Ngành chế biến gỗ cần tiến tới Net zero
Toàn cảnh Kinh tế - Ngày đăng : 16:16, 12/09/2023
Vai trò ngành chế biến gỗ
Hiện nay ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu của Việt Nam đã và đang phát triển nhanh và ổn định, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm đồ gỗ trong nước mà xuất khẩu bền vững. Sự tăng trưởng đó thể hiện rõ nét nhất trên quy mô các doanh nghiệp ngành chế biến gỗ.
Cụ thể, nếu như cách đây 5 năm, cả nước chỉ có 3.200 doanh nghiệp, thì đến nay đã có khoảng 5.840 doanh nghiệp tham gia vào sản xuất, chế biến đồ gỗ (không tính hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ). Toàn ngành đã thu hút hàng vạn công nhân và hàng triệu hộ nông dân trồng rừng nguyên liệu và thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nền kinh tế quốc dân.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 7/2023 đạt gần 1,1 tỷ USD; lũy kế xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 7 tháng đầu năm đạt 7,1 tỷ USD, thấp hơn 25% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của tháng 7/2023 đã vươn lên trên 1 tỷ USD sau thời gian dài sụt giảm sâu, cho thấy tín hiệu xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã dần phục hồi.
Cần tiến tới Net Zero
Net Zero là thuật ngữ để chỉ sự cân bằng giữa carbon thải vào khí quyển và carbon loại bỏ khỏi khí quyển.
Chính phủ Việt Nam đã cam kết sẽ đạt được Net Zero vào năm 2050 tại COP 26 (Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu của Thế giới) và thực tế cũng đã ban hành các chính sách để dần đặt ra hạn ngạch phát thải đối với từng nhóm doanh nghiệp ở nhiều ngành nghề khác nhau.
Đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam khi ra thị trường quốc tế phải tuân thủ một số quy định mà các quốc gia nhập khẩu đưa ra như sau: Đối với EU, phải tuân thủ quy định mới về chống phá rừng cũng như trách nhiệm giải trình VPA FLEGT (Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản) và Quy định 1115 (Quy định nhằm ngăn chặn tình trạng phá rừng và làm suy thoái rừng); Nhật Bản phải có chứng chỉ bền vững; Đức yêu cầu cung cấp thêm các chứng nhận liên quan nguồn gốc sản phẩm, tình trạng sử dụng lao động, tiền lương, xử lý chất thải, các chứng chỉ amfori BSCI, SA 8000, SMETA, FSC,….
Tại Hội thảo "Tác động của Net-Zero và cập nhật chính sách, quy định đối với doanh nghiệp ngành gỗ và thủ công mỹ nghệ" trong khuôn khổ VIFA ASEAN 2023, ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu Thủ công mỹ nghệ Việt Nam cho rằng để tiến tới Net Zero Chính phủ, doanh nghiệp cần phải đầu tư năng lượng tái tạo: xanh hóa nền công nghiệp (công nghiệp xanh); chính sách thuế và chế tài với ô nhiễm; khuyến khích sử dụng gỗ và nguyên liệu tái tạo; hoàn thiện phát triển công nghệ quản lý rừng; hợp tác quốc tế.