh nghiệp Bảo hiểm (Nguyên đơn) đã trả tiền bồi thường bảo hiểm cho Công ty chế tạo và thế quyền của họ để đòi Công ty vận chuyển bồi hoàn số tiền đó nhưng Công ty vận chuyển không trả và phát sinh tranh chấp về nhiều vấn đề liên quan đến tổn thất hàng hóa (linh kiện). Dưới đây là tranh chấp về giới hạn trách nhiệm của người vận chuyển để bạn đọc tham khảo. Bị đơn cho rằng mình được giới hạn trách nhiệm bồi thường nhưng Nguyên đơn không chấp nhận và đã khởi kiện tại trọng tài, yêu cầu Bị đơn bồi hoàn số tiền 1.776.998.112 đồng Việt Nam (chưa bao gồm 10% thuế GTGT).

Quan điểm của nguyên đơn

Nguyên đơn cho rằng phạm vi nội dung dịch vụ vận tải mà Bị đơn nhận cung cấp cho Công ty chế tạo được định nghĩa tại Hợp đồng, theo đó: “Dịch vụ vận tải” nghĩa là dịch vụ vận chuyển hàng hoá bằng đường biển bao gồm chuyên chở, vận tải, lưu kho, bốc, dỡ hàng, lập chứng từ, khai báo hải quan và các dịch vụ phát sinh khác liên quan đến hàng linh kiện từ Cảng đi ... tới Cảng đến...”. “Trong trường hợp linh kiện bị hư hỏng hoặc đổ vỡ xảy ra trong quá trình vận chuyển do Bên A [Công ty vận chuyển] thực hiện, Bên A sẽ bồi hoàn và bồi thường cho Bên B [Công ty chế tạo] bất kỳ thiệt hại và/ hoặc mất mát dựa trên các chứng cứ và tài liệu mà Bên B cung cấp” (Điều 9.1 của Hợp đồng). Vì vậy, việc Bị đơn căn cứ quy định tại Điều 152 Bộ luật hàng hải Việt Nam năm 2015 để giới hạn trách nhiệm bồi thường là không đúng với thỏa thuận về bồi thường thiệt hại quy định tại Điều 9 của Hợp đồng.

Quan điểm của bị đơn

air-logistics-cargo-airplane-flying-stack-logistic-container-cargo-shipping-business-compressed.jpeg

Bị đơn căn cứ vào khoản 1 và 2 Điều 152 Bộ luật hàng hải Việt Nam năm 2015 về giới hạn trách nhiệm của người vận chuyển, được quy định như sau: “1. Trong trường hợp tính chất, giá trị của hàng hóa không được người giao hàng khai báo trước khi bốc hàng hoặc không được ghi rõ trong vận đơn, giấy gửi hàng đường biển hoặc chứng từ vận chuyển khác thì người vận chuyển chỉ có nghĩa vụ bồi thường mất mát, hư hỏng hàng hóa hoặc tổn thất khác liên quan đến hàng hóa trong giới hạn tối đa tương đương với 666,67 đơn vị tính toán cho mỗi kiện hoặc cho mỗi đơn vị hàng hóa hoặc 02 đơn vị tính toán cho mỗi kilôgam trọng lượng cả bì của số hàng hóa bị mất mát, hư hỏng tùy theo giá trị nào cao hơn. 

Đơn vị tính toán quy định trong Bộ luật này là đơn vị tiền tệ do Quỹ tiền tệ quốc tế xác định và được quy ước là Quyền rút vốn đặc biệt. Tiền bồi thường được chuyển đổi thành tiền Việt Nam theo tỷ giá tại thời điểm thanh toán bồi thường. 2. Khi container hoặc công cụ tương tự được dùng để đóng hàng hóa thì mỗi kiện hoặc đơn vị hàng hóa đã ghi trong chứng từ vận chuyển, đã đóng vào công cụ được coi là một kiện hoặc 01 đơn vị hàng hóa quy định tại khoản 1 Điều này. Trường hợp chứng từ vận chuyển không ghi rõ số kiện hoặc đơn vị hàng hóa thì container hoặc công cụ đó chỉ được xem là 01 kiện hoặc 01 đơn vị hàng hóa” . Do đó, Bị đơn không chấp nhận yêu cầu bồi hoàn toàn bộ số tiền mà Nguyên đơn đã bồi thường cho Công ty chế tạo (người được bảo hiểm).

Phán quyết trọng tài

Hội đồng Trọng tài xem xét khoản 3 Điều 9 của Hợp đồng, được nêu như sau: “Nếu thiệt hại phát sinh do [...] sự thiếu sót của Bên A [Bị đơn] trong quá trình nhận định nguy cơ về việc xảy ra thiệt hại, Bên A không thể vận dụng giới hạn trách nhiệm được quy định trong Luật Thương mại, Luật Hàng hải và Vận đơn” và cho rằng, Bị đơn đã không đánh giá đầy đủ nguy cơ gây ra thiệt hại của cơn bão Maysak nên đã không thông báo về sự kiện bất khả kháng và không áp dụng các biện pháp cần thiết và khả năng cho phép để khắc phục, hạn chế ảnh hưởng của sự kiện bão Maysak ở Busan, Hàn Quốc. Đây là thiếu sót của Bị đơn theo quy định tại khoản 3 Điều 9 của Hợp đồng. Vì thế, Bị đơn không được áp dụng các giới hạn trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Do đó, Hội đồng Trọng tài quyết định buộc Bị đơn phải bồi hoàn toàn bộ số tiền mà Nguyên đơn đã bồi thường cho người được bảo hiểm.

Lưu ý: Để được hưởng giới hạn trách nhiệm của người vận chuyển, cần xem xét (i) quy định của Điều 153 Bộ luật hàng hải Việt Nam năm 2015 về mất quyền giới hạn trách nhiệm của người vận chuyển như sau: “1. Người vận chuyển mất quyền giới hạn trách nhiệm của người vận chuyển quy định tại Điều 152 của Bộ luật này nếu người khiếu nại chứng minh được mất mát, hư hỏng hàng hóa là hậu quả do người vận chuyển đã có hành vi cố ý gây mất mát, hư hỏng, chậm trả hàng hoặc cẩu thả và biết rằng việc mất mát, hư hỏng hoặc chậm trả hàng đó có thể xảy ra. 2. Người làm công, đại lý của người vận chuyển thực hiện với chủ định gây ra mất mát, hư hỏng hàng hóa, chậm trả hàng hoặc cẩu thả và biết rằng việc mất mát, hư hỏng hoặc chậm trả hàng đó có thể xảy ra cũng không được giới hạn trách nhiệm quy định tại Mục này”; và (ii) không nên thỏa thuận làm mất đi quyền được hưởng giới hạn trách nhiệm theo quy định của pháp luật mặc dù pháp luật không cấm làm việc này.

Ngô Khắc Lễ