Giải ngân vốn đầu tư công toàn tỉnh Nghệ An đạt hơn 34%

Toàn cảnh Kinh tế - Ngày đăng : 21:31, 17/08/2023

Tính đến ngày 10/8/2023, tổng vốn đầu tư công tập trung đã giải ngân được 2.438 tỷ đồng, đạt 34,18% KH. Trong đó: Kế hoạch 2023 giải ngân đạt 36,02%, cao hơn cùng kỳ (cùng kỳ 33,37%); Nguồn vốn đầu tư công kế hoạch năm 2022 kéo dài sang 2023 mới đạt 27,54%.
dautucong-na1.jpg
Nghệ An tổ chức Hội nghị tìm giải pháp đẩy nhanh vốn đầu tư công

Đó là con số được công bố trong Hội nghị giao ban toàn tỉnh do UBND tỉnh Nghệ An sáng 17/8 về tình hình thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Đến nay, đã có 24 đơn vị giải ngân trên 50% kế hoạch; có 35/70 đơn vị có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức bình quân chung của tỉnh (dưới 34,18%), trong đó có 13 đơn vị chưa thực hiện giải ngân. Một số đơn vị giải ngân thấp, có số vốn lớn như: Tương Dương (5,31%), Quế Phong (7,67%), Kỳ Sơn (19,08%), TX Hoàng Mai (22,58%), Quỳ Châu (26,5%)...; Khối ngành: Sở Y tế (0%); Sở Du lịch (3,37%); Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh (1,9%), Bệnh viện Ung bướu Nghệ An (3,24%)...

Tính theo số dự án (chưa bao gồm Chương trình MTQG): Có 87/160 dự án giải ngân dưới mức bình quân của tỉnh, trong đó có 45 dự án chưa giải ngân đồng nào. Một số đơn vị có nhiều dự án giải ngân chậm như: TX Hoàng Mai (5 dự án), Yên Thành (5 dự án), Sở Văn hóa và Thể thao (4 dự án)…

Một số cơ quan, đơn vị có số vốn còn lại chưa giải ngân lớn, nhiều dự án giải ngân thấp cần tập trung chỉ đạo: Tương Dương (còn 388 tỷ đồng), Kỳ Sơn (còn 350 tỷ đồng), Quế Phong (còn 237 tỷ đồng), Con Cuông (còn 202 tỷ đồng), Quỳ Châu (còn 183 tỷ đồng)...; Khối ngành: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh (còn 489 tỷ đồng), Sở NN&PTNT (còn 215 tỷ đồng), Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam (còn 198 tỷ đồng), Sở Giao thông vận tải (mặc dù tỷ lệ giải ngân tốt, nhưng do KH vốn lớn và mới bổ sung nên còn 391 tỷ đồng.

Đối với các dự án trọng điểm liên vùng đang tập trung triển khai thực hiện. Đối với 5 dự án/số vốn 748 tỷ đồng thuộc Chương trình phục hồi, hiện mới giải ngân đạt 13,76%...

Về vốn đầu tư phát triển, tính đến ngày 10/8/2023, tổng 3 Chương trình MTQG đã giải ngân 546,562 tỷ đồng/KH 2.091,216 tỷ đồng, đạt 26,14% KH, trong đó: giải ngân khá nhất là Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đạt 61,3%; 2 chương trình giải ngân thấp là Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc miền núi mới đạt 19,23%, trong đó KH năm 2023 mới đạt 11,93%; Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững mới đạt 3,47% KH, trong đó KH năm 2023 mới đạt 0,15%.

Về vốn sự nghiệp, tổng 3 Chương trình MTQG đã giải ngân 50,496 tỷ đồng/KH 1.578,514 tỷ đồng, đạt 3,2% KH, trong đó cả 3 chương trình đều giải ngân thấp, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (đạt 8,72%); Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc miền núi (đạt 1,21%); Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững (đạt 7,92%).

dautucong-na3.jpg
Việc giải ngân vốn đầu tư công chậm ảnh hưởng đến tiến độ nhiều công trình, dự án trên địa bàn Nghệ An

Nguyên nhân của việc giải ngân vốn đầu tư công tỉnh Nghệ An chậm là do giá cả nguyên nhiên vật liệu biến động; công tác giao kế hoạch một số nguồn vốn vẫn còn chậm (như nguồn chương trình phục hồi và phát triển KT-XH); quy trình thủ tục thực hiện các dự án ODA phức tạp hơn so với dự án trong nước; tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn Chương trình MTQG chưa đồng bộ, kịp thời, chưa phù hợp với thực tiễn...

Bên cạnh đó, năng lực quản lý của một số chủ đầu tư còn hạn chế, một số chủ đầu tư chưa tích cực thực hiện các thủ tục thanh toán ngay sau khi có khối lượng. Năng lực chuyên môn của một số Ban Quản lý dự án, đơn vị tư vấn… chưa đáp ứng được yêu cầu...

Công tác khảo sát, thiết kế một số dự án chưa tốt, chưa kỹ, một số dự án kéo dài quá lâu dẫn đến phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, điều chỉnh thiết kế dự toán mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Cấp uỷ, chính quyền tại một số địa phương còn chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư công, công tác giải phóng mặt bằng …

Cơ quan chủ trì tham mưu thực hiện các Chương trình MTQG chưa sát sao, chưa thể hiện rõ vai trò quản lý, tổ chức thực hiện và tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai các Chương trình MTQG. Việc hướng dẫn các chủ đầu tư thực hiện đối với một số quy trình, thủ tục còn chưa cụ thể, kịp thời; thời gian thẩm định của một số dự án kéo dài, nhất là thủ tục bổ sung danh mục đấu nối vào quốc lộ, thẩm định giá, thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy…

Năm 2023, kế hoạch đầu tư công tập trung được HĐND tỉnh giao là 5.583,8 tỷ đồng. Kế hoạch năm 2022 kéo dài sang năm 2023 là 1.550,828 tỷ đồng. Như vậy, tổng kế hoạch đầu tư công tập trung năm 2023 phải thực hiện là 7.134,628 tỷ đồng. Đến nay, nguồn kinh phí này cơ bản đã giao chi tiết đến từng đơn vị để triển khai thực hiện.

Duy Ngợi