Các doanh nghiệp Ai Cập ngày càng quan tâm đến thị trường Việt Nam
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 12:52, 28/07/2023
Việt Nam - Ai Cập, 60 năm quan hệ song phương
Ai Cập là quốc gia đầu tiên ở châu Phi - Trung Đông thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào năm 1963. Từ đó đến nay, quan hệ song phương Việt Nam - Ai Cập ngày càng được củng cố và phát triển.
Về quan hệ kinh tế-thương mại song phương, Ai Cập là một trong những đối tác thương mại quan trọng và là thị trường tiềm năng của Việt Nam tại khu vực châu Phi - Trung Đông. Trao đổi thương mại giữa hai nước đã ghi nhận hơn 600 triệu USD vào năm 2022. Hai nước đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 1 tỷ USD trong thời gian tới.
Việt Nam và Ai Cập có nhiều tiềm năng để tăng cường hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, nhất là kinh tế, thương mại, logistics, văn hóa, giáo dục, du lịch, giao lưu nhân dân... Hai nước cũng đẩy mạnh hợp tác địa phương trong thời gian qua. Bên cạnh thỏa thuận đã được ký kết giữa tỉnh Ninh Bình của Việt Nam và tỉnh Luxor của Ai Cập, thủ đô Hà Nội và thủ đô Cairo cũng đang hoàn thiện thỏa thuận hợp tác và hữu nghị để ký kết trong thời gian tới.
Hiện nay hai bên cũng đang nỗ lực củng cố khuôn khổ pháp lý cho hợp tác song phương thông qua việc cập nhật các hiệp định hiện có và hoàn thiện các hiệp định mới để ký kết trong thời gian tới. Ông El Tahry cho rằng giao lưu văn hóa là trụ cột quan trọng của quan hệ Việt Nam - Ai Cập, đồng thời đề nghị hai nước cần đẩy mạnh hợp tác văn hóa và giao lưu nhân dân nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước.
Ai Cập sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam
Đó là khẳng định của Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly tại hội đàm sáng 27/7, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Ai Cập của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang.
Tại hội đàm, hai nhà lãnh đạo cho rằng hai nước còn nhiều tiềm năng để đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, nông nghiệp...; nhất trí tăng cường trao đổi đoàn doanh nghiệp, phối hợp tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại, đầu tư tại mỗi nước trong thời gian tới, tạo điều kiện cho các hàng hóa xuất khẩu thế mạnh của nhau như nông sản, gạo, hàng may mặc, phân bón... vào thị trường của nhau; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai bên tăng cường kết nối, tham gia đầu tư vào các dự án tại mỗi nước.
Để tạo đột phá cho hợp tác thương mại thời gian tới, phía Việt Nam đề xuất nghiên cứu khả năng đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Ai Cập; đề xuất hợp tác với Ai Cập sản xuất thực phẩm theo tiêu chuẩn Halal theo mô hình song phương hoặc nhiều bên tại Việt Nam hoặc tại Ai Cập.
Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly cho biết, các doanh nghiệp Ai Cập ngày càng quan tâm đến thị trường Việt Nam, đánh giá cao sự ổn định chính trị và môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, mong muốn tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với Việt Nam; sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam sang Ai Cập hợp tác kinh doanh và đầu tư.
Để triển khai hiệu quả các biện pháp trên, hai bên thống nhất cần chuẩn bị tốt và sớm tổ chức kỳ họp lần thứ 6 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam-Ai Cập; thúc đẩy hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.
Ngay sau hội đàm, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly đã chứng kiến lễ ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Trung ương Ai Cập.
Nguồn: Các báo Chính phủ, Tin Tức