Nông nghiệp và chuỗi cung ứng cần sợi dây liên kết bền chặt
Nông nghiệp - Ngày đăng : 14:34, 19/07/2023
Trước đây, người ta chỉ đánh giá việc thiệt hại cây trồng, vật nuôi do sâu bệnh, thời tiết... khiến cho người nông dân phải chịu chi phí cao, thậm chí là tổn thất mà đưa ra thị trường không đạt chất lượng như mong muốn. Việc thất thoát, lãng phí thực phẩm trong quá trình vận chuyển, lưu kho cũng là một vấn đề đáng quan tâm.
Bảo quản thực phẩm trong chuỗi cung ứng
Trong bảo quản, việc lãng phí và thất thoát thực phẩm xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy vậy chủ yếu là do xử lý và bảo quản không đúng cách. Đối với rau quả, tổn thất chủ yếu là do rơi vãi trong quá trình vận chuyển. Với sản phẩm thịt, cá thường bị hư hỏng do quá trình ướp lạnh, bảo quản và đóng gói. Ngay cả các quốc gia tiên tiến dù có đủ cách lưu trữ, kho lạnh đảm bảo nhưng vẫn xảy ra khi gặp sự cố kỹ thuật, dự trữ quá nhiều hoặc nhiệt độ không phù hợp. Trong khi tại Việt Nam, kho lạnh không đảm bảo, không nhiều và không đủ tiêu chuẩn để giữ được độ tươi cho sản phẩm.
Ngoài ra, do cơ sở hạ tầng chưa tốt, nên trong quá trình vận chuyển việc thực phẩm bị va đập, bầm dập khiến mặt hàng bị từ chối trả về. Đặc biệt, một số quốc gia có yêu cầu sản phẩm cao như Nhật Bản, họ có quy tắc một phần ba, đòi hỏi thực phẩm và đồ uống phải được giao trong một phần ba thời hạn sử dụng của chúng, và phải đảm bảo an toàn, không sử dụng sản phẩm vượt chỉ tiêu an toàn.
Lãng phí thực phẩm ngoài việc gây tốn kém còn ảnh hưởng đến an ninh lương thực toàn cầu, khiến cho môi trường bị ô nhiễm.
Thực tế này để thấy không chỉ những người nông dân, nhà sản xuất nông nghiệp... cần tìm những giải pháp hữu hiệu để hạn chế việc lãng phí sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt trong chuỗi cung ứng để nền nông nghiệp ngày một phát triển, hiệu quả cũng như tạo được giá trị lớn hơn.
Sợi dây liên kết bền chặt hơn
Trong tiến trình phát triển, các doanh nghiệp, người nông dân đều nhận thấy rằng việc đảm bảo đầu ra cho nông sản, tính đồng nhất về chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng là vô cùng quan trọng. Do đó, không thể không chú trọng đến việc đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật logistics, để đảm bảo được chất lượng và các điều kiện giao hàng.
Nông sản Việt Nam nếu không muốn tình trạng hư hỏng, tổn thất, sụt giảm chất lượng trong quá trình lưu kho, vận chuyển giao hàng thì cần cái bắt tay những hợp đồng, phương thức sản xuất theo hợp đồng. Nếu không rất khó để nền nông nghiệp tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu, hoặc sẽ bị từ chối, sức ép cạnh tranh của các nhà cung ứng nông sản và thực phẩm chuyên nghiệp của nước ngoài.
Logistics có liên quan đến tất cả các khâu nông sản kể cả nuôi trồng, chế biến và sản xuất. Từ khâu đầu vào đảm bảo giống, đảm bảo vật tư nông nghiệp, đến khâu canh tác, tổ chức sản xuất, trồng trọt, và cuối cùng là khâu thu mua nông sản tươi; khâu chế biến; khâu tiêu thụ, xuất khẩu.
Hiện tại, ngành nông nghiệp và logistics vẫn chưa tìm thấy sự liên kết chặt chẽ. Giao dịch giữa hai bên phần lớn là ký kết thuê theo hợp đồng thời vụ, không có sự hỗ trợ nhau về giá, cùng nhau nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ.
Thêm nữa, chúng ta có quá nhiều công ty sản xuất và logistics với quy mô nhỏ, làm ăn nhỏ lẻ, theo thời vụ, không đủ năng lực, điều kiện để có cơ hội hợp tác phát triển lâu dài. Cũng vì qui mô còn nhỏ lẻ nên hoạt động của chuỗi cung ứng cũng chưa thực sự hiệu quả, xây dựng được giá trị, thương hiệu.
Các bên sản xuất, phân phối nông sản, các chuỗi nhà hàng và siêu thị cần hợp tác chặt chẽ hơn với bên dịch vụ chuỗi cung ứng, lạnh, tập trung các tiêu chí giá trị, chất lượng và mức độ xuyên suốt trên toàn chuỗi. Để nông sản đảm bảo chất lượng trong bảo quản và vận chuyển thì doanh nghiệp cần cân nhắc khi chọn lựa giữa dịch vụ logistics giá rẻ và dịch vụ logistics xuyên suốt và giá trị cao.
Đến nay, các nhà nông nghiệp, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp đã nhận rõ logistics có tác động rất lớn đến việc giá trị nông sản được đánh giá thấp hay cao. Việt Nam có rất nhiều lợi thế để sản xuất nông sản, từ sự đa dạng về thời tiết, đất đai, người dân cần cù, yêu lao động. Nhưng dường như người nông dân vẫn luôn chịu vất vả, chịu rủi ro, chịu nhiều yếu thế, thu nhập không cao.
Nông sản có tác động rõ rệt đến hoạt động logistics bởi tính thời vụ. Dù tính thời vụ này được hạn chế nhiều bởi trình độ sản xuất, canh tác. Tuy vậy, một số loại nông sản đặc trưng vẫn chịu sự ảnh hưởng từ tự nhiên như địa lý, thổ nhưỡng, thời tiết, khí hậu... nên nông sản Việt Nam vẫn có đặc điểm “mùa nào thức nấy”. Để có được những quả trái trái mùa đòi hỏi chúng ta phải đầu tư vào công nghệ, thiết bị... đặc biệt là lĩnh vực chế biến và công nghệ bảo quản. Nếu không chú trọng đầu tư vào khâu bảo quản thì năng lực cạnh tranh của mặt hàng nông sản Việt Nam sẽ rất khó tham gia vào chuỗi giá trị của thương mại toàn cầu, vì bản thân nông sản có thời gian bảo quản tự nhiên rất ngắn. Ngoài ra, các mắt xích liên quan như hạ tầng kho bãi, vận chuyển, thông quan cũng là những tố quan trọng góp phần vào sự phát triển và thành công của logistics Việt Nam.