Một ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 10:36, 04/09/2023
Sáng 4/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Thủ đô Hà Nội lên đường dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các hội nghị cấp cao liên quan tại Jakarta, Indonesia từ ngày 4-7/9/2023 theo lời mời của Tổng thống nước Cộng hòa Indonesia Joko Widodo, Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các hội nghị cấp cao liên quan
Các hội nghị diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những chuyển động nhanh chóng. Kinh tế thế giới được dự báo tăng trưởng tích cực hơn nhưng nhịp độ chưa ổn định, có thể bị đảo chiều. Trong bối cảnh đó, chuyển đổi phương thức kết nối, tái cơ cấu nền kinh tế, hướng tới tự chủ bền vững trở thành nhu cầu bức thiết của hầu hết các nước. Liên kết kinh tế đa chiều với các kết nối đa dạng là phương thức được nhiều nước lựa chọn.
Khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương vừa là tâm điểm của tăng trưởng vừa là trọng điểm của cạnh tranh chiến lược. Đông Nam Á vẫn được coi là điểm sáng về kinh tế, song xuất khẩu của nhiều nước trong khu vực sụt giảm. Cùng với đó, trong khu vực, tình hình Myanmar, Biển Đông... là chủ đề quan tâm lớn.
Với vai trò Chủ tịch ASEAN 2023, Indonesia đã rất tích cực đẩy mạnh triển khai các ưu tiên, sáng kiến; qua đó, vừa tạo động lực cho ASEAN phát triển, vừa củng cố vai trò của ASEAN trong các nỗ lực thúc đẩy đối thoại, hợp tác, duy trì hòa bình, ổn định và phát triến bền vững ở khu vực.
Việt Nam tiếp tục tham gia chủ động, tích cực, đóng góp trách nhiệm cùng các nước thành viên duy trì, đề cao cách tiếp cận cân bằng, hài hòa trong các vấn đề khu vực và quốc tế, củng cố vai trò trung tâm, phát huy trách nhiệm, tiếng nói của ASEAN đối với hòa bình, ổn định, phát triển.
Thực tế là, 28 năm qua (1995 đến nay), với phương châm “tích cực, chủ động và có trách nhiệm”, Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của Hiệp hội, tạo nền tảng để xây dựng Cộng đồng ASEAN gắn kết trên ba trụ cột; duy trì sự đoàn kết, thống nhất trong nội khối, củng cố vai trò trung tâm của Hiệp hội trong các vấn đề quốc tế và khu vực.
Trong phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 diễn ra Indonesia vào tháng 5/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu ra 3 vấn đề cốt lõi quyết định bản sắc, giá trị, sức sống và uy tín của ASEAN, đó là giữ vững độc lập, tự chủ chiến lược, vươn mình bứt phá thành tâm điểm của tăng trưởng, thích ứng ngày càng tốt hơn trước những biến động bên ngoài.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng khẳng định mong muốn của Việt Nam cùng các nước xây dựng bản sắc, giá trị, sức sống và uy tín của ASEAN, đồng thời làm sâu sắc thêm quan hệ giữa Việt Nam và các nước ASEAN.
"Không gian kinh tế" ASEAN
Trên thực tế, ASEAN đang là nền kinh tế lớn thứ 5 toàn cầu với GDP đạt 3.100 tỷ USD, dự kiến sẽ tăng hơn gấp đôi lên 6.600 tỷ USD để đạt vị trí thứ 4, vượt Đức. Theo báo cáo mới đây của Hội nghị Thương mại và Phát triển của Liên hợp quốc (UNCTAD) về đầu tư của ASEAN, các dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu vực Đông Nam Á đã tăng 42% lên 174 tỷ USD, chỉ đứng sau Trung Quốc. Sự phục hồi của vốn FDI đã củng cố niềm tin vào một khu vực Đông Nam Á trỗi dậy kiên cường sau đại dịch Covid-19.
Theo giới chuyên gia kinh tế quốc tế, triển vọng tăng trưởng của ASEAN sẽ tăng tốc trong thập kỷ tới. Đáng chú ý trong đó là 5 nền tảng mà khi viết liền chữ cái đầu tiên trong tiếng Anh của 5 nền tảng này sẽ là “TIGER”, gồm: Công nghệ (technology); thu nhập (income); chuyển đổi xanh (green); hạ tầng năng lượng (energy); Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Trước hết, về công nghệ hay nền kinh tế số hóa, giới chuyên gia nhận định, từ nay đến năm 2025, khu vực sẽ chứng kiến sự tăng tốc mạnh mẽ, nền kinh tế số có thể đạt 330 tỷ USD vào năm 2025. Động lực quan trọng cho nền kinh tế số của ASEAN chính là lực lượng lao động trẻ. Cụ thể, ASEAN có 680 triệu dân, là thị trường lớn thứ 3 sau Trung Quốc và Ấn Độ, chiếm 9% dân số thế giới.
Đặc biệt trong đó, ASEAN có nhân khẩu học thuận lợi với gần một nửa dân số ở độ tuổi dưới 30. Lực lượng lao động được ước tính chỉ đạt đỉnh vào năm 2045, sau Trung Quốc khoảng 3 thập kỷ. Lớp lao động trẻ này được đánh giá là sẽ hiểu biết về kỹ thuật số, có năng năng suất cao và đang phát triển sẽ cung cấp một lộ trình dài cho sự phát triển của khu vực.
Về nền tảng thu nhập, theo giới phân tích, tầng lớp trung lưu của ASEAN đang gia tăng mạnh mẽ, trở thành một động lực kinh tế lớn bậc nhất thế giới. Tầng lớp này cũng được dự báo sẽ tăng gấp đôi chi tiêu dùng lên 4.000 tỷ USD trong thập kỷ tới.
Về nền tảng chuyển đổi xanh và hạ tầng năng lượng, phân tích của giới chuyên gia chỉ ra rằng, chuyển đổi xanh của ASEAN có thể mang đến hơn 1.000 tỷ USD trong các cơ hội kinh tế hàng năm. Trong khi đó, ASEAN hiện đang đặt mục tiêu đạt 23% năng lượng tái tạo trong nguồn cung cấp năng lượng sơ cấp vào năm 2025.
Đối với nền tảng từ RCEP, việc thực hiện thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới này là minh chứng rõ nét cho thấy sức hội nhập mạnh mẽ hơn bao giờ hết trong các lĩnh vực thương mại và thúc đẩy đầu tư cho khu vực. RCEP sẽ cho phép tiêu chuẩn hóa các quy định xuyên biên giới, từ đó đẩy mạnh hiệu quả kinh tế.
Phân tích của giới chuyên gia, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu cần tìm kiếm những địa điểm mới để hiện thực hóa các tham vọng đa dạng hóa chuỗi cung ứng, sự cải thiện đáng kể về mức độ thuận lợi trong kinh doanh và hồ sơ nhân khẩu học thuận lợi của ASEAN là đặc biệt có ý nghĩa quan trọng đối với các doanh nghiệp toàn cầu. Trên thực tế, ASEAN là một khu vực có các thế mạnh bổ sung cho nhau, đồng thời có vị thế tốt để đảm nhận vai trò quan trọng hơn trong một thế giới ngày càng đa cực, nơi sản xuất ngày càng bị phân mảnh.
Nguồn: VGP, Quân đội nhân dân