Xúc tiến đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm cơ khí
Toàn cảnh Kinh tế - Ngày đăng : 20:46, 01/09/2023
Động lực tăng trưởng kinh tế
Trong những năm qua, công nghiệp đã trở thành ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng và năng suất lao động cao trong các ngành kinh tế. Trong đó, cơ khí là một trong những ngành công nghiệp có lịch sử lâu đời đóng vai trò là động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân, mở rộng sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là một số nhóm ngành như như cơ khí khuôn mẫu, cơ khí công nghệ cao, máy móc thiết bị, phụ tùng…
Chủ trì và phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định, giai đoạn vừa qua, chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc của ngành cơ khí khi từng bước làm chủ và nâng cao tỷ lệ nội địa hoá, tạo động lực thúc đẩy ngành công nghiệp và kinh tế phát triển, qua đó trực tiếp và gián tiếp tạo việc làm cho hàng triệu lao động, đồng thời hướng tới mục tiêu đến năm 2023, ngành cơ khí Việt Nam được phát triển với đa số các chuyên ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, cạnh tranh bình đẳng trong hội nhập quốc tế.
Song, bức tranh gam màu xám tiếp tục là tông màu chủ đạo bao trùm lên nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam không phải ngoại lệ. Tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến rất phức tạp, khó lường, tác động và ảnh hưởng sâu đến sự ổn định toàn cầu dẫn tới hệ luỵ làm gián đoạn, đứt gãy các chuỗi cung ứng, tác động không nhỏ đến hoạt động ngành công nghiệp nói chung và ngành cơ khí nói riêng.
Dù đã ghi nhận những kết quả tích cực trong điều hành kinh tế vĩ mô, tăng trưởng cũng như triển vọng phục hồi và xu thế của nền kinh tế những tháng vừa qua, tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia, từ nay đến cuối năm, khó khăn, thách thức vẫn sẽ nhiều hơn thuận lợi, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế sẽ tiếp tục phải đón những luồng gió ngược của thế giới.
Bên cạnh đó, dù dư địa thị trường của công nghiệp là rất lớn, song việc đa dạng và mở rộng thị trường đối với các doanh nghiệp trong ngành cơ khí vẫn hết sức khó khăn do vấp phải sự canh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp do năng lực cạnh tranh chưa đủ mạnh, chưa xây dựng được thương hiệu và được nhiều khách hàng tiềm năng biết đến.
Giai đoạn vừa qua, Bộ Công Thương đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong nước, đa dạng hóa nguồn cung, đối tác, tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tiếp tục giữ vững, củng cố vị thế tại các thị trường đã có các Hiệp định thương mại tự do, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các rào cản thương mại, các biện pháp phòng vệ thương mại.
Tăng cường kết nối doanh nghiệp, cung cấp thông tin thị trường
Tại hội nghị, lãnh đạo Hiệp hội Cơ khí Việt Nam cho biết, hiện con số xuất nhập khẩu của ngành cơ khí lớn nhưng hầu hết nằm trong khối doanh nghiệp FDI, tỷ trọng của doanh nghiệp Việt Nam còn khiêm tốn. Qua làm việc thực tế, khách hàng nước ngoài nhận diện nhiều hạn chế của doanh nghiệp cơ khí Việt Nam. Trong đó, kỹ năng tìm kiếm khách hàng hạn chế; chưa có mặt hàng truyền thống; không có đại diện bán hàng theo khối và không liên kết chặt chẽ trong tìm kiếm khách hàng; ngại thay đổi quy mô sản xuất và hạn chế trong sử dụng thương mại điện tử phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Theo đó, đại diện Hiệp hội cơ khí đề xuất Thương vụ Việt Nam ở thị trường nước ngoài hỗ trợ mạnh mẽ cho doanh nghiệp cơ khí trong nước, nhất là về cung cấp thông tin thị trường. Đồng thời đề nghị Bộ Công Thương tăng cường hỗ trợ kết nối doanh nghiệp trong ngành với các nhà mua hàng nước ngoài. Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các kênh thương mại điện tử; hỗ trợ tổng hợp số liệu và nhu cầu thị trường.
Về phía Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI), bà Trương Thị Chí Bình – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VASI thông tin, năm nay, thị trường sản phẩm cơ khí suy giảm khoảng 20% đơn hàng, có doanh nghiệp đơn hàng suy giảm nặng hơn từ 30-40%. Tuy nhiên, lĩnh vực cơ khí cũng có thêm nhiều khách hàng mới do sự dịch chuyển về sản xuất. Trong khi đó, năng lực của doanh nghiệp trong nước đã có những chuyển biến tích cực. Cùng với đó là nhiều công đoạn sản xuất doanh nghiệp Việt Nam đủ khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp Trung Quốc, Ấn Độ.
Thông tin về thị trường Hoa Kỳ, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Trưởng đại diện Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại New York cho biết, lĩnh vực cơ khí đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Hoa Kỳ, nhất là ngành sản xuất ô tô. Bên cạnh là nhà sản xuất lớn về cơ khí chế tạo, Hoa Kỳ cũng là nước có nhu cầu nhập khẩu đa dạng, các sản phẩm nhập khẩu là máy công nghiệp, máy bay dân dụng, máy tính, phụ kiện bán dẫn, máy móc nông nghiệp, ngành giấy; ô tô, phụ tùng ô tô.
Như vậy, hiện còn nhiều dư địa xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, doanh nghiệp trong nước cần chủ động nguồn hàng, tuân thủ quy định từ thị trường; có các chứng chỉ về chất lượng đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, tuỳ theo từng ngành, sản phẩm cụ thể. Mặt khác, doanh nghiệp cần sản xuất theo tiêu chuẩn bền vững, hài hoà tiêu chuẩn quốc tế; tham gia các hội chợ xúc tiến xuất khẩu. "Thương vụ sẽ đồng hành, phối hợp với các doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại để sản phẩm cơ khí tiếp cận thuận lợi thị trường Hoa Kỳ”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Đối với thị trường Nhật Bản - thị trường xuất khẩu truyền thống của sản phẩm cơ khí Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng cơ khí đang chiếm tỷ trọng 5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này. Ông Tạ Đức Minh - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản thông tin, Nhật Bản hiện đang thực hiện chính sách mới nhằm tránh phụ thuộc nguồn cung vào Trung Quốc và mở rộng sang khối các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Mặt khác, doanh nghiệp cơ khí của Nhật Bản chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, lâu đời, chủ của doanh nghiệp này muốn chuyển giao tuy nhiên ở đất nước có tỷ lệ già hoá dân số việc này tương đối khó khăn nên có định hướng sang Việt Nam tìm cơ hội hợp tác sản xuất.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, sau Hội nghị này, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tổng hợp đầy đủ nhu cầu hỗ trợ và các kiến nghị, đề xuất của các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để tập trung giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và xuất khẩu ngành cơ khí, hỗ trợ doanh nghiệp ngành cơ khí tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu, cạnh tranh bình đẳng trong hội nhập quốc tế , cơ bản đáp ứng nhu cầu sản phẩm cơ khí của thị trường trong nước và phát triển xuất khẩu, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước.
* Theo số liệu thống kê, tháng 8/2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 60,92 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước, 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 32,37 tỷ USD, tăng 7,7% so với tháng trước, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 8/2023 ước đạt 28,55 tỷ USD, tăng 5,7% so với tháng trước, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước.
* Tính chung 8 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 435,23 tỷ USD, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ tháng 8 năm 2023 ước tính xuất siêu 20,19 tỷ USD.