Hậu cần ngược: Yếu tố cốt lõi của nền kinh tế tuần hoàn trong tương lai
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 14:59, 19/07/2023
Trong buổi trao đổi “Cơ hội tuần hoàn” ở sự kiện Intel Vision 2022 tổ chức vào ngày 11/5 năm ngoái, các diễn giả đến từ các OEM, công ty dịch vụ doanh nghiệp và phát triển phần mềm đã cùng nhau thảo luận về việc hướng đến nền kinh tế tuần hoàn mới: Đây sẽ là cơ hội kinh doanh như thế nào và cần làm gì để đạt được điều đó.
Theo Ayla Olvera, Giám đốc chương trình hậu cần ngược tại Intel chia sẻ rằng, nền kinh tế tuần hoàn có thể mang lại lợi ích kinh tế lên đến 4,5 nghìn tỷ USD vào năm 2030, “vì vậy chúng ta có rất nhiều cơ hội để nắm bắt ngay bây giờ”.
Olvera cũng chia sẻ thêm rằng, không một công ty nào có thể tự mình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn. “Cách duy nhất để phát triển là hợp nhất các sáng kiến và chương trình của chúng ta”. Ủng hộ ý kiến này, Nick Abbatiello – kỹ sư cấp cao của Dell Technologies cũng đồng ý về việc “chúng ta không thể làm điều này theo cá nhân được”.
Theo ông Abbatiello, các chương trình trả lại hàng điện tử của Dell sẽ nhận lại bất kỳ thương hiệu nào, và khi hợp tác với đối thủ cạnh tranh thì “không có gì không thể xảy ra cả”. Chương trình Dịch vụ Phục hồi Tài sản của công ty gần đây đã mở rộng ra 36 quốc gia, và Dell cũng ra mắt Trung tâm Vòng đời Dell tất cả trong một.
Trở về hội thảo, các thành viên tham gia cũng dành phần lớn thời gian để chia sẻ về tầm quan trọng của hậu cần ngược trong nền kinh tế tuần hoàn.
David Sonnenschein, Phó chủ tịch phụ trách các dự án và công nghệ mới của nhà phát triển phần mềm SAP, cho biết rằng “việc khuyến khích hậu cần ngược hiện tại rất quan trọng”.
Ông chia sẻ ý kiến của mình: “Hãy coi hậu cần ngược như là một phần trong mô hình kinh doanh của bạn. Dù quy mô lớn hay nhỏ, tất cả đều có khía cạnh kinh tế theo quy mô. Nếu bạn ở cuối chuỗi cung ứng khi phải đối mặt trực tiếp với khách hàng, bạn có thể nghĩ rằng mình không nằm trong vòng tuần hoàn vì không sản xuất sản phẩm này. Tuy nhiên, bạn chính là người bắt đầu trên chuỗi hậu cần ngược”.
Bên cạnh đó, ông Abbatiello cũng cho biết Dell có sẵn cơ sở hạ tầng để xóa sạch dữ liệu từ các thiết bị cũ, nhưng vấn đề lớn là lấy lại các sản phẩm này từ tay người tiêu dùng.
Ông cho biết thêm: “Chúng tôi đang cố gắng tìm kiếm thêm Notebook để tái chế chúng và sử dụng vật liệu đó, Dell đã liên hệ với các công ty thu gom trên toàn thế giới nhưng vẫn không khả thi. Chúng tôi tin rằng chúng có thể được sửa chữa lại, nhưng số lượng lớn sản phẩm hư hỏng lại không biết đi về đâu.”
Abbatiello cho biết Dell cũng đang khám phá ý tưởng bù thêm tiền khi đổi thiết bị cũ mua thiết bị mới, tương tự như điều mà nhiều công ty đã làm với điện thoại thông minh trong thời gian gần đây. Ông Sonnenschein cũng nhấn mạnh rằng “điều mọi người đang nói ở đây là người tiêu dùng đầu cuối đang nắm nhiều giá trị kinh tế hơn là họ biết”.
Adam Skovron, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách các dự án cải tiến và đổi mới tại công ty giải pháp kinh doanh NTT, nói thêm rằng nếu có các biện pháp khuyến khích và hậu cần ngược phù hợp, mọi người có thể có xu hướng đổi một thiết bị trước khi nó hết hạn sử dụng hoặc hư hỏng.
Skovron cho biết với mục tiêu đó, điều quan trọng là phải xây dựng các giải pháp xem xét tính tuần hoàn ngay từ đầu, bao gồm cả nguyên vật liệu thô đầu vào.
Theo ông Sonnenschein, chuỗi hậu cần ngược thành công và nền kinh tế tuần hoàn cũng phụ thuộc vào việc giáo dục cho cả nhà sản xuất và người tiêu dùng, “làm cho mọi người hiểu chúng ta đang hao phí như thế nào” khi các mặt hàng không được sử dụng tuần hoàn.
Ông cho biết thêm rằng, ngay cả những khách hàng có tư duy tiến bộ nhất của SAP cũng cần thay đổi suy nghĩ của họ để đi vào một hệ quy chiếu tuần hoàn. “Tôi sử dụng từ Biến Đổi, khi đây là một sự thay đổi lớn đối với các công ty này. Hầu hết những người tài năng trong ngành hiện tại chưa bao giờ nghĩ đến vấn đề này”.
Jim Downey, Giám đốc hạng mục bán lại của tập đoàn Intel, cho biết các công ty lớn như Intel cần có thông điệp tốt và “những mục tiêu rất tích cực, lạc quan” trong tương lai.
Ông cho biết: “Việc định hướng này tùy thuộc vào các công ty và hy vọng toàn ngành sẽ theo bước đi này,” đồng thời khi các công ty lớn hơn xây dựng chuỗi cung ứng tuần hoàn, các công ty nhỏ hơn sẽ có cơ hội tham gia dễ dàng hơn.
Cuối cùng, Abbatiello lặp lại nhu cầu mới của chuỗi cung ứng, lưu ý rằng chúng ta sẽ cần có thời gian để xây dựng chuỗi cung ứng tuần hoàn. “Chúng ta sẽ cần nhất quán với chiến lược của mình”, với kế hoạch xây dựng có thể lên đến 4 – 5 năm.
Theo resource-recycling.com