7 tháng đầu năm 2023: Khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi...

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 06:49, 06/08/2023

Sáng 5/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2023, thảo luận nhiều nội dung quan trọng.

Theo chương trình, Chính phủ tập trung thảo luận một số nội dung: Tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2023, triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia; rà soát, tổng hợp nhu cầu điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2023 giữa các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương; kết quả xử lý kiến nghị, đề xuất của các địa phương gửi đến các đoàn công tác của thành viên Chính phủ làm việc tại địa phương theo Quyết định số 435/QĐ-TTg ngày 24/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

1691198944269-16911992858761570956982.jpg
Ở trong nước, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi khi chúng ta chịu tác động kép, phải chống chịu với sức ép từ cả bên trong và bên ngoài... (Ảnh VGP)

Khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chúng ta đã đi qua tháng đầu tiên của quý III/2023 trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp; khó khăn, thách thức tiếp tục nhiều hơn thời cơ, thuận lợi.

Trên thế giới, tăng trưởng thấp trong khi cầu tiêu dùng còn yếu, hàng rào bảo hộ gia tăng… Lạm phát trên thế giới có thể đã qua đỉnh nhưng vẫn neo ở mức cao, nhiều quốc gia tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt (FED tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,25 điểm % vào ngày 26/7/2023). Áp lực nợ công, nợ xấu của doanh nghiệp, rủi ro trên các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản vẫn còn cao tại một số quốc gia. Hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ tiềm ẩn yếu tố rủi ro (thêm 1 ngân hàng quy mô nhỏ tại Mỹ bị kiểm soát đặc biệt).

Xuất hiện một số rủi ro, thách thức mới về an ninh lương thực toàn cầu khi Nga, Ấn Độ ngừng xuất khẩu gạo để bảo đảm an ninh lương thực trong nước, ảnh hưởng đến nguồn cung gạo trên thế giới. Nguồn cung dầu thô tiếp tục bị thu hẹp, đẩy giá dầu tăng cao nhất kể từ tháng 4/2023.

Biến đổi khí hậu, tình trạng thời tiết cực đoan diễn ra ở nhiều nơi, hạn hán kéo dài trên phạm vi rộng, bão lũ, thiên tai tại nhiều quốc gia.

Các nước trên thế giới vẫn đang giải các "bài toán khó" giữa thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát; giữa toàn cầu hóa, đa dạng hóa, đa phương hóa và cạnh tranh địa chiến lược, chủ nghĩa bảo hộ, sự phân tách, phân mảnh.

Ở trong nước, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi khi chúng ta chịu tác động kép, phải chống chịu với sức ép từ cả bên trong và bên ngoài, nhiều vấn đề tồn tại, yếu kém kéo dài nhiều năm, trong đó có các vấn đề của thị trường trái phiếu, bất động sản… bộc lộ rõ hơn trong bối cảnh khó khăn.

Cơ bản thực hiện được các mục tiêu tổng quát

Trong tháng 7 và 7 tháng đầu năm, chúng ta cơ bản thực hiện được các mục tiêu tổng quát đề ra với kết quả tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước. Tuy nhiên, cũng còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trên các lĩnh vực.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh tế xã hội tháng 7 và 7 tháng có dấu hiệu khởi sắc so với tháng trước. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số sản xuất IIP ngành công nghiệp tăng 3,9% so với tháng 6. Số doanh nghiệp đăng ký lập mới và trở lại hoạt động là 20.800 đơn vị, tăng 34% so với cùng kỳ 2022.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 7 tháng tăng 3,12% so với cùng kỳ, tốc độ tăng CPI tiếp tục xu hướng giảm. Mặt bằng lãi suất (huy động và cho vay) giảm 1% so với cuối 2022. Tính chung 7 tháng, xuất siêu ước đạt 16,5 tỷ USD, tăng 12 lần so với cùng kỳ 2022 (1,34 tỷ USD).

Tuy vậy, sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều thách thức, nhất là thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính. Xuất khẩu 7 tháng giảm 10,6%, chủ yếu ở nhóm hàng chủ lực như điện thoại, điện tử, dệt may. Nhập khẩu tư liệu sản xuất giảm 17,3%...

Bước vào tháng 8, mặc dù dự báo tình hình thế giới và trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng nền kinh tế nước ta đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc tích cực hơn, nhất là nền tảng kinh tế vĩ mô thuận lợi, tình hình chính trị - xã hội ổn định, hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả, môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước được giữ vững.

Tại phiên họp, Chính phủ tập trung thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm tháng 8 và những tháng cuối năm 2023 cùng một số nội dung quan trọng khác.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng nói "chưa thay đổi mục tiêu về tăng trưởng 6,5% năm nay". Như vậy, 6 tháng cuối năm phải đạt tăng trưởng khoảng 9%. Ông lưu ý trọng tâm điều hành là ưu tiên tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.

Theo đó, ưu tiên cho tăng trưởng, thúc đẩy cả tổng cầu - cung và 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng). Chính sách tiền tệ chủ động, tài khóa mở rộng hợp lý; bảo đảm an ninh tiền tệ, tài chính quốc gia. Thủ tướng yêu cầu rà soát lại cơ chế, chính sách để có giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước; cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh.

Về hợp tác kinh tế quốc tế, Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy đàm phán, ký kết các FTA mới, nhất là với các thị trường tiềm năng, lưu ý các thị trường Trung Đông, châu Phi, Mỹ La tinh, Bắc Mỹ. "Nỗ lực kết thúc đàm phán trong tháng 8, đẩy nhanh ký kết FTA với UAE", Thủ tướng nói.

Nguồn: VGP, VnExpress

Bảo Hân (tổng hợp)