Nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư vào hậu cần và dịch vụ hàng hoá hàng không quốc tế
Thương hiệu - Giao thương - Ngày đăng : 14:49, 19/07/2023
Cainiao Network, nhánh hậu cần của tập đoàn công nghệ nặng ký Alibaba của Trung Quốc, đã tăng số lượng trung tâm phân phối ở nước ngoài lên đến 15 cơ sở để củng cố mạng lưới hậu cần toàn cầu của mình. Họ đang tập trung vào việc giao hàng chặng cuối và tủ khóa thông minh để cải thiện và bản địa hóa các dịch vụ của mình ở các quốc gia nhận đơn hàng.
Công ty này đã lập sáu trung tâm hậu cần thông minh trên khắp thế giới và vận hành hơn 3 triệu mét vuông không gian kho bãi xuyên biên giới, đồng thời có hơn 240 chuyến bay thuê cho dịch vụ hậu cần đường dài mỗi tháng.
Theo ông Liu Xinyang – Tổng giám đốc của Cainiao Export Logistics, điểm quan trọng cần chú ý là hợp lý hóa và số hóa các khả năng vận tải và dịch vụ hậu cần, cũng như chuỗi cung ứng xuyên biên giới. Ông chia sẻ thêm: “Đại dịch Covid-19 đã nâng tầm quan trọng của các dịch vụ hậu cần xuyên biên giới ổn định và hiệu quả, đặc biệt khi nhiều thương nhân chuyển sang giao dịch trực tuyến để khai thác cơ sở người tiêu dùng nước ngoài mở rộng hơn”.
“Cainiao vẫn sẽ tiếp tục cam kết xây dựng cơ sở hạ tầng hậu cần toàn cầu và tăng cường các dịch vụ hoàn thiện đơn hàng đầu cuối, từ đó hỗ trợ các thương nhân xuất khẩu tốt hơn trong các hoạt động kinh doanh xuyên biên giới riêng biệt”, ông cho biết thêm.
Vào tháng 11, Cainiao đã chính thức khai trương trung tâm phân phối thông minh đầu tiên của mình tại Brazil, đồng thời có kế hoạch mở cửa thêm 9 trung tâm tương tự tại đây trong ba năm tới.
JD Logistics, một nhánh của nền tảng thương mại điện tử JD tại Trung Quốc, hiện đang tăng cường nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng hậu cần với quy mô toàn cầu. Kế hoạch này bao gồm mở rộng thêm nhà kho ở châu Mỹ, châu Âu, Đông Nam Á, Úc và Trung Đông. Các doanh nghiệp Trung Quốc khác cũng đang đẩy nhanh các bước để mở rộng hoạt động kinh doanh tại các khu vực này, với tỷ lệ thâm nhập thương mại điện tử tiếp tục tăng.
Ji Jie, tổng giám đốc kho bãi và phân phối quốc tế tại JD Logistics, cho biết công ty đã khai trương các nhà kho tự vận hành tại Hoa Kỳ, Đức, Hà Lan, Pháp, Anh, Đông Nam Á, Trung Đông và Úc.
Zhang Zhouping, nhà phân tích cấp cao về các hoạt động giữa các doanh nghiệp và hoạt động xuyên biên giới tại Internet Economy Institute cho biết: “Các kho hàng tại nước ngoài đang đóng vai trò là cơ sở hạ tầng quan trọng giúp thúc đẩy tăng trưởng trong lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc”, với việc các cơ sở vật chất này cho phép thông quan nhanh hơn, giao hàng nhanh hơn và tiết kiệm chi phí hơn.
Lu Zhenwang, Giám đốc điều hành của Wanqing Consultancy có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết việc mở các nhà kho ở nước ngoài không chỉ quảng bá các thương hiệu và sản phẩm của Trung Quốc ra quốc tế, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp ngoại thương Trung Quốc và giới thiệu số lượng lớn sản phẩm ở nước ngoài tới người tiêu dùng Trung Quốc.
Ngoài ra, JD Logistics đã nhận được sự chấp thuận từ các nhà chức trách hàng không để đưa đội máy bay vận tải hàng không do chính họ sở hữu vào hoạt động và tăng cường năng lực vận chuyển hàng hóa đường dài. Công ty cũng cho biết rằng họ sẽ phát triển hàng hóa hàng không nội địa đầu tiên để phủ kín các thành phố lớn trên toàn quốc, từ đó sẽ đẩy mạnh hoạt động ra thị trường hàng hóa hàng không quốc tế như Bắc Mỹ, châu Âu, Trung Đông, Đông Nam Á, Nhật Bản và Hàn Quốc vào cuối năm 2025.
Tại Sân bay Ezhou Huahu ở tỉnh Hồ Bắc, sân bay đã hoạt động vào tháng 7 và được hỗ trợ bởi nhà cung cấp dịch vụ hậu cần Trung Quốc SF Express cũng bắt đầu mở các tuyến hàng hóa nối Ezhou với Thượng Hải và Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông.
Là sân bay vận tải hàng không chuyên dụng đầu tiên ở châu Á và là sân bay thứ tư trên toàn cầu, sân bay Ezhou Huahu dự kiến sẽ mở hơn 50 tuyến nội địa và hơn 10 tuyến vận chuyển hàng hóa quốc tế vào năm 2025, với sản lượng hàng hóa đạt 2,45 triệu tấn.
Trung tâm trung chuyển hàng hóa của SF Express tại sân bay sẽ bắt đầu hoạt động vào cuối tháng 6 này. Hơn nữa, sân bay còn có kế hoạch mở các đường bay đến thành phố Frankfurt ở Đức, Liege ở Bỉ, Doha - thủ đô của Qatar và Osaka tại Nhật Bản.
Yang Daqing, phó giám đốc nghiên cứu của Liên đoàn Giao Nhận và Mua hàng Trung Quốc, cho biết vận tải hàng không chỉ chiếm một tỷ lệ tương đối nhỏ trong hệ thống giao thông toàn diện của Trung Quốc. Hệ thống này không thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng nhanh của người tiêu dùng đối với các sản phẩm công nghệ cao và dịch vụ chuỗi hậu cần lạnh liên quan đến vận chuyển hàng hóa tươi sống và thuốc men.
Ông Yang chia sẻ thêm: “Tình trạng thiếu năng lực vận tải hàng không và các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không chuyên biệt, cùng với chi phí vận chuyển gia tăng đang ngày càng nghiêm trọng hơn sau bối cảnh đại dịch Covid-19”.
Việc phát triển kinh doanh vận tải hàng không quốc tế sẽ giúp các doanh nghiệp tăng năng lực vận chuyển hàng hóa đường dài, ngoài ra còn thiết lập mạng lưới hậu cần ở nước ngoài và nâng cao hiệu quả giao hàng và xuất khẩu xuyên biên giới.
Theo chinadaily.com