Hôm nay, Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 11:53, 10/09/2023

Sau khi hạ cánh tại sân bay Nội Bài chiều nay (10/9), Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng phái đoàn tháp tùng sẽ di chuyển về Phủ Chủ tịch để tham dự lễ đón cấp Nhà nước.
tong-thong-biden-den-an-doap-1694255453863.jpg
Tối 8/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden đến sân bay Indira Gandhi (tại New Delhi, Ấn Độ), để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 (Ảnh: AP).

Hôm nay (10/9), Tổng thống Mỹ Joe Biden rời thủ đô New Delhi (Ấn Độ) để lên đường đến sân bay Nội Bài (Hà Nội) vào chiều cùng ngày, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam trong hai ngày.

Dự kiến, Tổng thống Biden cùng đoàn tháp tùng sẽ di chuyển từ sân bay Nội Bài về Phủ Chủ tịch để tham dự lễ đón cấp Nhà nước. Sau đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ có cuộc hội đàm tại trụ sở Trung ương Đảng.

Để phục vụ chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden, những ngày qua, nhiều máy bay vận tải quân sự hạng nặng C-17 của Mỹ đã đáp liên tiếp xuống sân bay Nội Bài (Hà Nội) để đưa nhiều hàng hóa và phương tiện chuyên dụng.

Ngay trước khi đến Việt Nam, Tổng thống Biden đã đến Ấn Độ vào tối 8/9 để tham dự chương trình nghị sự tại Hội nghị G20. Trong phái đoàn tháp tùng Tổng thống có Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre.

Theo đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng, trong chuyến thăm diễn ra trong hai ngày 10-11/9, Tổng thống Joe Biden sẽ có các cuộc hội đàm, gặp gỡ quan trọng với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước cùng các hoạt động với doanh nghiệp và người dân.

Hai bên cũng rà soát lại quan hệ đối tác toàn diện trên các lĩnh vực và đề ra những định hướng cho quan hệ trong thời gian tới. Nội hàm tập trung vào hợp tác khoa học - công nghệ, kinh tế - thương mại và đầu tư, giao lưu nhân dân, khắc phục hậu quả chiến tranh.

"Điều này sẽ mở ra một chương mới trong quan hệ Việt Nam - Mỹ, đồng thời tạo điều kiện khách quan thuận lợi hơn để Việt Nam dần khẳng định vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu", ông Dũng nói.

Đồng thời, hai bên dự kiến cùng tổ chức hoạt động trao đổi kỷ vật chiến tranh, gặp gỡ giữa các doanh nghiệp công nghệ; ký kết nhiều thỏa thuận, hợp đồng kinh tế quan trọng có thể trị giá hàng tỷ USD.

Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ vào năm 1995 và thiết lập quan hệ đối tác toàn diện vào năm 2013.

Năm 2022, thương mại hai chiều đạt 123 tỷ USD, tăng gần 300 lần so với con số 450 triệu USD năm 1995. Việt Nam cũng nhanh chóng vươn lên để trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Mỹ và trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ trong ASEAN.

Cũng từ năm 2002, Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Đến năm 2022, xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ đã cán mốc 100 tỷ USD. Trong 10 năm qua, xuất khẩu của Việt Nam qua Mỹ đã vượt con số 100 tỷ USD, tăng hơn 5 lần.

Về đầu tư, Mỹ luôn nằm trong top nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam. Tính đến năm 2022, có hơn 11 tỷ USD đầu tư trực tiếp từ Mỹ vào Việt Nam, chưa kể đầu tư thông qua chi nhánh của công ty Mỹ từ các nước thứ ba.

Theo chuyên gia AFC, chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể là bước đệm tuyệt vời cho nền kinh tế Việt Nam trong 10 năm tiếp theo. Nếu Mỹ và Việt Nam nâng cấp quan hệ thì Việt Nam kỳ vọng sẽ thu được rất nhiều lợi ích. Dòng vốn FDI sẽ tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam.

Nếu 10 năm trước, các nước đồng minh của Mỹ tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương ồ ạt đầu tư vào Việt Nam, thì giờ đây nhóm này vẫn sẽ tiếp tục là trụ cột chính trong việc rót vốn vào Việt Nam. Ngoài ra chúng ta sẽ có thể nhìn thấy dòng vốn mới từ một khu vực mới đó chính là Liên minh châu Âu (EU).

EU hoàn toàn có thể tận dụng điều này, cộng với hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU, cũng như nhu cầu bức thiết của việc đa dạng hoá chuỗi cung ứng, trước kinh nghiệm đã xảy ra với Nga.

Do đó, dòng vốn từ EU có thể sẽ đổ bộ mạnh vào Việt Nam. Một trong những dự án tỷ USD đầu tiên chính là LEGO, với gói thầu xây dựng lên đến hơn 400 triệu USD, do công ty xây dựng Coteccons làm tổng thầu
”, ông Viciente - Giám đốc đầu tư (CIO) của AFC Vietnam Fund, nhận định. 

xuatkhaumy2012-2022-viciente-1189.jpg
Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng mạnh trong 10 năm qua

Gần đây, hàng loạt tập đoàn lớn của Mỹ đã đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Các tập đoàn như Apple, Intel… đều mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Trong khi Boeing, Google, Walmart Boeing, Google, Walmart, tập đoàn năng lượng AES… tìm kiếm cơ hội tại đây. Cũng theo chuyên gia này, dự báo xuất khẩu qua Mỹ sẽ tiếp tục gia tăng.

Nếu quan hệ Việt Nam - Mỹ được nâng tầm thì hoàn toàn có thể kỳ vọng doanh thu xuất khẩu qua Mỹ sẽ lại tăng trưởng mạnh mẽ trong 10 năm tiếp theo.

Dưới góc độ cá nhân, chuyên gia AFC cho rằng, Việt Nam sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sự vận hành của nền kinh tế chính trị toàn cầu. Triển vọng của Việt Nam trong 5-10 năm tiếp theo là “cực kỳ tươi sáng”.

Về các ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp có thể hưởng lợi từ hợp tác Việt Nam - Mỹ, ông Viciente cho rằng, các lĩnh vực có xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao sẽ thăng hoa, như dệt may, thủy sản, nông sản…

Trong lĩnh vực dệt may có các doanh nghiệp như TNG, Việt Tiến (VGG), May Sông Hồng (MSH); thủy sản như Minh Phú (MPC), Vĩnh Hoàn (VHC), Nam Việt (ANV), Sao Ta (FMC); nông sản có Lộc Trời (LTG), Intimex; Gỗ có Phú Tài (PTB), Gỗ Đức Thành (GDT)….

Hợp tác y tế và giáo dục cũng được coi là điểm sáng trong 10 năm qua, hai nước đã chia sẻ giúp đỡ nhau trong đại dịch Covid-19. Ngay từ khi dịch mới xảy ra, Việt Nam đã hỗ trợ Mỹ đồ bảo hộ y tế và khẩu trang; phía Mỹ đã trao tặng gần 40 triệu liều vaccine cho Việt Nam.

Việt Nam đang có hơn 30.000 học sinh, sinh viên học tại Mỹ, đứng thứ 5 trong số những quốc gia có nhiều du học sinh nhất tại nước này. Mỹ cũng tổ chức nhiều dự án giáo dục tại Việt Nam, trong đó có Đại học Fulbright và cử tình nguyện viên đến dạy tiếng Anh trong Chương trình Hòa bình (Peace Corps)

Võ Thị Phương Thủy (tổng hợp)