Cần chiến lược kinh doanh quốc tế phù hợp để vươn ra biển lớn

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 15:54, 17/08/2023

Hiện nay nhiều doanh nghiệp logistics nước ngoài đã mở công ty, chi nhánh, xây dựng kho bãi, cảng biển... tại Việt Nam, cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp logistics trong nước. Tuy vậy, ở chiều ngược lại các doanh nghiệp logistics Việt Nam vẫn đang loay hoay với thị trường nội địa, chưa xây dựng được chiến lược kinh doanh quốc tế (international business strategy) phù hợp trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu.

Hãy vượt qua những rào cản

Để thực thi chiến lược kinh doanh quốc tế doanh nghiệp logistics Việt Nam cần vượt qua một số rào cản để thâm nhập vào thị trường logistics quốc tế. Đầu tiên là năng lực tài chính. Để thâm nhập vào thị trường logistics quốc tế doanh nghiệp phải có tiềm lực tài chính mạnh. Chi phí nghiên cứu thị trường, mở công ty, chi nhánh hoặc văn phòng đại diện ở nước ngoài đòi hỏi nguồn vốn rất lớn để mở rộng kinh doanh. Đặc biệt nếu doanh nghiệp logistics muốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng như: cảng biển, ICD, kho bãi... thì nguồn vốn càng lớn. Đây là rào cản lớn khiến rất ít doanh nghiệp logistics Việt Nam có thể thực thi chiến lược kinh doanh quốc tế thông qua mở rộng thị trường theo vùng địa lý khi có trên 90% doanh nghiệp logistics Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ hoặc siêu nhỏ.

8.jpeg

Thứ hai là hàng rào pháp lý. Đây là rào cản mà các doanh nghiệp logistics Việt Nam không dễ vượt qua khi thực thi chiến lược kinh doanh quốc tế. Các quốc gia khác nhau có những quy định khác nhau về pháp lý liên quan đến hoạt động logistics.

Doanh nghiệp logistics Việt Nam phần lớn thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực này nên chưa dám mạnh dạn mở rộng hoạt động cung cấp dịch vụ logistics đến những thị trường mới ở nước ngoài. Đặc biệt, một số nước dựng lên rất nhiều rào cản kỹ thuật để hạn chế các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào thị trường logistics nước mình thông qua quy định mức vốn tối thiểu, công nghệ, các quy định nghiêm ngặt về môi trường...

Nguồn nhân lực chất lượng cao là một thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp logistics khi vươn ra tầm khu vực và thế giới. Phát triển kinh doanh theo hướng chiến lược mở rộng thị trường quốc tế đòi hỏi phải có bộ máy nhân viên, lãnh đạo phù hợp đặc biệt là khả năng ngoại ngữ, kinh nghiệm kinh doanh quốc tế, am hiểu thị trường nước sở tại. Đây là một rào cản mà hiện nay nhiều doanh nghiệp logistics Việt Nam gặp phải trong điều kiện nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành logistics Việt Nam bị hạn chế về khâu đào tạo. Tất nhiên khi mở rộng hoạt động ra nước ngoài nhiều doanh nghiệp vẫn sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ, bộ máy nhân sự cấp cao, nhân viên chủ chốt phần lớn họ vẫn sử dụng người của công ty mẹ. Lý do là bộ máy nhân sự cấp cao, nhân viên chủ chốt đó mới hiểu rõ được mục tiêu, chiến lược, văn hóa của doanh nghiệp để duy trì và phát triển doanh nghiệp ở thị trường mới.

Yếu tố về thị trường cũng là một rào cản đáng lưu ý. Là doanh nghiệp mới thâm nhập thị trường, muốn phát triển thị trường ra nước ngoài cần nhiều thời gian và chi phí để tìm hiểu thị trường, các phân khúc thị trường mà mình có thế mạnh, tập quán kinh doanh của đối thủ cạnh tranh và khách hàng để xây dựng một chiến lược kinh doanh phù hợp.

Tìm lối đi riêng

9.jpeg

Mặc dù có nhiều rào cản nhưng trong bối cảnh toàn cầu hóa doanh nghiệp vẫn phải xây dựng chiến lược phát triển thị trường phù hợp để tồn tại và phát triển. Doanh nghiệp logistics Việt Nam không những cạnh tranh trên sân nhà với các đối thủ nước ngoài mà phải “mang chiêng đi đánh xứ người” để chiếm giữ thị phần, cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ bên ngoài.

Để khắc phục điểm yếu về tài chính các doanh nghiệp logistics Việt Nam có thể mở rộng thị trường ra nước ngoài thông qua các hình thức hợp tác không đầu tư như ký các Biên bản ghi nhớ (MOU), Thỏa thuận hợp tác (Cooperation Agreement), Thỏa thuận đại lý (Agency Agreement)... để cung cấp dịch vụ logistics cho các đối tác. Hình thức hợp tác này không cần phải đầu tư tài chính nhiều, phân chia lợi nhuận theo từng hợp đồng cụ thể, trên cơ sở hai bên cùng có lợi (win-win solution). Hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp logistics nước ngoài cung cấp dịch vụ cho khách hàng Việt Nam theo hình thức này. Tương tự, các doanh nghiệp logistics Việt Nam hoàn toàn có thể cung cấp cho khách hàng nước ngoài những dịch vụ tương tự thông qua các đối tác của mình ở nước ngoài.

Nhằm thực thi chiến lược kinh doanh quốc tế thành công các doanh nghiệp logistics Việt Nam cần phải tìm hiểu sâu các quy định pháp lý của quốc gia mình muốn mở rộng kinh doanh. Các kênh thông tin hữu ích mà các doanh nghiệp logistics cần tham khảo là các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các hiệp hội chuyên ngành: Hiệp hội chủ tàu, Hiệp hội logistics, Hiệp hội vận tải... ở trong và ngoài nước.

Khách hàng và đối tác cũng là một kênh thông tin quan trọng hỗ trợ các doanh nghiệp logistics trước khi quyết định mở rộng kinh doanh ra thị trường quốc tế.

Các doanh nghiệp logistics khi thực thi chiến lược kinh doanh quốc tế dưới hình thức mở rộng quy mô theo vị trí địa lý cần đi từ gần tới xa, từ khu vực ra quốc tế để giảm thiểu rủi ro. Trước mắt các thị trường khu vực như Lào, Campuchia, Myanmar là những thị trường tiềm năng và phù hợp với khả năng của các doanh nghiệp logistics Việt Nam hiện nay. Đây là những thị trường gần Việt Nam, có chung đường biên giới hoặc có thể vận tải đa phương thức thông qua việc kết nối đường bộ, đường biển, đường sông giữa các nước ASEAN và có các hiệp định song phương, đa phương về vận tải giữa các nước trong khối nên các quy định pháp lý tương đối rõ ràng minh bạch.

Khi mở rộng thị trường kinh doanh quốc tế, doanh nghiệp logistics cần tập trung vào các phân khúc thị trường mình có thế mạnh để có thể thành công. Với các thị trường khu vực nói trên cần phát triển các thế mạnh: kho bãi, vận tải đường bộ, tập trung hoạt động phân phối tại các khu công nghiệp hoặc các dịch vụ khác biệt hóa như vận chuyển, bốc xếp hàng siêu trường, siêu trọng để gia tăng khả năng thành công.

(*)Viện Quản trị và Công nghệ FSB- Đại học FPT

TS. Võ Duy Nghi