Tập đoàn TH sẽ đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng vào huyện nghèo Thường Xuân

Toàn cảnh Kinh tế - Ngày đăng : 11:32, 15/08/2023

Nhiều dự án nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng được Tập đoàn TH đề xuất đầu tư được kỳ vọng sẽ tạo cơ hội phát triển tại huyện nghèo Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
th-thanhhoa2.jpg
Một góc huyện nghèo Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa

Ngày 13/8, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức Hội nghị để cho ý kiến về ý tưởng đề xuất chủ trương đầu tư các dự án của Tập đoàn TH trên địa bàn huyện Thường Xuân và một số nội dung quan trọng khác.

Tại Hội nghị, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Thanh Hóa trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xin ý kiến chỉ đạo về ý tưởng đề xuất chủ trương đầu tư các dự án của Tập đoàn TH.

Cụ thể, Dự án nông lâm nghiệp sinh thái trồng cây đa tầng, cây dược liệu tại Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, với mục tiêu xây dựng khu vực trồng cây dược liệu công nghệ cao tại tỉnh Thanh Hóa, trở thành đầu tàu quan trọng để ươm tạo, đưa các kết quả nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển công nghệ cao phục vụ sản xuất nông nghiệp của tỉnh cũng như toàn vùng kinh tế miền Trung, góp phần đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao, đảm bảo sức cạnh tranh và phát triển bền vững.

Quy mô dự án có diện tích sử dụng đất khoảng 819,6 ha. Trong đó: Đất rừng sản xuất là rừng trồng 143,18 ha: Thực hiện sản xuất lâm nghiệp; nông, lâm nghiệp kết hợp… Giữ nguyên hiện trạng đối với diện tích rừng tự nhiên, tiến hành trồng bổ sung vào những vị trí đất trống bằng các loài cây gỗ quý (giổi xanh, đàn hương,...), cây ăn quả có tính chất lâm nghiệp (mắc ca,...) và trồng dược liệu dưới tán rừng tự nhiên. Vốn đầu tư dự kiến của dự án trên 412 tỷ đồng.

Dự án Đầu tư Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, dưỡng lão, giải trí tại Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên với quy mô đầu tư diện tích 832,7 ha hiện đang giao cho Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên quản lý. Dự án sẽ đầu tư xây dựng các công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, dưỡng lão, giải trí theo Đề án du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên được cấp có thẩm quyền phê duyệt (Bãi để xe; Nhà hàng - Clubhouse; trung tâm hội nghị; khu nghỉ dưỡng sinh thái; công viên cộng đồng; khu nghỉ dưỡng - dưỡng lão; lâu đài công trình điểm nhấn; bến du thuyền; khu đón tiếp, công viên thực nghiệm; khu biệt thự biệt lập; tháp Thông Linh; khu vui chơi thể thao mạo hiểm; khu nghỉ dưỡng cao cấp; khu nhà sàn người Mường; khu nhà sàn người Thái; khu đón tiếp, điều hành khu nghỉ dưỡng). Vốn đầu tư dự kiến của dự án trên 909 tỷ đồng.

th-thanhhoa1.jpg
Nông nghiệp công nghệ cao là một trong những ngành Tập đoàn TH lựa chọn đầu tư ở huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa (ảnh minh họa)

Dự án Khu nông, lâm nghiệp sinh thái công nghệ cao trồng cây đa tầng, cây dược liệu tại xã Lương Sơn và thị trấn Thường Xuân với mục tiêu đầu tư xây dựng khu vực trồng cây lâm nghiệp và cây dược liệu công nghệ cao tại tỉnh Thanh Hóa, trở thành đầu tàu quan trọng để ươm tạo, đưa các kết quả nghiên cứu khoa học vào sản xuất, tổ chức đào tạo, chuyển giao công nghệ và thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư để phát triển công nghệ cao phục vụ sản xuất nông nghiệp của tỉnh cũng như toàn vùng kinh tế miền Trung, góp phần đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao, đảm bảo sức cạnh tranh và phát triển bền vững. Quy mô dự án có diện tích sử dụng khoảng 936,87 ha đất rừng sản xuất. Vốn đầu tư dự kiến của dự án trên 294 tỷ đồng.

Dự án Khu nông, lâm nghiệp sinh thái công nghệ cao trồng cây đa tầng, cây dược liệu tại vùng đất bán ngập hồ Cửa Đạt, với mục tiêu đầu tư: Ứng dụng công nghệ cao, sử dụng hiệu quả đất vùng bán ngập hồ Cửa Đạt phục vụ sản xuất nông lâm nghiệp (trồng cây đa tầng, cây dược liệu) kết hợp tạo cảnh quan xây dựng các điểm check in, mô hình du lịch camping (du lịch cắm trại, nhà lắp ghép); phát triển hạ tầng về giao thông (bến thuyền) phục vụ nhu cầu sản xuất nông, lâm nghiệp và nhu cầu phát triển du lịch. Tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân vùng phụ cận hồ Cửa Đạt; đồng thời tạo vành đai xanh đa tầng chống xói mòn, rửa trôi, sạt lở đất, bảo vệ tầng đất mặt, giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực làm suy thoái môi trường đất... góp phần đảm bảo an toàn, an ninh đập, hồ chứa nước Cửa Đạt. Quy mô đầu tư với diện tích 498,66 ha vùng đất bán ngập hồ Cửa Đạt hiện đang tạm giao cho Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên quản lý… Vốn đầu tư dự kiến của dự án là trên 638 tỷ đồng.

Sau khi nghe ý tưởng chủ trương đầu tư của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa thống nhất cao về các nội dung đề xuất ý tưởng để Tập đoàn TH đầu tư các dự án trên địa bàn huyện Thường Xuân. Đồng thời giao cho Ban cán sự Đảng UBND tỉnh tiếp tục tiến hành các công việc tiếp theo, đảm bảo đúng quy định của pháp luật trên tinh thần nhanh, khẩn trương để sớm hiện thực hóa ý tưởng đầu tư.

Được biết đến thời điểm này tại Thanh Hóa, Tập đoàn đã triển khai dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp tại xã Yên Mỹ (Nông Cống) với số vốn 3.800 tỷ đồng. Dự án đã được khởi công năm 2020 theo 2 giai đoạn và khi hoàn thành sẽ nuôi tổng 20.000 con bò, hệ thống nhà máy chế biến 300 tấn/ngày, tương đương 300.000 lít sữa/ngày.

Duy Ngợi