Hà Tĩnh: Thực hiện thành công mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:41, 16/02/2022

(VLR) Trong bối cảnh đầy khó khăn, thách thức, đặc biệt đại dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, nhưng trong năm 2021 Hà Tĩnh đã chủ động và linh hoạt thực hiện thành công các giải pháp vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH).

Các đơn vị, nhà máy trên địa bàn Hà Tĩnh vừa tập trung sản xuất, vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

Các đơn vị, nhà máy trên địa bàn Hà Tĩnh vừa tập trung sản xuất, vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

Nhiều chỉ số tăng trưởng tích cực

Năm 2021, cũng như nhiều tỉnh thành khác, Hà Tĩnh phải đối mặt với đại dịch COVID-19 hết sức phức tạp, nhiều địa phương, vùng quê phải thực hiện cách ly xã hội. Theo đó, việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh Hà Tĩnh gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch và các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, KT-XH Hà Tĩnh đạt những kết quả tích cực, nhiều chỉ số tăng so với kế hoạch đề ra.

Lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục giữ vai trò “trụ đỡ” quan trọng cho sự ổn định và phát triển KT-XH của tỉnh. Sản xuất lúa vụ xuân, vụ hè thu liên tiếp được mùa, năng suất năm 2021 đạt trên 55,33 tạ/ha, sản lượng đạt trên 58,08 vạn (cao nhất từ trước đến nay). Sản xuất thủy sản duy trì ổn định với tổng sản lượng ước đạt trên 54.410 tấn.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo với trọng tâm là triển khai thực hiện Đề án “Thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới”. Kết quả năm 2021, toàn tỉnh có thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới và 1.200 vườn mẫu đạt chuẩn.

Trên lĩnh vực công thương, nhiều chỉ số đạt mức tăng trưởng ấn tượng. Hoạt động sản xuất công nghiệp cơ bản thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19, là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Các ngành dịch vụ bị ảnh hưởng lớn của dịch COVID-19, nhưng nhiều lĩnh vực vẫn phát triển.

Giám đốc Sở Công thương Hoàng Văn Quảng cho biết: Trong năm vừa qua, chính quyền các cấp, ngành đã kịp thời triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển, góp phần quan trọng cho sự tăng trưởng. Theo đó, chỉ số sản xuất toàn ngành ước tăng 16,45% so với năm 2020; sản xuất thép đạt khoảng 5,4 triệu tấn. Xuất nhập khẩu tăng mạnh so với năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2 tỷ USD, tăng 66,7% và nhập khẩu ước đạt 3,3 tỷ USD, tăng 50% so với năm 2020.

Khu Kinh tế Vũng Áng là trung tâm động lực tăng trưởng của Hà Tĩnh.

Khu Kinh tế Vũng Áng là trung tâm động lực tăng trưởng của Hà Tĩnh.

Đáng chú ý, năm 2021, trong bối cảnh có nhiều khó khăn nhưng thu ngân sách toàn tỉnh đạt cao nhất từ trước tới nay, với số thu đạt gần 17.000 tỷ đồng, vượt 31% dự toán tỉnh giao, tăng 25% so với năm 2020.

Với các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, lĩnh vực thu hút đầu tư tỉnh Hà Tĩnh có nhiều tín hiệu tích cực. Trong năm có 52 dự án đầu tư, gồm 51 dự án trong nước với tổng số vốn đăng ký trên 14.600 tỷ đồng và 1 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng số vốn đăng ký 2,5 tỷ USD. Năm 2021, Hà Tĩnh có hơn 1.000 doanh nghiệp được thành lập mới với tổng vốn gần 12.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, năm 2021, Hà Tĩnh vẫn còn 8/17 chỉ tiêu không đạt kế hoạch, trong đó có những chỉ tiêu quan trọng về phát triển kinh tế như tốc độ tăng trưởng GRDP, GRDP bình quân đầu người...

Năm 2022 tập trung phục hồi kinh tế - thích ứng dịch bệnh

Khởi công Nhà máy sản xuất Pin Vines tại Vũng Áng, Hà Tĩnh.

Khởi công Nhà máy sản xuất Pin Vines tại Vũng Áng, Hà Tĩnh.

Năm 2022, tình hình phát triển KT-XH còn nhiều khó khăn thách thức, tác động tiêu cực của đại dịch COVID -19 khó lường. Tuy nhiên, theo dự báo, năm 2022 cũng là năm Hà Tĩnh sẽ có nhiều điểm sáng, có những thuận lợi, thời cơ. Với phương châm hành động: “Tập trung phục hồi kinh tế - Đảm bảo thích ứng dịch bệnh - Thu hút đầu tư - An sinh xã hội”, Hà Tĩnh đặt ra nhiều giải pháp, nhiệm vụ nhằm thực hiện 29 chỉ tiêu trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa – xã hội, môi trường, quốc phòng – an ninh.

Mục tiêu đặt ra, đó là thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển KT-XH. Theo đó, đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp; cơ cấu lại nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, phục hồi, phát triển thương mại, dịch vụ; quản lý, sử dụng hiệu quả ngân sách, tín dụng ngân hàng. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã.

Đi cùng với đó là phát triển toàn diện, hài hòa các lĩnh vực văn hóa - xã hội, chăm lo đời sống cho nhân dân; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số; củng cố quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế…

Một số chỉ tiêu cơ bản năm 2022: Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 8,5-9%; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 39 triệu đồng/năm; giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đạt trên 96 triệu đồng/ha; tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội đạt 43.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 2 tỷ USD; thu ngân sách trên địa bàn đạt 16.300 tỷ đồng…

Tại Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVIII diễn ra ngày 15 - 16/12/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải cũng đã nhấn mạnh: “Năm 2022 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, khó khăn, thách thức đi cùng với cơ hội, thời cơ. Chính vì vậy đòi hỏi chúng ta hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu người đứng đầu các sở, ngành, địa phương phát huy những kết quả đạt được, tập trung khắc phục những tồn tại hạn chế, chấn chỉnh kỷ luật kỷ cương, nêu cao trách nhiệm, bám sát cơ sở, tâm huyết, chủ động, đổi mới sáng tạo; tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ năm 2022”.

Duy Ngợi